Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai năm 2022
Ngày 16/5/2022, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức buổi lễ Mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai năm 2022.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai (Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai) nhấn mạnh, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Những năm gần đây, thiên tai thường xuyên diễn ra trên khắp các vùng miền cả nước với xu thế ngày càng gia tăng, bất thường và khốc liệt, ảnh hưởng và gây thiệt hại ngày càng nặng nề đến tính mạng, tài sản, đời sống, sản xuất của người dân, trong đó đặc biệt trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Do tác động của biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối diện với nguy cơ ngày càng gia tăng của các loại hình thiên tai như xói lở bờ sông, bờ biển với gần 700 điểm sạt lở, tổng chiều dài 275 km; hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên và ngày càng sâu hơn.
Nguy cơ lũ cực hạn khi các hồ chứa thượng nguồn sông Mê Kông đã hết dung tích phòng lũ, bắt buộc phải đồng loạt xả lũ. Rừng ngập mặn đã và đang bị suy thoái, trung bình hàng năm làm mất gần 400 ha đất, rừng phòng hộ; mưa trái mùa kèm theo dông sét thường xuyên xảy ra; đồng thời, nguy cơ bão mạnh đổ bộ gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Thiên tai đã và đang trở thành một trong những mối hiểm họa lớn nhất của toàn nhân loại. Công tác phòng, chống thiên tai ở Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn, đòi hỏi cần có sự chung tay, góp sức, sự quan tâm của toàn xã hội.
Các ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến luôn cần đến sự đầu tư tương xứng để nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo, giám sát, đánh giá rủi ro. Song, cần chú trọng việc kết hợp phân tích khoa học với các giải pháp quản lý thiên tai dựa vào năng lực cộng đồng, phát huy tri thức bản địa.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Maharajan Muthu, Trưởng Chương trình Vì sự sống còn của trẻ em và Môi trường, UNICEF Việt Nam cho biết, trẻ em phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất do thiên tai gây ra. Thiên tai tác động tiêu cực đến sức khỏe, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Trẻ em đồng thời cũng là tác nhân tạo nên sự thay đổi đối với cuộc sống của chính các em và tương lai của cộng đồng và quốc gia. Do đó, nâng cao nhận thức và kỹ năng để trẻ em có thể tham gia vào quá trình chuẩn bị và ứng phó với thiên tai sẽ mang lại kết quả bền vững và lâu dài.
Buổi lễ kỷ niệm là một trong những hoạt động thuộc dự án nhằm tăng cường khả năng ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cho trẻ em do UNICEF và chính phủ Nhật Bản hỗ trợ.
Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về phòng, chống thiên tai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam bày tỏ cam kết hành động của địa phương về việc nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho cộng đồng, đặc biệt chú ý tới đối tượng trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.
Buổi lễ là một trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về Phòng, chống thiên tai diễn ra từ 15- 22/5/2022 được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng. Các hoạt động khác bao gồm: Cuộc thi vẽ tranh ngoại khóa dành cho học sinh khối tiểu học và Cuộc thi Rung chuông vàng “Cùng em phòng, chống thiên tai - Kiến tạo tương lai bền vững” dành cho học sinh khối trung học cơ sở của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lai Hòa do Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và UNICEF Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức.
Ban Tổ chức trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Phòng chống thiên tai.