Hút vốn đầu tư từ doanh nghiệp kiều bào
Trong những năm qua, nhiều kiều bào đã góp vốn mở doanh nghiệp tại Hải Dương. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu của mình vươn xa, góp phần chung vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh.
Mang vốn về “nhà” phát triển kinh tế
Trong những năm qua đã có nhiều doanh nghiệp kiều bào đã đầu tư tại quê nhà Hải Dương, góp phần chung vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Theo ông Nguyễn Hoài Bắc - GĐ Công ty TNHH Home Deco: Sau thời gian bươn chải tại Canada, đã quyết định về quê hương lập nghiệp. Năm 2002, ông Bắc đầu tư 2 triệu USD thành lập Công ty TNHH Home Deco chuyên sản xuất chăn ga, gối đệm. 2 năm sau, ông tiếp tục mở thêm Công ty CP Phát triển và Đầu tư Đại Sơn để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng tại Chí Linh.
Đến nay, các doanh nghiệp này phát triển ổn định, hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Bên cạnh đó, ông Bắc dành nhiều thời gian, tâm huyết xây dựng Trường Đào tạo nghề Việt Nam-Canada ở phường Cộng Hòa (cùng TP Chí Linh) nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động của người dân.
Công ty TNHH Đông Tài ở huyện Kim Thành chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu do Việt kiều Anh đầu tư tại Hải Dương từ năm 1998. Hiện doanh nghiệp có khoảng 700 lao động, mỗi năm xuất khẩu 1,2 triệu sản phẩm. Hơn 20 năm qua, công ty luôn nỗ lực đổi mới, tạo dựng được thương hiệu, uy tín với các thị trường lớn. Đặc biệt, trải qua các đợt khó khăn do dịch bệnh, suy thoái kinh tế, doanh nghiệp thích ứng linh hoạt tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và khai thác thị trường trong nước.
Bên cạnh các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, kiều bào còn đầu tư cả dự án kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Khu công nghiệp Phú Thái của Công ty TNHH Quốc tế Nam Tài do Việt kiều Anh là chủ có vốn đầu tư gần 40 triệu USD. Đi vào hoạt động từ năm 2008, đến nay khu công nghiệp Phú Thái đã cơ bản được lấp đầy, thu hút hàng chục nhà đầu tư thứ cấp với tổng vốn đầu tư hơn 150 triệu USD. Khu công nghiệp này là điểm cộng trong thu hút đầu tư của tỉnh. Sau khi đầu tư hạ tầng công nghiệp, chủ đầu tư cũng “kéo” thêm được nhiều chủ doanh nghiệp là kiều bào tìm hiểu, quan tâm đầu tư tại tỉnh.
Đưa thương hiệu vươn xa
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện Hải Dương có 15 dự án do kiều bào đầu tư ở các lĩnh vực may mặc, kinh doanh hạ tầng, kỹ thuật khu công nghiệp. Các dự án này được đánh giá hoạt động ổn định, hiệu quả. Nguồn lực đầu tư của kiều bào là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho tỉnh. Trong những năm gần đây, một số dự án phát triển hơn, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm của doanh nghiệp kiều bào tại Hải Dương có tiếng ở thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là ở châu Âu. Các doanh nghiệp do Việt kiều làm chủ trên địa bàn tỉnh luôn có đóng góp ổn định cho ngân sách, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
So với các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, người nước ngoài là chủ thì những dự án do kiều bào đầu tư có những ưu điểm, lợi thế riêng. Chủ đầu tư là Việt kiều sẽ nắm được đặc tính, yếu tố tác động tới môi trường đầu tư tại tỉnh, đặc điểm của người lao động... Từ đó, thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, xúc tiến đầu tư. Việc thông tin, trao đổi về dự án đầu tư cũng không gặp nhiều rào cản, vướng mắc. Mặc dù vậy, số lượng dự án do kiều bào đầu tư tại tỉnh còn hạn chế, quy mô tương đối nhỏ.
Thời gian qua, bên cạnh xúc tiến đầu tư trong nước, quốc tế, tỉnh cũng dành sự quan tâm đối với đội ngũ kiều bào, mong muốn lực lượng này đầu tư tại tỉnh. Không chỉ tìm kiếm, mời gọi các dự án do kiều bào đầu tư mới, tỉnh tích cực đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án đang hoạt động. Điển hình vừa qua, tỉnh tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế kéo dài tại khu công nghiệp Phú Thái để doanh nghiệp này yên tâm sản xuất, kinh doanh, tin tưởng vào môi trường đầu tư tại tỉnh.
Theo ông Phạm Minh Nam, lãnh đạo Công ty TNHH Quốc tế Nam Tài, doanh nghiệp hoan nghênh sự chủ động, tích cực của tỉnh trong việc giải quyết đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Đồng thời mong muốn tỉnh tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để có thể thu hút thêm nhiều kiều bào tới đầu tư, tỉnh cần nghiên cứu chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư là Việt kiều.
Để thu hút thêm kiều bào về đầu tư, trong các chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, bên cạnh chào đón, mời gọi các doanh nghiệp của nước sở tại, thông qua Đại sứ quán Việt Nam ở các nước, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng kết nối với cộng đồng người Hải Dương tại các quốc gia, vận động họ về giao lưu, hợp tác, đầu tư tại Hải Dương.
Theo Sở Ngoại vụ cho biết, trong hơn 10 năm qua, Hải Dương đã thực hiện tốt Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Trong các đợt gặp gỡ bà con kiều bào hàng năm, tỉnh luôn mong đợi bà con kiều bào vì lợi ích thiết thực của mình và vì sự phát triển của tỉnh nhà đóng góp sức lực, trí tuệ cho quê hương. Từ các cuộc gặp gỡ này, tỉnh cũng kêu gọi kiều bào, đặc biệt là thế hệ con cháu sinh ra ở nước ngoài hướng về cội nguồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Quan điểm chung của tỉnh là sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để bà con kiều bào về thăm quê cha, đất tổ và đầu tư, kinh doanh, phát triển tại quê hương Hải Dương.