Huy động nguồn hỗ trợ tài chính thiết thực cho chuyển đổi năng lượng công bằng
Chiều 4/10/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã tiếp và làm việc với Đặc phái viên Liên minh châu Âu (EU) và Đặc phái viên Vương quốc Anh liên quan đến cơ chế Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng vui mừng chào đón Đoàn công tác đã tới thăm và làm việc tại Bộ Tài chính; đồng thời, bày tỏ cảm ơn phía EU, Vương quốc Anh cùng các nước đối tác đã tạo điều kiện hỗ trợ để Việt Nam tham gia thỏa thuận về chuyển đổi năng lượng xanh.
Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, Bộ Tài chính luôn ủng hộ chủ trương tham gia Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải các bon tại COP26 và tạo cơ sở để Việt Nam tiếp cận và huy động các nguồn hỗ trợ quốc tế cho mục tiêu này.
Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hiện nay, theo ước tính sơ bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chi phí để thực hiện mục tiêu này là rất lớn (riêng đối với chuyển đổi năng lượng, theo tài liệu của Ngân hàng Thế giới, chi phí cần khoảng 271 tỷ USD cho giai đoạn 2020-2040). Theo Thứ trưởng, tuyên bố JETP dự kiến sẽ huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3-6 năm để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết tại COP26.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Võ Thành Hưng chia sẻ, Việt Nam vừa từ một quốc gia thu nhập thấp mới tham gia vào nhóm các nước thu nhập trung bình thấp và đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong khi đó, phải thực hiện mục tiêu giảm phát thải mạnh mẽ với lộ trình nhanh tương đương hoặc cao hơn mục tiêu của nhiều nước phát triển. Vì thế, Việt Nam rất cần có nguồn hỗ trợ thiết thực về mặt tài chính từ các đối tác phát triển dựa trên nguyên tắc: Nguồn hỗ trợ tài chính cho Việt Nam phải là nguồn có điều kiện thực sự ưu đãi, thời gian dài nhất, thủ tục nhanh gọn và có giá trị lớn.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn qua các hoạt động trao đổi thường xuyên, các đối tác phát triển sẽ chia sẻ kinh nghiệm giúp Việt Nam xác định vấn đề tài chính khí hậu nói chung, giảm phát thải nói riêng của Việt Nam, phương pháp ước lượng nhu cầu vốn bổ sung để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26 cho giai đoạn trung hạn và từng năm; phương án huy động, ưu tiên bố trí nguồn để đảm bảo các mục tiêu quản lý tài chính công, bền vững nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia, bền vững tài chính của các doanh nghiệp; các chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân… Đồng thời, giúp Việt Nam xây dựng phương án đàm phán quốc tế để huy động nguồn lực hiệu quả để thực hiện Tuyên bố JETP.
Ngoài ra, Thứ trưởng còn đề nghị các đối tác chia sẻ, đồng hành cùng Việt Nam về tiếp tục nâng cao tính minh bạch của vấn đề tài chính khí hậu quốc tế, chuẩn hóa định nghĩa, tiêu chí về tài chính khí hậu, tăng trưởng xanh, xây dựng cơ chế theo dõi dòng vốn tài trợ và nâng cao tính ưu đãi của nguồn vốn hỗ trợ quốc tế cho lĩnh vực giảm phát thải, hỗ trợ chuyển đổi năng lượng xanh.
Phát biểu cảm ơn sự tiếp đón chu đáo của Bộ Tài chính, ông Tibor Stelbaczky – Cố vấn chính về Ngoại giao Năng lượng, Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS), Đặc phái viên của EU về JETP bày tỏ, phía EU, Vương Quốc Anh và nhóm các nước IPG rất hy vọng được cùng với Việt Nam thúc đẩy các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã đưa ra, nhất là các cam kết tại COP26.
Ông Tibor Stelbaczky nhấn mạnh, cá nhân ông cũng như nhóm các nhà tài trợ IPG sẽ luôn đồng hành với Chính phủ Việt Nam, cung cấp chuyên môn kỹ thuật, cố vấn hỗ trợ, nguồn lực để giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng sạch. Theo ông Tibor Stelbaczky, các khoản vay cho mục tiêu của JETP không vì mục tiêu lợi nhuận; tùy theo từng dự án, từng nhà tài trợ sẽ có các điều kiện cho vay, ưu đãi khác nhau. Khi Việt Nam có danh mục dự án, các bước triển khai rõ ràng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên triển khai.
Tại buổi làm việc, ông Chris Taylor – Đặc phái viên của Vương quốc Anh về JETP cũng tin tưởng và khẳng định: “Thông qua các buổi làm việc trao đổi thường xuyên, chúng ta sẽ có thể đi sâu phân tích những nội dung liên quan đến vấn đề tài chính, đảm bảo hiệu quả và sự tối ưu nhất về chi phí đối với Việt Nam, cách thức huy động nguồn hỗ trợ của cộng đồng tài chính quốc tế cho Việt Nam… để thực hiện thành công Tuyên bố JETP.”