Huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân cho tăng trưởng kinh tế


Nhiều nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm đã chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam những năm qua chủ yếu nhờ vào việc huy động thành công các nguồn lực tài chính và các nguồn lực lao động, tài nguyên để đưa vào đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, là một nước đang phát triển với khả năng tích lũy tài chính còn thấp so với nhu cầu đầu tư tăng nhanh, việc nâng cao khả năng huy động nguồn lực tài chính có ý nghĩa quan trọng. Bài viết tập trung phân tích thực trạng huy động nguồn lực tài chính từ kinh tế tư nhân cho tăng trưởng kinh tế, từ đó đề xuất một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

Đặt vấn đề

Giai đoạn 2016-2020 là một trong những giai đoạn thành công của kinh tế Việt Nam kể từ khi bước vào công cuộc đổi mới nền kinh tế. Khởi đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2016-2020, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 đạt 6,21%.

Tuy nhiên, trong ba năm tiếp theo, nền kinh tế đã có sự bứt phá, tốc độ tăng GDP năm sau cao hơn năm trước và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra trong Nghị quyết phát triển KT-XH hằng năm, trong đó tốc độ tăng GDP năm 2017 đạt 6,81%; năm 2018 tăng 7,08% và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008; năm 2019 tăng 7,02%. Năm 2020, do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực KT-XH của các quốc gia trên thế giới, nên GDP chỉ ước 2,91% - mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020, nhưng so sánh trong bối cảnh chung, thì đây vẫn là thành công lớn của Việt Nam.

Năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì mức tăng trưởng GDP dương, thậm chí xuất khẩu đạt kỷ lục mới, vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Tốc độ tăng GDP năm 2021 đạt 2,56% so với năm 2020. Về sử dụng GDP năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,33% so với năm 2020; tích lũy tài sản tăng 3,96%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 13,85%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,83%.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2021 ước tính đạt 172,8 triệu đồng/lao động (tương đương 7.461 USD/lao động). Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất để từ năm 2016. Mục tiêu kép “đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đã đi đúng hướng, tạo nền tảng quan trọng để kinh tế phục hồi trong năm tới.

Huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân cho tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1

Đạt được những thành tựu như vậy là có sự đóng góp không nhỏ của vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân. Vì có mối quan hệ nhân quả với tăng trưởng kinh tế, đầu tư tư nhân sẽ tác động tới tổng cầu từ đó có những tác động đến tăng trưởng kinh tế ngắn hạn và dài hạn. Bài viết này phân tích thực trạng huy động nguồn lực tài chính từ kinh tế tư nhân cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn 2010-2021. Qua đó, chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong việc huy động vốn từ kinh tế tư nhân cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đề xuất một số khuyến nghị về chính sách.

Huy động nguồn lực tài chính từ kinh tế tư nhân cho tăng trưởng kinh tế

Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vị thế và là động lực chính cho kết quả tăng trưởng đáng khích lệ của Việt Nam. Đến năm 2020, khu vực kinh tế tư nhân chiếm đến 42,81%. Về mặt giá trị, vai trò của khu vực tư nhân là quan trọng trong cả đóng góp vào số lượng tổng đầu tư trong nước và khả năng phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Quy mô vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân có sự gia tăng liên tục, ở giai đoạn 2001-2005, tỷ trọng vốn đầu tư khu vực tư nhân chiếm 30,94% đã tăng lên 42,75% trong giai đoạn 2016-2020. Nguyên nhân do quá trình tái cơ cấu đầu tư công qua việc giảm dần tỷ lệ đầu tư công đã tác động đến cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội; do đó, tỷ trọng vốn đầu tư công có xu hướng giảm xuống, vốn đầu tư tư nhân có xu hướng tăng lên trong tổng vốn đầu tư.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2021 tăng 3,2% so với năm trước, tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phục hồi, vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm tăng trở lại cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2021 theo giá hiện hành đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 713,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,7% tổng vốn và giảm 2,9% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.720,3 nghìn tỷ đồng, bằng 59,5% và tăng 7,2%; khu vực FDI đạt 458,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,8% và giảm 1,1%.

Theo lý thuyết tiêu dùng của Keynes, tiêu dùng tăng theo thu nhập nhưng chậm hơn, tỷ lệ tiết kiệm sẽ tăng theo thu nhập. Như vậy, nguồn tài chính tiết kiệm được của nền kinh tế cũng tăng nhanh, trong đó bao gồm nguồn tài chính của khu vực tư nhân. Để phân tích sâu hơn tích lũy tài chính của khu vực tư nhân, tác giả phân tích tích lũy nguồn lực tài chính của doanh nghiệp (DN) tư nhân và các hộ gia đình.

Huy động nguồn lực tài chính từ các hộ gia đình

Sự phát triển của kinh tế đất nước làm gia tăng mức thu nhập của người dân và tăng tích lũy của nền kinh tế. Bảng 2 cho thấy, thu nhập bình quân đầu người qua hơn 10 năm đã tăng hơn 3 lần từ 1387 nghìn đồng/người (năm 2010) lên 4.505 nghìn đồng/người (năm 2021). Thu nhập bình quân đầu người ở thành thị cũng tăng nhanh hơn so với vùng nông thôn vì hoạt động sản xuất kinh doanh ở khu vực thành thị tốt hơn. Thu nhập tăng cho phép tăng tích lũy tài chính.

Thu nhập cao hơn cho phép người dân và các DN chi tiêu nhiều hơn và đồng thời cũng tích lũy tốt hơn. Thống kê cho thấy, tính theo giá hiện hành, tiết kiệm bình quân đầu người của nước ta đã tăng 248 nghìn đồng/người năm 2010 lên 1.792 nghìn đồng/người năm 2021, tức tăng hơn 7 lần bao gồm cả lạm phát. Trong đó, hai năm 2018 và 2019 tiết kiệm bình quân trên đầu người đạt mức cao nhất trong cả giai đoạn lần lượt là 2.111 nghìn đồng và 2.279 nghìn đồng mặc dù hai năm này tỷ lệ lạm phát không cao năm 2018 tỷ lệ lạm phát là 3,54% và năm 2019 là 2,79%. Đây là hai năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất 7,08% (năm 2018) và 7,02% (năm 2019).

Năm 2020 và năm 2021, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 dẫn tới thu nhập bình quân/đầu người sụt giảm, dẫn tới tiết kiệm bình quân trên đầu người năm 2020 giảm 17% so với năm 2019, tỷ lệ tiết kiệm trên đầu người năm 2021 giảm 5% so với năm 2020. Như vậy, có thể thấy nhờ tăng trưởng kinh tế cao, mà nguồn lực tài chính trong nền kinh tế cũng gia tăng đáng kể. Thu nhập tăng cho phép các hộ gia đình tăng mức tiết kiệm tuyệt đối hay nói cách khác là tăng nguồn lực tài chính tạm thời nhàn rỗi có thể huy động cho đầu tư.

Bên cạnh nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công và đầu tư trong nước, hộ gia đình còn có thể được tiếp thêm thu nhập từ thân nhân ở nước ngoài. Đây là nguồn ngoại tệ quan trọng trong cán cân thanh toán của đất nước và góp phần không nhỏ vào việc đáp ứng và cân bằng nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu. Thông thường, nguồn kiều hối sẽ được dự trữ dưới dạng ngoại tệ trong các hộ gia đình và chỉ được chuyển ra đồng Việt Nam khi có nhu cầu. Do người dân có thói quen tích trữ ngoại tệ, đây là nguồn tài chính nhàn rỗi rất quan trọng mà theo đánh giá của các chuyên gia là chưa khai thác được bao nhiêu.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, quy mô kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 đến nay tăng qua các năm với tốc độ tăng rất nhanh. Giai đoạn 1993-1998, bình quân lượng kiều hối về Việt Nam chỉ đạt 0,42 tỷ USD, nhưng đến giai đoạn 2016-2019, bình quân đã tăng lên 14,59 tỷ USD. Bên cạnh các nguồn thu nhập kể trên, do kinh tế ngầm khá phát triển ở Việt Nam nên thu nhập thực tế trong dân cư rất khó xác định chính xác. Nhiều người dân còn tích trữ nhiều vàng và ngoại tệ vì đây là những hàng hóa mang tính phòng ngừa rủi ro, vừa mang tính đầu cơ.

Huy động nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp sở hữu tư nhân

Trong những năm qua, nhờ có sự ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách và triển khai nhiều giải pháp tích cực, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực, khơi dậy tinh thần doanh nhân và sự đăng ký quay trở lại hoạt động mạnh mẽ của các DN. Số lượng DN thành lập mới và số lượng DN tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng lên. Bình quân giai đoạn 2016-2020 hàng năm cả nước có 128.263 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký 1,5 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng số DN thành lập mới bình quân giai đoạn 2016-2020 là 7,3%.

Huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân cho tăng trưởng kinh tế - Ảnh 2

Trong năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cả nước có 116,8 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.611,1 nghìn tỷ đồng, giảm 13,4% về số DN, giảm 27,9% về vốn đăng ký so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong năm 2021 đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 13 16,8% so với năm trước. Nếu tính cả 2.524,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 43,5 nghìn DN tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là 4.136 nghìn tỷ đồng, giảm 25,8% so với năm trước. Bình quân 1 tháng có 13,3 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong 8 tháng năm 2022, cả nước có 149,5 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,7 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Sự gia tăng này là nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện, Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho DN, người lao động và người dân. Đặc biệt năm 2022, Chính phủ ban hành nhiều chính sách phục hồi và phát triển nền kinh tế như: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 đối với một số nhóm hàng, dịch vụ; cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN; giảm thuế, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2022...

Huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân cho tăng trưởng kinh tế - Ảnh 3

Hay như với chính sách đầu tư phát triển, tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách tối đa 176 nghìn tỷ đồng tập trung vào 2 năm 2022 và 2023 bao gồm các lĩnh vực: y tế; an sinh xã hội; lao động; việc làm; hỗ trợ DN; hợp tác xã; hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; lựa chọn và phân bổ vốn cho các dự án thuộc chương trình phải đảm bảo giải ngân vốn trong 2 năm 2022 và 2023, với chính sách tài khóa khác: hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang thuê trọ, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp…

Số liệu cho thấy, tốc độ tăng lợi nhuận trước thuế của DN ngoài nhà nước cao hơn hẳn so với DNNN và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, lợi nhuận trước thuế của DN ngoài nhà nước có thể cao hơn nhiều do các DN này có khuynh hướng khai thấp số lãi hoặc khai lỗ để tránh thuế. Tuy nhiên, với đặc thù là DN có quy mô nhỏ, làm ăn còn manh mún nên các DN tư nhân vẫn gặp khó khăn hơn các DNNN và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Bởi vậy, khi xuất hiện các cú sốc tác động từ bên ngoài thì khả năng chống đỡ của nhóm DN này không cao. Mặc dù, với số lượng DN trong nhóm DN này đông nhất nhưng khối DN tư nhân vẫn chưa đủ mạnh, nên tích lũy dù tăng qua từng năm nhưng vẫn còn rất hạn chế. Tích lũy từ lợi nhuận của nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài ổn định hơn và tăng liên tục trong cả giai đoạn 2015-2020 và chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Như vậy, cùng với sự phát triển bùng nổ của các DN tư nhân và nền kinh tế, thu nhập của đông đảo người dân được cải thiện. Thu nhập tăng cho phép gia tăng tích lũy nguồn lực tài chính, khiến cho các nguồn lực tài chính của khu vực tư nhân ngày càng lớn mạnh. Đây là nguồn lực rất quan trọng cần khai thác hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Một số khuyến nghị chính sách

Trên cơ sở phân tích thực trạng huy động nguồn lực tài chính từ kinh tế tư nhân cho tăng trưởng kinh tế, tác giả đề xuất một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, tạo niềm tin, tâm lý an toàn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tư nhân. Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện các cơ chế chính sách, môi trường pháp lý nhằm hỗ trợ cho DN nhất là sau tác động của đại dịch COVID-19 như cắt giảm thuế, hỗ trợ lãi suất cho DN, hỗ trợ DN tiếp cận với nguồn lực (đất đai, tài chính, lao động, khoa học công nghệ...). Tiếp tục hỗ trợ các DN nhỏ và vừa (DNNVV) theo Luật hỗ trợ DNNVV và các nghị định hướng dẫn. Hỗ trợ DN phục hồi, đổi mới mô hình kinh doanh, sản phẩm cho phù hợp với tình hình mới. Để các chính sách phát huy được hiệu quả tốt nhất, cần tập trung vào các đối tượng yếu thế, dễ chịu tổn thương bởi các cú sốc bên ngoài như các DNNVV, hộ kinh doanh, người lao động có thu nhập thấp, lao động phổ thông. Các chính sách cần cụ thể và rõ ràng và sát thực tế hơn nữa.

Huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân cho tăng trưởng kinh tế - Ảnh 4

Thứ hai, thực hiện cổ phần hóa các DNNN. Cổ phần hóa DNNN là một hình thức thu hút nguồn lực tài chính tư nhân vào DN và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Do đó, để đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa, đặc biệt cổ phần hóa các DN quy mô lớn cần có kế hoạch cụ thể, giao chỉ tiêu rõ ràng mang tính cưỡng chế, gắn cổ phần hóa với trách nhiệm của người đứng đầu và thực hiện rộng rãi đặc biệt là các DN tập đoàn lớn, quan trọng của Nhà nước.

Thứ ba, với vai trò là chủ thể trung gian nối liền giữa tiết kiệm và đầu tư, các ngân hàng thương mại cần tái cơ cấu, đổi mới phương thức kinh doanh nhằm thu hút nguồn lực tài chính từ kinh tế tư nhân. Để tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn lực tài chính từ các hộ gia đình dưới hình thức tiết kiệm cần tiếp tục phát triển mở rộng hệ thông ngân hàng ví dụ như mở cửa thị trường tài chính cho các ngân hàng nước ngoài…

Thứ tư, khuyến khích và tạo điều kiện thu hút kiều hối từ nước ngoài như phát triển các kênh chuyển tiền chính thức qua hệ thống tài chính, ngân hàng để thay thế cho các kênh chuyển tiền ngầm, phi chính thức nhằm cho việc quản lý và thống kê kiều hối được tốt hơn, đồng thời có phương án huy động nguồn tiền này, tạo điều kiện cho kiều bào đầu tư, mua sắm tài sản ở trong nước, thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu lao động…         

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Sách trắng DN Việt Nam năm 2021;

2. Niên giám thống kê 2021;

3. Trần Thị Tố Linh ( 2013), Huy động nguồn lực tài chính từ kinh tế tư nhân nhằm phát triển Kinh tế - xã hội ở Việt Nam;

4. Đỗ Đình Thu và Phùng Thanh Loan ( 2022), Đầu tư công với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID – 19, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán - Số 1/2022 ( tr 18 – 21);

5. Hồ Thị Hoài Thu, Nguyễn Đức Bình ( 2022), Thực trạng vai trò của khu vực tư nhân trong kinh tế Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán – Số 1/2022 ( tr22 – 25).

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 -  tháng 10/2022

* TS. Nguyễn Thị Tuyết - Học viện Tài chính