Huy động nguồn lực vào ngân sách từ kinh tế hộ sản xuất kinh doanh


Nghiên cứu được thực hiện bằng cách thu thập các thông tin từ kết quả thống kê hộ sản xuất kinh doanh do Tổng cục Thống kê khảo sát 2 năm 1 lần trên quy mô toàn quốc, cùng với số liệu của cơ quan Thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tiến hành khảo sát 260 cán bộ thuế đang quản lý hộ sản xuất kinh doanh để thu thập các thông tin sơ cấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng số thu ngân sách nhà nước từ khu vực hộ sản xuất kinh doanh còn nhỏ nhưng mức độ thất thu khá lớn. Qua khảo sát, nghiên cứu chỉ ra các nguyên nhân của thực trạng này và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm huy động nguồn lực vào ngân sách từ kinh tế hộ sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả hơn.

Khái quát về hộ sản xuất kinh doanh và kết quả thu thuế với hộ sản xuất kinh doanh ở Việt Nam

Ở Việt Nam, theo quy định của pháp luật, hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh. Những ước tính chính thức gần đây của một số tổ chức quốc tế và chuyên gia cho thấy, tầm quan trọng của kinh tế hộ vào nền kinh tế đang ngày càng gia tăng. Việt Nam có khoảng hơn 4,7 triệu cơ sở kinh doanh tính đến thời điểm cuối năm 2015, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2005, khu vực này là nơi tạo việc làm cho khoảng trên 8 triệu lao động, đóng góp khoảng 23% tổng GDP cả nước.

Kết quả trên cho thấy, số lượng hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) ít biến động. Lao động của các hộ cá thể tăng thấp dẫn đến quy mô hộ có xu hướng giảm. Tổng số lao động làm việc trong khu vực cá thể tăng không đáng kể so với năm trước. Quy mô lao động của cơ sở SXKD cá thể vẫn còn thấp. Bình quân nguồn vốn kinh doanh chỉ 150,6 triệu đồng/hộ, trong đó giá trị tài sản cố định (TSCĐ) là 90,4 triệu đồng/hộ. Điều đó thể hiện sự hạn chế trong đầu tư cho SXKD của các cơ sở kinh doanh cá thể. Doanh thu bình quân cơ sở năm đạt 473 triệu đồng, bình quân một tháng đạt xấp xỉ 40 triệu đồng. Nếu trừ đi trị giá vốn và các khoản thuế thì mức thu nhập bình quân cho một cơ sở là rất thấp.

Nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ khu vực hộ SXKD chính thức bao gồm thu từ các loại thuế, phí, lệ phí và các nguồn thu khác. Số thu thuế từ hộ sản xuất kinh doanh được trình bày trong Bảng 2.

Về quy mô thu NSNN, số thu từ khu vực hộ SXKD rất nhỏ, chỉ chiếm 1,2% tổng thu ngành Thuế quản lý và đạt hơn 15 nghìn tỷ đồng vào năm 2017. Quy mô thu dao động nhẹ qua các năm và có bước tăng trưởng mạnh (khoảng 17%) vào năm 2017. Về cơ cấu, có 2 nguồn thu chính là thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Các khoản thu khác không đáng kể (Hình 3).

Thuế GTGT luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu từ hộ kinh doanh, nhưng từ 2015, nguồn thu này giảm dần và tỷ trọng thuế TNCN ngày càng tăng. Tỷ trọng thuế GTGT giảm từ 74,3% vào năm 2014 xuống còn 59,5% vào năm 2017; trong khi thuế TNCN tăng từ 20% lên 35,2% trong cùng kỳ.  

Chính sách thu thuế đối với hộ sản xuất kinh doanh

Chính sách quan trọng nhất liên quan đến các hộ SXKD là chính sách về thuế GTGT và thuế TNCN, ngoài ra còn có các chính sách thuế, phí, lệ phí và thu khác. Thời gian qua, chính sách thu thuế đối với hộ kinh doanh liên tục được sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản trong việc tính số thu, tạo điều kiện đơn giản và thuận tiện hơn cho hộ kinh doanh và trong công tác quản lý. Cụ thể là, chính sách thuế GTGT, thuế TNCN đã sửa đổi đưa về thu thuế tỷ lệ % trên doanh thu khoán; loại bỏ việc tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh dựa trên thu nhập chịu thuế (sau khi đã giảm trừ gia cảnh) và biểu thuế lũy tiến từng phần. Lệ phí môn bài đối với hộ kinh doanh doanh đưa về 3 mức dựa trên doanh thu hàng năm và đưa hộ kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống vào diện miễn lệ phí môn bài từ năm 2017. (Kết quả khảo sát về mức độ phù hợp của chính sách thu Bảng 4).

Bên cạnh những nội dung liên quan trực tiếp đến chính sách thuế hiện hành đối với hộ sản xuất kinh doanh, vẫn còn những bất cập chưa phù hợp trong các chính sách liên quan nhằm tạo hành lang pháp quản lý và khuyến khích hộ sản xuất kinh doanh phát triển. Đó là các chính sách và quy định về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ SXKD.

Hiện tại, chưa có sự kết nối liên thông giữa cơ quan cấp phép đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế. Điều đó vừa thêm thủ tục hành chính cho hộ kinh doanh, vừa khó khăn cho cơ quan thuế trong việc quản lý hộ. Đối với các hộ sản xuất kinh doanh phi chính thức, hiện vẫn chưa có chính sách khuyến khích các hộ này thực hiện đăng ký kinh doanh. Hậu quả là, không chỉ cơ quan thuế không quản lý được hộ, mất nguồn thu mà các cơ quan quản lý khác cũng không có thông tin phục vụ các công tác quản lý.

Huy động nguồn lực vào ngân sách từ kinh tế hộ sản xuất kinh doanh - Ảnh 1

Những quy định về cơ chế quản lý và hành thu đối với hộ sản xuất kinh doanh cũng chưa thực sự đơn giản, còn phát sinh chi phí quản lý, chi phí tuân thủ và gây khó khăn cho cơ quan thuế trong quá trình kiểm tra. Sự thiếu vắng các chính sách khuyến khích phát triển hộ SXKD chính thức, thúc đẩy quá trình chính thức hóa đối với các hộ phi chính thức cũng ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn thu trong tương lai.

Thực trạng quản lý thu thuế đối với hộ sản xuất kinh doanh

Công tác quản lý thu thuế đã được cải thiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế nhằm tiết kiệm chi phí quản lý và chi phí tuân thủ. Các thông tin quản lý thuế đối với hộ SXKD được công khai minh bạch để hạn chế tiêu cực trong quá trình thu nộp thuế khoán. Quản lý hóa đơn bán hàng của hộ kinh doanh cũng được tăng cường, tạo động lực và tiền đề chuyển đổi dần hộ kinh doanh có quy mô lớn lên doanh nghiệp (DN).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý thu NSNN đối với hộ kinh doanh còn một số tồn tại sau: (i) Trong quản lý hộ, còn bỏ sót hộ kinh doanh thuộc diện nộp thuế; quản lý hộ ngừng nghỉ kinh doanh còn chưa sâu sát; (ii) Tình trạng doanh thu khoán chưa sát với thực tế; khó quản lý được doanh thu theo hóa đơn; thuế khoán trên doanh thu không khuyến khích hộ kinh doanh thực hiện chế độ sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ; việc phối hợp giữa cơ quan thuế với chính quyền địa phương còn thiếu chặt chẽ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên, nhưng tựu chung là bởi các nhóm nguyên nhân sau:

Thứ nhất: (i) Quy định đăng ký kinh doanh tách rời đăng ký thuế dẫn tới một số hộ kinh doanh cố tình không đi đăng ký thuế; (ii) Các hộ kinh doanh phi chính thức chưa có hiểu biết pháp luật về việc phải đăng ký kinh doanh, ngoài ra phần lớn hộ kinh doanh phi chính thức chưa thấy được lợi ích khi tham gia vào khu vực chính thức nên chưa tự nguyện đăng ký kinh doanh; (iii) Việc kiểm soát hồ sơ của hộ kinh doanh trong xin nghỉ, tạm nghỉ kinh doanh còn chưa minh bạch, dẫn đến một số hộ kinh doanh xin ngừng, nghỉ kinh doanh nhưng vẫn tiếp tục kinh doanh; (iv) Số lượng cán bộ thuế mỏng, trong khi số lượng hộ kinh doanh quá lớn nên khó bao quát số lượng hộ kinh doanh thực tế hoạt động, trong khi sự phối hợp giữa cơ quan quản lý thu và chính quyền địa phương trong quản lý hộ kinh doanh nộp thuế còn chưa chặt chẽ; (v) Một số nơi còn có tình trạng cán bộ thuế vì lợi ích cá nhân hoặc dưới áp lực của việc thực hiện kế hoạch thu được giao đã để ngoài sổ bộ một số lượng hộ kinh doanh thực tế kinh doanh.

Thứ hai: (i) Công tác thu thập số liệu, thông tin về hộ kinh doanh của cơ quan thuế nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu người nộp thuế còn chưa đầy đủ, chưa bám sát thực tế kinh doanh của người nộp thuế; (ii) Còn nhiều hạn chế trong công tác kiểm tra thuế, điều tra thực tế kinh doanh của cơ quan thuế đối với hộ kinh doanh; (iii) Một số quy định trong Luật thuế TNDN cho phép DN lập bảng kê, không cần có hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân vẫn được đưa vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đang tạo ra kẽ hở để cá nhân kinh doanh khi bán hàng không xuất hóa đơn, gây thất thu thuế cho NSNN.

Bảng 1: Tổng quan về hộ sản xuất kinh doanh

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

2012

2015

Tốc độ tăng

Số lượng hộ SXKD

Triệu hộ

4625

4754

2,7%

Tổng số lao động

Triệu người

7946

7987

0,5%

Lao động bình quân

Người/hộ

1,53

1,67

9,1%

Tổng nguồn vốn

Nghìn tỷ đồng

685,76

716,13

4,4%

Nguồn vốn KD bình quân

Triệu đồng/hộ

148,3

150,6

1,5%

Vốn chủ sở hữu

Nghìn tỷ đồng

623,56

647,7

3,8%

Giá trị TSCĐ

Nghìn tỷ đồng

491,4

429,8

-12,5%

Giá trị TSCĐ bình quân

Triệu đồng/hộ

106,25

90,04

-15,2%

Tổng doanh thu

Nghìn tỷ đồng

1659

2249

35,5%

Doanh thu bình quân

Triệu đồng/hộ

359

473

31,7%

 

Thứ ba: (i) Chính sách thu NSNN chưa khuyến khích hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi thành DN. Chính sách thu NSNN áp dụng đối với hộ kinh doanh chủ yếu dựa trên doanh thu khoán với cơ chế quản lý còn nhiều lỏng lẻo nên việc xây dựng mức doanh thu khoán thấp hơn thực tế, ngoài ra mức thuế TNCN, thuế GTGT trên doanh thu đối với hộ kinh doanh thấp hơn nhiều so với mức thuế GTGT và TNDN áp dụng đối với DN; (ii) Những khó khăn mà hộ kinh doanh gặp phải khi chuyển đổi thành DN: chế độ sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ; chế độ kê khai nộp thuế đối với DN, chính sách đối với người lao động của DN…; (iii) Chưa có các chính sách hỗ trợ đủ mạnh của cơ quan quản lý nhà nước để hộ kinh doanh thấy được lợi ích khi chuyển đổi thành DN.

Huy động ngân sách nhà nước từ hộ sản xuất

Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, trước hết cần phân loại các hộ thành 2 nhóm đối tượng: các hộ kinh doanh quy mô lớn và các hộ kinh doanh quy mô nhỏ. Các hộ kinh doanh nhỏ áp dụng hình thức thuế khoán trên doanh thu và gia tăng các giải pháp quản lý. Đối với các hộ lớn bắt buộc chuyển đổi lên DN và quản lý thuế theo chính sách đối với DN.

Đối với nhóm hộ kinh doanh nhỏ

Về quản lý người nộp thuế

Hoàn thiện thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế: Nên chuyển sang chế độ liên thông một cửa trong đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế của hộ kinh doanh như DN; Quy định chặt chẽ hơn về chế độ đăng ký kinh doanh, các hộ kinh doanh cá thể có địa điểm kinh doanh cố định và doanh thu vượt trên ngưỡng doanh thu tối thiểu đều phải đăng ký kinh doanh. Ngưỡng doanh thu tối thiểu có thể xây dựng dựa trên mức sống tối thiểu ở từng địa phương và điều chỉnh lại trong từng thời kỳ. Với các đối tượng vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh cần có các quy định xử phạt nghiêm khắc.

Tăng cường quản lý danh bạ hộ kinh doanh: Quản lý danh bạ tốt là cơ sở để thực hiện các biện pháp thu thuế hiện đại, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các đối tượng kinh doanh.

Quản lý doanh thu tính thuế khoán

- Để nâng cao chất lượng tờ khai thuế của hộ kinh doanh cá thể hàng năm và tính tuân thủ của người nộp thuế, nên giới hạn đối tượng phải làm tờ khai thuế (có thể dựa trên mức doanh thu hàng năm để giới hạn đối tượng phải kê khai). Ngoài ra, cần có quy định về xử lý vi phạm trong trường hợp số liệu kê khai của hộ kinh doanh khác biệt quá lớn số với số liệu điều tra doanh thu thực tế của cơ quan thuế. Nếu chênh lệch giữa doanh thu điều tra thực tế và doanh thu kê khai hộ kinh doanh chênh lệch từ 50% trở lên thì hộ kinh doanh sẽ bị xử phạt vi phạm về kê khai thuế.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh: Cơ quan thuế cần tăng cường phối hợp với các ngành và UBND xã, phường thông qua việc tiến hành thống kê và lập sơ đồ tên hộ kinh doanh, ngành nghề kinh doanh…; Sắp xếp phân loại các hộ kinh doanh theo ngành nghề kinh doanh, mặt hàng kinh doanh, quy mô kinh doanh…; Tiến hành kiểm tra, giám sát diễn biến hoạt động của các hộ; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin quản lý danh bạ hộ kinh doanh theo địa bàn, công khai trên website giúp việc kiểm tra, giám sát thuận tiện, minh bạch.

- Minh bạch hóa các thông tin về hộ kinh doanh: Nhằm giảm tiêu cực về sự thỏa thuận ngầm giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh thì cần minh bạch hóa các thông tin về doanh thu, mức thuế ấn định; danh sách hộ kinh doanh không thuộc diện nộp thuế hoặc được miễn, giảm thuế do tạm ngừng kinh doanh đến từng hộ kinh doanh trên cùng địa bàn, khu vực, và chính quyền địa phương.

- Điều chỉnh doanh thu kịp thời và sát thực tế: Để doanh thu khoán sát thực tế, cơ quan thuế phải thường xuyên nắm bắt thông tin về giá cả, cung cầu hàng hóa trên thị trường, các thông tin thực tế kinh doanh của hộ được cập nhật để điều chỉnh một cách kịp thời. Khi có quyết định điều chỉnh thuế phải thông báo kịp thời và giải thích cụ thể lý do điều chỉnh thuế đối với các hộ kinh doanh. Những hộ kinh doanh có cùng quy mô, ngành nghề, trên cùng địa bàn nên điều chỉnh đồng thời để đảm bảo công bằng và tránh khiếu kiện.

Huy động nguồn lực vào ngân sách từ kinh tế hộ sản xuất kinh doanh - Ảnh 2

- Đề cao vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý doanh thu: Cần phối hợp trong cung cấp thông tin. Để có nguồn thông tin đầy đủ, tin cậy phục vụ quản lý rủi ro hộ kinh doanh cá thể, chính quyền địa phương cần cập nhật cho cơ quan thuế các thông tin về số hộ, quy mô, ngành nghề, tình hình SXKD và các biến động về hộ… qua cơ chế phối hợp, báo cáo định kỳ giữa cơ quan thuế và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, cơ quan Thuế cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc quản lý hộ kinh doanh thực tế hoạt động và điều tra doanh thu khoán. Đối với ngành, nghề tiềm ẩn thất thu lớn, cơ quan thuế cần phối hợp với các sở, ngành quản lý; đồng thời tổ chức điều tra vào các giờ cao điểm phát sinh hoạt động mua bán của từng lĩnh vực. Phát huy hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế xã phường.

Về quản lý thu nộp thuế

- Mở rộng hình thức nộp thuế điện tử đối với hộ kinh doanh: Với sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT), cơ quan thuế cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện nộp thuế điện tử đối với hộ kinh doanh. Đối với những địa bàn chưa có điều kiện áp dụng CNTT, cơ quan thuế tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác với cơ quan bưu chính viễn thông, ngân hàng… tại địa phương để thu thuế có hiệu quả qua các phương thức như: Thu tại địa điểm kinh doanh như là đối với hộ kinh doanh ở khu vực chợ, trung tâm thương mại, khu vực đường phố; thu tại hệ thống đơn vị nhận ủy quyền (tại các bưu điện, ngân hàng); thu qua thẻ ngân hàng. Xây dựng dịch vụ dành riêng cho hộ như áp dụng ngân hàng di động giúp giải quyết tình trạng tiếp cận dịch vụ của các hộ kinh doanh tại các vùng khó khăn.

- Áp dụng hình thức ủy nhiệm thu phù hợp: Với nhóm hộ có ý thức tuân thủ tốt, việc thu nộp thuế nên được thực hiện theo hình thức nộp thuế điện tử hoặc ủy nhiệm thu qua hệ thống ngân hàng, bưu điện. Đối với các hộ ý thức tuân thủ kém nên phân cấp và ủy nhiệm thu hồi nợ thuế qua chính quyền xã, phường.

Tăng cường gắn kết trách nhiệm của chính quyền địa phương

Cần có cơ chế gắn liền lợi ích của chính quyền địa phương với hiệu quả quản lý thuế. Cụ thể: (i) Kiện toàn Ban chỉ đạo thu ngân sách cấp huyện với sự tham gia của các phòng, ban chuyên môn, các tổ chức đoàn thể; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực tế kinh doanh và kết quả lập bộ thuế; (ii) Kiện toàn Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn; tham mưu việc rà soát, thống kê hộ kinh doanh để đưa vào lập bộ thuế; điều tra doanh thu khoán đặc biệt đối với các hoạt động tiềm ẩn thất thu NSNN; (iii) Các sở, ngành phối hợp tuyên truyền trách nhiệm và nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh. Không cấp phép hoặc gia hạn giấy phép đăng ký kinh doanh đối với những hộ kinh doanh chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế; (iv) Các Công ty kinh doanh chợ, ban quản lý chợ cung cấp sơ đồ, hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh của các hộ kinh doanh cho UBND xã, phường, thị trấn, Chi cục Thuế để đưa hộ kinh doanh vào bộ thuế; (v) Các tổ chức kinh tế (hoặc cá nhân) cho hộ kinh doanh thuê địa điểm, mặt bằng sản xuất kinh doanh hoặc hợp tác kinh doanh phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn và Chi cục Thuế trong việc cung cấp hộ kinh doanh đang được tổ chức cho thuê, mượn địa điểm, mặt bằng sản xuất kinh doanh hoặc hợp tác kinh doanh để đưa vào lập bộ thuế.

Đối với nhóm hộ quy mô lớn

Đối với nhóm này cần có các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi lên DN với các giải pháp sau:

- Bổ sung tiêu chí doanh thu xác định hộ quy mô lớn: Để hạn chế các hộ lớn lách luật không chuyển đổi thành DN, ngoài tiêu thức số lao động, cần đưa thêm tiêu thức ngưỡng doanh thu để bắt buộc các hộ kinh doanh vượt trên ngưỡng phải đăng ký thành lập DN.

- Quy định các hộ khoán không được sử dụng hóa đơn: Để ngăn chặn hành vi gian lận, trốn thuế về lâu dài cần quy định hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán doanh thu và không được sử dụng hóa đơn khi bán hàng. Quy định này sẽ buộc những hộ kinh doanh có quy mô lớn muốn mở rộng khối lượng bán hàng cho các DN phải chuyển lên DN.

- Áp dụng chế độ kế toán tiền mặt đối với DN nhỏ và siêu nhỏ: Để hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN cần đơn giản các thủ tục hành chính thuế, áp dụng chế độ kế toán tiền mặt đơn giản trong việc tính toán và ghi chép sổ sách, gần với việc ghi chép sổ sách hàng ngày của hộ kinh doanh cá thể để họ dễ dàng vận dụng.

- Hoàn thiện chính sách thuế TNDN và thuế thu nhập cá nhân: Đưa DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ vào diện ưu đãi thuế TNDN có thời hạn. Với các hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN quy mô siêu nhỏ nên để họ ở diện áp dụng thuế TNDN 10% trong thời hạn nhất định; Nên bỏ quy định cho phép trừ chi phí khi tính thuế TNDN một số khoản chi mua của cá nhân không có hóa đơn hoặc chỉ phép trừ chi phí nếu cá nhân bán hàng có mã số thuế, thanh toán qua ngân hàng.

Cần nghiên cứu xây dựng thuế thu nhập cá nhân đánh vào thu nhập từ đầu tư vốn cho phép khấu trừ thuế thu nhập DN đã nộp đối với khoản thu nhập từ đầu tư.

- Ưu đãi thuế và tín dụng đối với các hộ chuyển đổi lên DN: Việc tính đúng mức doanh thu khoán và xác định mức thuế đúng thực tế là giải pháp đầu tiên để các hộ cân nhắc chuyển đổi lên DN khi có đủ điều kiện.

Ngoài ra, ưu đãi về thuế và ưu đãi về tiếp cận vốn vay ngân hàng đối với DN nhỏ và siêu nhỏ cũng thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh. Vì vậy, nên bổ sung thêm các ưu đãi thuế thuế suất hoặc ưu đãi miễn giảm thuế GTGT, thuế TNDN có thời hạn đối với DN nhỏ và siêu nhỏ.

- Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các hộ chuyển đổi lên DN: Để hỗ trợ các hộ kinh doanh lên DN giảm bớt khó khăn trong hoạt động kinh doanh, nhà nước cần có các hỗ trợ đòa tạo cho hộ kinh doanh để nâng cao kiến thức về pháp luật, ghi chép sổ sách kế toán, quản trị kinh doanh… của nhóm đối tượng này.

Do quy mô và đặc điểm hộ SXKD ở nước ta còn nhỏ bé, vì vậy việc khai thác nguồn lực từ các hộ SXKD không nên chỉ nhằm vào mục tiêu trước mắt là tăng số thu vào ngân sách, về dài hạn cần có những giải pháp vừa quản lý, vừa khuyến khích chúng phát triển. Trong tương lai, khi các DN siêu nhỏ “lột xác” sẽ có những đóng góp lớn hơn vào NSNN.

Tài liệu tham khảo:

  1. Võ Văn Cẩn, Chống thất thu thuế đối với hộ kinh doanh – Trường hợp của chi cục thuế Cam Lâm, 2012;
  2. Vũ Sỹ Cường (2011) Tham nhũng và trốn thuế: Phân tích mô hình lý thuyết và thực tiễn Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, tr. 24-30, số 10/2011;
  3. Ngô Huy Cương, Phân tích pháp luật về hộ kinh doanh để tìm ra các bất cập của Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, số 25 (2009);
  4. Ngô Thị Thu Hà, Một số vấn đề pháp lý về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Tài chính kỳ 1, số tháng 3/2017;
  5. Hà Minh Lục (2013). Chống gian lận, thất thu thuế: Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Tài chính, số 9;
  6. Kết quả điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp năm 2010, năm 2015 của Tổng cục Thống kê;
  7. Mai Văn Nam và cộng sự (2012), Hoàn thiện và đổi mới công tác quản lý thuế với hộ kinh doanh – Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ - Bộ Tài chính;
  8. Hoàng Thị Thúy Ngọc (2010), Quản lý thuế với khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế- Luận án TSKT, Học viện Khoa học xã hội;
  9. Viện Nghiên cứu quốc gia Pháp về phát triển bền vững (2017), Vai trò của hộ SXKD và khu vực phi chính thức đối với tăng trưởng Việt Nam;
  10. Mai Thị Thanh Xuân và Đặng Thị Thu Hiền, Phát triển kinh tế hộ gia đình ở Việt Nam (Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh, Tập 29, số 3, 2013, 1-9).