Huy động nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng giao thông

Theo Trí Dũng/Thời báo Tài chính Việt Nam

Để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ kiến nghị triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng.

Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây
Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây

Đầu tư công toàn bộ 12 dự án giai đoạn 2021 - 2025

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để thông qua tại Kỳ họp tháng 12/2021 Quốc hội Khóa XV với tổng mức đầu tư là 146.990 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí hơn 47.100 tỷ đồng.

Trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả của dự án, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành, Chính phủ kiến nghị triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ vào điều kiện thực tiễn và các quy định pháp luật, Chính phủ sẽ xem xét trường hợp địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng công trình và có văn bản đề xuất được thực hiện, sẽ xem xét giao thực hiện đầu tư dự án thành phần thuộc địa giới hành chính của địa phương đó. Trên tinh thần ưu tiên cho địa phương, nhưng trường hợp địa phương không xung phong thì Bộ GTVT sẽ trực tiếp thực hiện đầu tư.

Theo các chuyên gia, công trình cấp quốc gia phải đảm bảo quản lý thống nhất và Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm cuối cùng, từ bảo hành, bảo dưỡng, an ninh quốc phòng... Nhiều ý kiến cho rằng, công trình nào dân và doanh nghiệp thấy khó quá thì Nhà nước bỏ tiền ra làm, như thế thì đúng trách nhiệm, nhưng thất bại là đã không huy động được sức dân. Cần tính đến cơ chế đột phá kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp mà không quá phụ thuộc vào ngân hàng.

Ngân sách Nhà nước phải chia cho nhiều lĩnh vực trọng điểm

Cũng theo thống kê của Bộ GTVT, hiện cả nước có 7 dự án BOT giao thông đường bộ đã hoàn thành nhưng chưa thể thu phí. Phần lớn các dự án trên bị mắc kẹt từ năm 2018 đến nay, dừng hoặc chưa được thu phí, các nhà đầu tư đã rơi vào tình trạng vỡ phương án tài chính, nhưng vẫn chưa có giải pháp để xử lý triệt để.

Để giải quyết vướng mắc Bộ GTVT đề xuất ngân sách nhà nước bố trí hơn 9.400 tỷ đồng để trả cho các nhà đầu tư và bỏ các trạm thu phí này theo cơ chế đầu tư phục vụ chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Bộ GTVT đề xuất bố trí ngân sách để xử lý các dự án BOT đã hoàn thành nhưng vướng mắc nên nhà đầu tư chưa thể thu phí hoàn vốn với tổng vốn dự kiến khoảng 9.427 tỷ đồng để hoàn trả chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp BOT và bỏ trạm thu phí.

Hiện nguồn ngân sách Nhà nước phải chia cho nhiều lĩnh vực trọng điểm, do đó cần phải huy động nhiều nguồn lực xã hội vào tham gia. Việc thời gian qua các nhà đầu tư không mặn mà đối với các dự án BOT có nhiều nguyên nhân, nhưng khó khăn nhất vẫn là thị trường vốn, huy động vốn hiện chỉ mặc định duy nhất là nguồn tín dụng, nhưng hiện ngân hàng thương mại cũng không mặn mà cho vay, do đó các nhà đầu tư một số dự án PPP cao tốc Bắc – Nam gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp tín dụng để triển khai dự án.

Điều quan trọng nhất của các doanh nghiệp hiện nay là cần một sân chơi bình đẳng về vốn, hiện chỉ mặc định mỗi nguồn vốn tín dụng sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Nhà nước cần triển khai phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp vay hoặc mở ra một quỹ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông… Việc Nhà nước bỏ vốn đầu tư xong nhượng quyền khai thác cho tư nhân là 1 trong 7 hình thức của đối tác công tư (Nhà nước và tư nhân cùng tham gia đầu tư).

Theo đó, để giảm bớt gánh nặng về quản lý và chi phí sẽ ký hợp đồng quản lý vì đường cao tốc chi phí rất lớn với quản lý chi phí và vận hành khai thác… Quan trọng nhất là cơ chế để nhà đầu tư vận hành. Hệ thống đường bộ hiện chia ra làm 3 loại: Cao tốc, đường quốc lộ và đường địa phương. Trước đến nay đường quốc lộ và đường địa phương đều dùng ngân sách xây dựng, nhưng đường cao tốc là loại công trình đầu tư nhiều tiền, giúp phương tiện lưu thông tốt hơn, hiệu quả và an toàn hơn.

Thời gian qua các nhà đầu tư không mặn mà đối với các dự án BOT có nhiều nguyên nhân, nhưng khó khăn nhất vẫn là thị trường vốn, huy động vốn hiện chỉ mặc định duy nhất là nguồn tín dụng, nhưng hiện ngân hàng thương mại cũng không mặn mà cho vay, do đó các nhà đầu tư một số dự án PPP cao tốc Bắc – Nam gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp tín dụng để triển khai dự án.