Hy Lạp: Đằng sau cuộc đàm phán nợ công

Theo Huỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Hy Lạp đang lâm vào cuộc khủng hoảng tồi tệ khi cuối tháng 6 này, gói cứu trợ hiện tại dành cho Athens sẽ kết thúc, và Hy Lạp sẽ buộc phải đưa ra quyết định khó khăn: hoặc là tiếp tục đề nghị EU cho vay tiền, và kèm theo đó là cái giá phải trả không nhỏ, hoặc rời bỏ Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Ảnh minh họa. Nguồn: davegranlund.com
Ảnh minh họa. Nguồn: davegranlund.com

Tuy nhiên, nếu bế tắc của cuộc đàm phán gia hạn nợ dẫn tới sự rút lui của Hy Lạp, thì câu chuyện lúc này đã trở thành vấn đề chính trị.

Các cuộc đàm phán nợ công của Hy Lạp giờ đây đã bước vào “giai đoạn chính trị” khi các quan chức tại Berlin và Athens tổ chức một loạt cuộc gặp khẩn cấp nhằm tìm kiếm một thỏa thuận lợi cả đôi đường để ngăn ngừa sự ra đi của Hy Lạp.

Đầu tháng này, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp Tổng thống Pháp Francois Hollande, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi và Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde trong một cuộc họp khẩn bàn về tương lai của Hy Lạp.

Cùng thời điểm đó, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tổ chức cuộc họp nội các tại Athens để đưa ra dự thảo đề xuất mới. Ông Tsipras đã gặp các nhà lãnh đạo EU tại Brussels và đây được cho là nỗ lực cuối cùng để tìm kiếm thỏa thuận cứu trợ mới.

IMF đã chấp nhận cho Hy Lạp lùi thời hạn thanh toán 4 khoản nợ đến cuối tháng 6, giúp quốc gia này tạm thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ vào thời điểm hiện tại. Quyết định trên được đưa ra vào đúng thời điểm quan trọng đối với cả Hy Lạp và các nước chủ nợ khi các cuộc đàm phán kéo dài 4 tháng qua nhằm cho phép Hy Lạp nhận được khoản giải ngân cuối cùng 7,2 tỷ euro (8,12 tỷ USD) trong gói cứu trợ chung trị giá 240 tỷ euro dành cho nước này rơi vào bế tắc do hai bên không thể giải quyết bất đồng liên quan đến các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Bất chấp thời hạn chót 5.6 phải thanh toán nợ, Hy Lạp vẫn phản đối những biện pháp cải cách mạnh tay mà các chủ nợ yêu cầu.

Mặc dù vậy, lịch thanh toán nợ dày đặc lên tới 1,5 tỷ euro trong tháng 6 đang khiến việc giải ngân trở thành nhu cầu cấp bách đối với quốc gia Eurozone này. Đổ vỡ trong đàm phán đồng nghĩa với việc Hy Lạp không tránh khỏi phá sản, dẫn đến việc ra khỏi Eurozone. Chính giới Brussels quan ngại rằng sự ra đi của Athens sẽ gây hiệu ứng “domino” và dẫn tới sự sụp đổ của khối.

Hãng tư vấn và dự báo chiến lược “Stratfor” (Mỹ) cho rằng Hy Lạp và các chủ nợ nhiều khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận tạm thời, và điều này có nghĩa là trong những ngày tới, hoặc những tuần tới, Hy Lạp có thể sẽ nhận được các nguồn vốn viện trợ, và đổi lại sẽ phải thực hiện những cải cách mà hai bên đồng thuận.

Khả năng Hy Lạp rút khỏi Eurozone sẽ không xảy ra trong ngắn hạn, nhưng áp lực đối với Athens về việc đẩy mạnh cải tổ sẽ tiếp tục. Điều đó có nghĩa là cuộc khủng hoảng Hy Lạp chưa chấm dứt, đồng thời sự tồn tại của Chính phủ hiện nay ở Hy Lạp cũng là vấn đề bỏ ngỏ.

Thỏa thuận sắp tới đặt ra hai câu hỏi. Thứ nhất, sự can thiệp dài hạn của IMF tại Hy Lạp. Những tuần gần đây, IMF bày tỏ sự không hài lòng với việc Hy Lạp không hứng thú với các cải tổ đáng kể. Sự tham gia của IMF trong các cuộc đàm phán là rất quan trọng vì nhiều lý do. Xét từ góc độ tài chính, nếu IMF từ bỏ đàm phán thì điều đó có nghĩa là phần tiền cứu trợ của IMF sẽ không được triển khai.

Còn từ góc độ chính trị, Chính phủ Đức muốn IMF tham gia bởi điều đó sẽ giúp Quốc hội Đức dễ chấp nhận một thỏa thuận với Hy Lạp hơn. Thứ hai, bản chất pháp lý của thỏa thuận giữa Hy Lạp với các chủ nợ. Khoản cứu trợ hiện tại dành cho Hy Lạp sẽ hết hạn vào ngày 30.6. Athens sẽ không được phép nhận thêm chút tiền nào từ chương trình hiện tại sau hạn chót đó.

Nói cách khác, nếu Athens chỉ nhận một phần trong khoản chi cuối của chương trình cứu trợ (7,2 tỷ euro) trong những ngày tới thì phần còn lại của khoản này sẽ bị cắt sau ngày 30.6.

Xét tới các khoản tiền trả nợ khá lớn của Hy Lạp trong tháng 7 và tháng 8 tới đây, ước tính khoảng 7 tỷ euro, Athens rõ ràng rất cần toàn bộ khoản chi cuối nói trên trước hạn chót. Bất kỳ khoản vay mới nào cũng cần phải được các chính phủ Eurozone phê chuẩn, và đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi tại một số quốc gia, trong đó có Đức và Phần Lan.

Quan trọng hơn, khoản viện trợ tài chính mới cho Hy Lạp sẽ đi liền với những yêu cầu cải tổ thêm mà sẽ rất đau đớn đối với Chính phủ hiện tại. Vì thế, bầu cử sớm tại Hy Lạp vẫn là một khả năng có thể xảy ra, kể cả khi Hy Lạp đạt được thỏa thuận với các chủ nợ trong những ngày tới.