IMF bớt bi quan hơn về triển vọng kinh tế

Theo Mai Ngọc/thoibaonganhang.vn

Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2020 có thể không tồi tệ như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) suy nghĩ ban đầu, nhưng con đường phía trước vẫn còn đầy khó khăn. Bà Kristalina Georgieva - Tổng giám đốc IMF đã cho biết như vậy hôm thứ Ba (6/10).

Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva. Nguồn: internet
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva. Nguồn: internet

Bức tranh sáng hơn

Còn nhớ trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) công bố hồi tháng 6, IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng trong năm 2020. Tuy nhiên theo bà Kristalina Georgieva, bức tranh kinh tế hiện tại đã sáng hơn khi mà các hoạt động kinh tế trong quý hai và quý ba có phần tốt hơn dự kiến và điều đó cho phép IMF điều chỉnh tăng một chút đối với dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020 của IMF sẽ được công bố vào tuần tới.

Theo Tổng giám đốc IMF, có được kết quả đó phần lớn là nhờ các biện pháp chính sách đặc biệt đã hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế thế giới. Theo đó, các chính phủ đã cung cấp khoảng 12 nghìn tỷ USD để hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Trong khi các hành động chính sách tiền tệ chưa từng có đã duy trì dòng chảy tín dụng, giúp hàng triệu công ty tiếp tục kinh doanh.

Tuy nhiên mức độ kích thích là không giống nhau dẫn tới sự phục hồi không đồng đều. Đối với nhiều nền kinh tế tiên tiến, bao gồm Mỹ và Khu vực đồng tiền chung châu Âu, mặc dù sự suy thoái là khá mạnh, nhưng vẫn ít nghiêm trọng hơn dự kiến. Trong khi Trung Quốc đang phục hồi nhanh hơn mong đợi. Tuy nhiên, các thị trường mới nổi và các quốc gia có thu nhập thấp vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng bấp bênh. Nguyên nhân do các quốc gia này có hệ thống y tế yếu hơn, trong khi phụ thuộc nhiều vào các lĩnh vực dễ bị tổn thương như du lịch và xuất khẩu hàng hóa; và cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn tài chính bên ngoài...

“Vì vậy, thông điệp chính của tôi là: Nền kinh tế toàn cầu đang trở lại từ vực sâu của cuộc khủng hoảng. Nhưng tai họa này còn lâu mới kết thúc. Tất cả các quốc gia hiện đang phải đối mặt với cái mà tôi gọi là “The Long Ascent” - một chặng đường leo núi đầy khó khăn kéo dài, không bằng phẳng, không chắc chắn và dễ bị thất bại”, bà nhấn mạnh và nói thêm rằng: Trong chặng đường này, tất cả các quốc gia “đều được kết nối với nhau bằng một sợi dây duy nhất - và chúng ta chỉ khỏe như những người leo núi yếu nhất. Họ sẽ cần giúp đỡ trên con đường đi lên”.

Trong khi rủi ro vẫn ở mức cao, bao gồm cả việc phá sản gia tăng và định giá kéo dài trên thị trường tài chính. Đặc biệt nhiều quốc gia đã trở nên dễ bị tổn thương hơn do mức nợ đã tăng lên trong bối cảnh phải tăng chi tiêu tài khóa để ứng phó với dịch bệnh, trong khi thu ngân sách lại sụt giảm. “Chúng tôi ước tính rằng nợ công toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục khoảng 100% GDP vào năm 2020”, bà nói.

4 ưu tiên trước mắt 

Theo Tổng giám đốc IMF, có 4 ưu tiên trước mắt.

Trước tiên, hãy bảo vệ sức khỏe của mọi người. Theo đó, cần tăng chi tiêu cho việc điều trị, xét nghiệm và truy vết, khoanh vùng dịch. Đặc biệt cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc điều phối sản xuất và phân phối vắcxin.

Thứ hai, không nên sớm rút các chính sách hỗ trợ. Bởi khi đại dịch vẫn còn, điều quan trọng là phải duy trì các huyết mạch trên toàn nền kinh tế, cho các doanh nghiệp và người lao động - chẳng hạn như hoãn thuế, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ tiền mặt và trợ cấp lương. Điều quan trọng không kém là tiếp tục duy trì tiền tệ và các biện pháp thanh khoản để đảm bảo dòng chảy tín dụng, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ - do đó hỗ trợ việc làm và ổn định tài chính.

Thứ ba, chính sách tài khóa linh hoạt và hướng tới tương lai sẽ là yếu tố then chốt để sự phục hồi được duy trì. Cuộc khủng hoảng hiện tại đã gây ra những chuyển đổi cơ cấu sâu sắc và các chính phủ phải đóng vai trò của mình trong việc phân bổ lại vốn và lao động để hỗ trợ quá trình chuyển đổi. 

Thứ tư, đối phó với nợ - đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp, bởi các nước thu nhập thấp bước vào cuộc khủng hoảng này với mức nợ vốn đã cao và gánh nặng này ngày càng nặng nề hơn.

Tuy nhiên theo bà Kristalina Georgieva, các nước thành viên có thể tin tưởng vào IMF. IMF sẽ giúp các quốc gia thành viên trong chặng đường leo núi đầy khó khăn này bằng lời khuyên chính sách hợp lý và trên hết là sự hỗ trợ tài chính và giúp giảm bớt gánh nặng nợ cho các quốc gia thành viên khi cần.

“Chúng tôi đã cung cấp tài chính với tốc độ và quy mô chưa từng có cho 81 quốc gia. Chúng tôi đã đạt hơn 280 tỷ USD trong các cam kết cho vay - hơn một phần ba trong số đó được phê duyệt kể từ tháng Ba. Và chúng tôi sẵn sàng làm nhiều hơn thế nữa: chúng tôi vẫn có nguồn lực đáng kể từ tổng công suất cho vay trị giá 1 nghìn tỷ USD của mình để phục vụ các thành viên khi họ bắt đầu “đi lên”, bà khẳng định.