Quan chức IMF: Ảnh hưởng của dịch với một số nước sẽ kéo dài nhiều năm
IMF đang phối hợp với các nước thành viên để tìm cách ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng, cũng như giảm thiếu những tác động của dịch bệnh này đối với nền kinh tế.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 23/9 nhận xét cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang kéo dài hơn dự kiến và một số nước sẽ phải mất nhiều năm để trở lại mức tăng trưởng như trước khi đại dịch xảy ra.
Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến do Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tổ chức, Phó Tổng giám đốc điều hành IMF Geoffrey Okamoto cho hay IMF đã cung cấp khoảng 90 tỷ USD hỗ trợ tài chính cho 79 nước, trong đó có 20 nước trong khu vực Mỹ Latinh, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Đến nay, IMF vẫn đang phối hợp với các nước thành viên để tìm cách ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng, cũng như giảm thiếu những tác động của dịch bệnh này đối với nền kinh tế.
Ông Geoffrey Okamoto nói thêm rằng để đưa tăng trưởng trở lại mức trước khi dịch Covid-19 bùng phát sẽ mất một vài năm và nhiều nước cần hỗ trợ để đạt được mục tiêu này.
Mỹ Latinh và Caribe là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất của dịch Covid-19 khi ghi nhận khoảng 8,4 triệu ca mắc bệnh và hơn 314.000 trường hợp tử vong. Những số liệu này đều ở mức cao so với bất kỳ khu vực nào.
Cũng tại sự kiện trực tuyến trên, các quan chức IMF đã có cuộc đàm phán với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về việc kéo dài chương trình tạm hoãn trả nợ cho cho các nước nghèo theo Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) và cách để thúc đẩy sự tham gia của lĩnh vực tư nhân.
Sáng kiến DSSI của G20 đã được thông qua hồi tháng 4/2020 dự kiến sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, các chuyên gia và quan chức chính phủ của nhiều nước đã ủng hộ kéo dài chương trình này sang năm 2021.
Quyết định về vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp trực tuyến của Nhóm Bộ trưởng Tài chính bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào ngày 25/9. Hồi tháng 8/2020, các Bộ trưởng Tài chính G7 đã nhất trí sẽ cân nhắc việc gia hạn DSSI.
Các quan chức Liên hợp quốc và các quan chức khác cũng đã kêu gọi G20 tăng cường nỗ lực để hỗ trợ cho những nước thu nhập trung bình và các đảo quốc chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là lĩnh vực du lịch./.