IMF: Tăng trưởng toàn cầu mong manh hơn

Theo Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn

Báo cáo cập nhật cho biết, mặc dù tăng trưởng nói chung vẫn còn mạnh mẽ ở các nền kinh tế tiên tiến, nhưng nó đã chậm lại ở nhiều nước trong số đó, bao gồm các nước trong khu vực đồng Euro, Nhật Bản và Anh.

Theo IMF, mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu hiện nay là căng thẳng thương mại có thể tiếp tục leo thang. Nguồn: internet
Theo IMF, mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu hiện nay là căng thẳng thương mại có thể tiếp tục leo thang. Nguồn: internet

Trong Báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu (WEO) vừa được công bố mới đây, mặc dù vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,9% trong năm nay và cả năm 2019, tuy nhiên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, đà tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu đã bắt đầu từ 2 năm trước đã đạt đỉnh và đang trở nên mất cân bằng hơn vì cuộc chiến thương mại. Thậm chí IMF đánh giá, rủi ro về một kết cục tồi tệ hơn đã tăng lên, ngay cả trong tương lai gần.

IMF: Tăng trưởng toàn cầu mong manh hơn - Ảnh 1

Nhiều nền kinh tế lớn chậm lại

Báo cáo cập nhật cho biết, mặc dù tăng trưởng nói chung vẫn còn mạnh mẽ ở các nền kinh tế tiên tiến, nhưng nó đã chậm lại ở nhiều nước trong số đó, bao gồm các nước trong khu vực đồng Euro, Nhật Bản và Anh.

Cụ thể, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Eurozone, Nhật Bản và Anh đều giảm 0,2 điểm phần trăm so với Báo cáo tháng 4, xuống tương ứng là 2,2%; 1,0% và 1,4%. Tuy nhiên, chỉ có Eurozone tiếp tục bị cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2019 0,1 điểm phần trăm xuống còn 1,9%; trong khi dự báo tăng trưởng năm 2019 của Nhật và Anh vẫn được giữ nguyên ở mức 0,9% và 1,5%.

Trong khi đó, tăng trưởng GDP tại Mỹ vẫn tiếp tục cao hơn mức tiềm năng và tạo việc làm vẫn còn mạnh mẽ, chủ yếu do chính sách cắt giảm thuế và tăng chi tiêu của chính phủ. Theo đó, IMF vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ ở mức 2,9% trong năm 2018 và 2,7% trong năm 2019.

Với sự chậm lại của nhiều nền kinh tế lớn, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2018 của các nền kinh tế tiên tiến 0,1 điểm phần trăm xuống còn 2,4%, Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng của khu vực này trong năm 2019 vẫn được giữ ở mức 2,2%.

Đối với thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, IMF cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng là 4,9% cho năm 2018 và 5,1% cho năm 2019. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng của từng quốc gia cũng có những thay đổi.

Đáng chú ý, bất chấp chiến tranh thương mại với Mỹ, song IMF cũng vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2018 và 2019 của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ở mức 6,6% và 6,4%. Dự báo tăng trưởng của 5 nền kinh tế mới nổi khu vực ASEAN cũng được giữ nguyên ở mức 5,3% cho năm nay và năm tới.

Tuy nhiên, IMF đã giảm dự báo tăng trưởng năm 2019 của các nền kinh tế mới nổi châu Á 0,1 điểm phần trăm xuống còn 6,5%, cho dù vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2018 ở mức 6,5%. Nguyên nhân chủ yếu do tăng trưởng của Ấn Độ được dự báo sẽ giảm xuống còn 7,3% trong năm 2018 và 7,5% trong năm 2019 (tương ứng giảm 0,1 và 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4).

Căng thẳng thương mại là nguy cơ lớn nhất

Cũng giống như Báo cáo tháng 4, theo IMF, chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn là trung tâm của sự biến động tài chính toàn cầu. Do tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và lạm phát vững chắc tại Mỹ, Fed đang trên đà tiếp tục tăng lãi suất trong hai năm tới, thắt chặt chính sách tiền tệ của mình so với các nền kinh tế tiên tiến khác và củng cố đồng USD.

Theo đó, đồng USD đã tăng giá khá mạnh kể từ tháng 4, và các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt với các điều kiện tài chính hạn chế hơn. Tuy nhiên, theo IMF, điều kiện tài chính vẫn tương đối dễ dàng. Mặc dù vậy, áp lực là rất lớn đối với các nền kinh tế có những điểm yếu (ví dụ, bất ổn chính trị hoặc mất cân bằng kinh tế vĩ mô). Và trong bối cảnh Fed được kỳ vọng sẽ thắt chặt nhanh hơn dự kiến hiện nay, sẽ có nhiều hơn các quốc gia có thể cảm thấy áp lực.

Tuy nhiên, theo IMF, mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu hiện nay là căng thẳng thương mại có thể tiếp tục leo thang, gây tác động bất lợi đến niềm tin, giá tài sản và đầu tư. Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn khi mà sự mất cân bằng tài khoản vãng lai toàn cầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục mở rộng do sự tăng trưởng nhu cầu tương đối cao của Mỹ.

Nhằm giảm thâm hụt thương mại, Mỹ đã triển khai một loạt chính sách thuế quan, ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế và đang phải đối mặt với các nguy cơ trả đũa từ Trung Quốc, Liên minh châu Âu, các đối tác trong Khối thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Theo tính toán của IMF, nếu các mối đe dọa thuế quan hiện nay được thực hiện và niềm tin của doanh nghiệp sẽ giảm xuống, thì sản lượng toàn cầu có thể thấp hơn khoảng 0,5% so với dự báo hiện tại vào năm 2020.

Ngoài ra, theo IMF, bất ổn chính trị đang tăng lên tại EU, trong khi thị trường tài chính tỏ ra khá chủ quan với những bất ổn hiện nay cũng là những rủi ro tiềm tàng đối với kinh tế toàn cầu. Đơn cử như giá tài sản đang ở mức khá cao hiện nay, bên cạnh điều kiện tài chính dễ dãi còn do kỳ vọng tăng trưởng vững chắc của kinh tế toàn cầu, có thể nhanh chóng đảo chiều giảm nhanh nếu tăng trưởng và doanh thu của doanh nghiệp không đạt như dự kiến.

Theo IMF, những bất ổn chính trị hiện nay, bao gồm cả những xung đột thương mại, bắt nguồn từ việc nhiều quốc gia đã thúc đẩy tăng trưởng mà không dựa trên cải cách cơ cấu. Bởi vậy IMF khuyến nghị, trong bối cảnh hiện nay, các Chính phủ cần tiếp tục cải cách cơ cấu, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các công cụ vĩ mô để chống lại cuộc suy thoái kinh tế tiếp theo.

Đặc biệt, cần phải từ bỏ suy nghĩ hướng nội và nhớ rằng hợp tác đa phương là rất quan trọng để giải quyết các vấn đề quan tâm chung, như tăng cường hệ thống thương mại đa phương, giảm sự mất cân đối toàn cầu, chính sách ổn định tài chính, chính sách thuế quốc tế, an ninh mạng và các mối đe dọa khủng bố khác...