Indonesia đối diện “bẫy thu nhập trung bình”

Theo daibieunhandandan.vn

Tăng trưởng cao liên tục trong thời gian dài, dân số trẻ với tầng lớp trung lưu lớn đã đưa Indonesia trở thành quốc gia thu nhập trung bình vào năm 2004. Tuy nhiên, nhịp độ tăng trưởng của quốc gia “vạn đảo” dù cao hơn hầu hết quốc gia đang phát triển nhưng vẫn thấp so với các nền kinh tế năng động nhất ở Đông Á. Điều này khiến Indonesia có nguy cơ mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình”.

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Phát triển thần kỳ

Indonesia phải chứng kiến những thay đổi lớn về vận mệnh kinh tế và chính trị. Bỏ lại nền kinh tế khó khăn vào giữa thập niên 60 của thế kỷ trước - thời điểm cố Tổng thống Suharto tiến hành đảo chính (năm 1965), chỉ trong ba thập kỷ, Indonesia đã trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển kinh tế nhanh tại Đông Nam Á và gia nhập hàng ngũ những con hổ châu Á.

Tuy nhiên, sự phát triển của Indonesia bị gián đoạn do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Cuộc khủng hoảng tài chính khi đó đã kéo theo cuộc khủng hoảng chính trị, với sự kết thúc đột ngột 32 năm nắm quyền của Tổng thống Suharto vào năm 1998 và một nền kinh tế rơi tự do.

Vào thời điểm đó, chính quyền Jakarta đã tiến hành cải tổ toàn diện cơ cấu tổ chức, phân quyền cho các địa phương. Ngay sau đó, nền kinh tế quốc đảo đã tăng trưởng trở lại một cách nhanh chóng và vị thế của Indonesia được tái khẳng định tại Đông Nam Á.

Indonesia chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Trong vòng một thập niên, GDP tính theo đầu người đã tăng gấp đôi lên mức 4.730 USD. Tỷ lệ người nghèo đã giảm gần một nửa, từ 24% năm 1999 xuống còn 12% trong năm 2012 (số liệu của Ngân hàng Thế giới). Dân số trẻ bùng nổ, tham gia tích cực vào lực lượng lao động, tạo ra nhu cầu lớn về bất động sản, thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng và tiêu dùng. Theo giới chuyên gia, nếu tốc độ tăng trưởng như đã thấy trong 15 năm qua tiếp tục được duy trì, Indonesia sẽ tham gia nhóm nước có thu nhập cao trong vòng nửa thế kỷ tới.

Đối mặt nhiều rủi ro

Indonesia trở thành nước thu nhập trung bình vào năm 2004 với mức thu nhập bình quân đầu người 3.420 USD. Ngưỡng để trở thành quốc gia thu nhập trung bình là 1.036 USD/người và quốc gia phát triển là 12.616 USD/người. Tuy nhiên, Indonesia hiện đang phải đối mặt với không ít thách thức khiến giới chuyên gia quan ngại về nguy cơ Jakarta có thể mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình”.

Bẫy thu nhập trung bình là một khái niệm kinh tế chỉ tình trạng một quốc gia đạt đến mức thu nhập bình quân nhất định và giậm chân tại mức thu nhập này mà không thể vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn.


Thứ nhất, người dân Indonesia lâu nay không mặn mà với chủ nghĩa tự do và toàn cầu hóa. Điều này thể hiện qua sự thay đổi liên tục từ chính sách đóng cửa với thế giới đầu thập niên 60 sang mở cửa vào cuối thập niên 60, sau đó gia tăng sự can thiệp của Nhà nước trong thời kỳ bùng nổ giá dầu trong thập niên 70. Với xu hướng ủng hộ và chống cải cách luân phiên, Indonesia vẫn còn mở cửa một cách hợp lý kể từ thời điểm này. Nhưng chủ nghĩa dân tộc kinh tế đang gia tăng áp lực lên chủ nghĩa bảo hộ.

Thứ hai, hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu thốn và nghèo nàn cũng là hạn chế lớn đối với tính cạnh tranh của nền kinh tế. Chi phí vận chuyển giữa các đảo của Indonesia rất cao, đẩy chi phí tổng thể, dẫn đến chênh lệch giá lớn giữa các khu vực. Indonesia hiện đang có mức chi phí cho dịch vụ vào loại cao nhất khu vực. Giao thông tắc nghẽn, điện lưới phập phù... không thể hỗ trợ cho nền kinh tế đang tăng trưởng.

Thứ ba là chất lượng nguồn nhân lực vốn có liên quan trực tiếp tới giáo dục. Indonesia có hệ thống giáo dục lớn thứ tư trên thế giới, nhưng lại xếp hạng thấp trong số 65 quốc gia tham gia Chương trình khảo sát giáo dục quốc tế (PISA) - với vị trí thứ 49 trong tổng số 57 quốc gia được khảo sát năm 2006, và vị trí 57/65 vào năm 2009. Cơ cấu dân số vàng về mặt nhân khẩu học của Indonesia, trong đó lực lượng lao động chiếm 65% dân số, sẽ là không thể phát huy tác dụng nếu không được hỗ trợ bởi một hệ thống giáo dục chất lượng và tiên tiến.

Trong khi đó, tăng trưởng của quốc đảo không đồng đều, không bền vững trong dài hạn và khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng. Báo cáo của WB cho biết chi tiêu của một nửa số người nghèo nhất ở Indonesia giảm trong giai đoạn 2012 - 2013, so với mức tăng 4% của toàn bộ dân số và mức tăng trung bình 7% của nhóm 20% những người giàu nhất. Hệ số Gini của Indonesia, một thước đo của sự bất bình đẳng thu nhập, đã tăng từ 0,35 điểm năm 2005 lên 0,41 năm 2012. Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng hệ số Gini trên mức 0,4 là dấu hiệu báo động về tình trạng bất ổn xã hội.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm hơn so với dự kiến, nền kinh tế Indonesia sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Đặc biệt, khi kinh tế Trung Quốc đang phải vật lộn để duy trì mức độ tăng trưởng như hiện nay, nhu cầu nhập khẩu từ Indonesia sẽ vẫn còn yếu. Rất khó để Indonesia hy vọng ngành xuất khẩu sẽ hồi phục trong năm 2015 nếu không muốn nói là sẽ tiếp tục trì trệ.

Nói cách khác, Indonesia đã có các dấu hiệu của một nền kinh tế rơi “bẫy thu nhập trung bình” và điều này sẽ trở thành hiện thực nếu Indonesia không giải quyết các vấn đề về hạ tầng, ổn định vĩ mô để nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.