iPhone mới chưa ra mắt đã gặp điều tiếng
Công nhân làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, sinh viên thực tập bị vắt kiệt sức trên những dây chuyền sản xuất là những gì đang diễn ra trong nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới.
Apple và đối tác sản xuất Foxconn đã vi phạm luật lao động Trung Quốc khi sử dụng quá nhiều nhân viên thời vụ trong nhà máy trước thời điểm Táo khuyết cho ra mắt iPhone 11, mẫu điện thoại mới nhất. Bản thân các công ty này cũng đã thừa nhận tình trạng lao động phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt.
Cáo buộc mới nhất nhằm vào hoạt động sản xuất iPhone tới từ China Labor Watch, tổ chức nhiều lần lên tiếng về các vấn đề tương tự. Nó xuất hiện chỉ vài ngày trước khi Apple chính thức ra mắt iPhone 11, mẫu điện thoại mới nhất của Táo khuyết.
Theo đó, CLW đã tiến hành cuộc điều tra bí mật tại nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu và phát hiện ra nhân viên thời vụ, chiếm khoảng 50% số nhân lực của nhà máy trong tháng 8 vừa qua. Điều này vi phạm nghiêm trọng luật Lao động Trung Quốc khi quốc gia này chỉ cho phép số nhân viên thời vụ tối đa là 10%.
Apple cho biết, sau khi tiến hành điều tra, họ phát hiện số công nhân thời vụ vượt quá "tiêu chuẩn của chúng tôi" và Táo khuyết "đang làm việc chặt chẽ với Foxconn để giải quyết vấn đề này". Gã khổng lồ công nghệ Mỹ cũng cho biết thêm ngay sau khi phát hiện ra vấn đề, họ đã làm việc với nhà cung ứng để "ngay lập tức đưa mọi việc trở về đúng quy định". Foxconn cũng đã thừa nhận tình trạng sử dụng nhân viên thời vụ vượt quá quy định.
Foxconn từng nhiều lần phải đối mặt với những chỉ trích nặng nề về điều kiện làm việc của công nhân trong nhiều năm qua. Trong khi đó, Apple cũng nhiều lần gây sức ép với đối tác sản xuất để buộc họ phải làm đúng luật. Dẫu vậy, tình trạng này chưa bao giờ được giải quyết triệt để, nhất là vào thời điểm Apple chuẩn bị ra mắt iPhone mới để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.
Về phần mình, CLW cho rằng Apple có khả năng và trách nhiệm cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân trong các nhà máy thuộc chuỗi cung ứng của mình. Tuy nhiên, Táo khuyết bị cáo buộc không mạnh tay với tình trạng này, thậm chí là đang cố gắng chuyển chi phí từ cuộc chiến thương mại sang các nhà cung cấp, buộc họ phải sử dụng nhân công thời vụ để giảm giá thành sản xuất.
Phần nhiều trong số lao động thời vụ đang sản xuất iPhone là sinh viên thực tập. Họ sẽ phải làm việc trong các nhà máy trước khi trở lại trường vào cuối tháng 8. Hiện tại, số công nhân thời vụ trong nhà máy của Foxconn chiếm khoảng 30%, vẫn cao gấp 3 lần so với quy định của luật pháp Trung Quốc.
Từ cuối năm 2017, Apple đã phát hiện Foxconn thuê học sinh trung học để lắp ráp iPhone X một cách bất hợp pháp. Táo khuyết đã cử chuyên gia của mình xuống cơ sở để đảm bảo tình trạng này không diễn ra. Tuy nhiên, điều này chỉ là giải pháp tạm thời và chưa bao giờ chứng minh hiệu quả lâu dài.
Về phần mình, biên lợi nhuận mỏng khiến Foxconn bất chấp. Theo CLW, công nhân thời vụ sẽ không được hưởng những chế độ như những nhân viên toàn thời gian, chẳng hạn như nghỉ ốm, nghỉ phép, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thất nghiệp và lương hưu. Bên cạnh đó, tiền trả cho nhân viên thời vụ cũng thấp hơn chi phí trả cho một nhân viên toàn thời gian.
Hiện tại, Apple và Foxconn đang cố gắng làm ra 12.000 chiếc iPhone mỗi ca tại nhà máy ở Trịnh Châu. Năm ngoái, mẫu iPhone XS có cấu tạo phức tạp hơn iPhone X nên công ty đã phải tuyển thêm nhiều công nhân để đảm bảo tiến độ. Dù vậy, không phát hiện tình trạng lao động cưỡng bức trong các nhà máy sản xuất iPhone.
Tuy nhiên, báo cáo của CLW cũng nêu ra một số vấn đề về mặt chính sách trong nhà máy của Foxconn:
Trong thời gian sản xuất cao điểm, không chấp nhận công nhân nghỉ việc.
Một số công nhân thời vụ không được nhận tiền thưởng như đã hứa.
Sinh viên thực tập phải làm thêm trong mùa cao điểm, mặc dù điều này bị cấm theo luật lao động Trung Quốc.
Nhiều sinh viên phải làm thêm tối thiểu 100 giờ mỗi tháng trong thời gian sản xuất cao điểm. Luật lao động cho phép là 36 giờ.
Công nhân phải xin phép để không làm thêm giờ. Nếu lời xin phép bị từ chối và công nhân vẫn không làm, họ sẽ bị quản lý cảnh cáo và mất đi các cơ hội làm thêm giờ trong tương lai.
Công nhân đôi khi phải ở lại nhà máy cho các cuộc họp đêm mà không được trả tiền.
Nhà máy không cung cấp đầy đủ thiết bị bảo hộ cho nhân viên.
Thương tích trong quá trình làm việc không được nhà máy báo cáo. Tình trạng lạm dụng bằng lời nói diễn ra phổ biến.
Tuy nhiên, tình trạng nhân viên muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập không phải hiếm. Hầu hết công nhân của Foxconn được nhận 4000 tệ (562 USD) mỗi tháng. Sau thuế và phí bắt buộc, họ cầm về khoảng 3.000 tệ. Thu nhập bình quân đầu người Trung Quốc năm 2018 là 28.288 tệ, tương đương 2.352 tệ/tháng.