IPU-132: Các hoạt động diễn ra suôn sẻ, đúng tiến độ…
(Tài chính) Thông tin trên được Chủ tịch IPU -132, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết mới đây khi nhìn lại kết quả hoạt động IPU-132 diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 28/3 - 1/4/2015.
Với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” là nội dung hết sức quan trọng, thiết thực nhận được sự nhất trí cao của tất cả Lãnh đạo nghị viện, các nghị sỹ, các khách mời của IPU-132. Các đại biểu đã đóng góp tích cực, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn về chủ đề này và cho các văn kiện quan trọng khác của IPU - 132.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, có tất cả 4 dự thảo Nghị quyết quan trọng đã được thông qua.
Trong đó, các Ủy ban thường trực của IPU đã thông qua các Nghị quyết gồm (i) Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế; (ii) Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước; (iii) Nghị quyết về Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người; (iv) Nghị quyết về “Hợp tác nghị viện chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và nhóm khủng bố Boko Haram chống lại dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết, về các hoạt động bên lề IPU 132 như Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nghị nữ Nghị sỹ IPU; các chương trình tham quan, biểu diễn nghệ thuật đã diễn ra tốt đẹp.
Đánh giá cao về sự chuẩn bị và công tác tổ chức IPU của nước chủ nhà Việt Nam, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa IPU-132 và kỳ họp IPU trước đó. Ông cho biết: Các kỳ họp trước chú trọng về miêu tả còn Đại hội đồng lần này đã tạo ra được các cách tiếp cận mới, thể hiện một xu hướng mới: tập trung vào giải pháp hơn là xác định vấn đề. Đồng thời, ông Saber Chowdhury cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam đã lựa chọn chủ đề và chủ đề đó đã định hình, định hướng cho tất cả các cuộc thảo luận. Các nghị sỹ của Việt Nam cũng đã đóng góp vào tất cả các nội dung thảo luận, tham gia vào tất cả các Ủy ban thường trực, đồng thời luôn có thiện chí chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.
“Việt Nam đã tạo ra các tiêu chuẩn mới cho những người tổ chức IPU trong những năm tiếp theo”, Ông Chowdhury nhấn mạnh.
Về vai trò của IPU đối với những thách thức đối với hòa bình và an ninh thế giới, nhất là các tranh chấp lãnh thổ, ông Chowdhury nói rằng, bản thân IPU không tham gia vào những nỗ lực hòa giải hay những tranh chấp mà nói về những nguyên tắc cần được áp dụng.
Theo đó, IPU tôn trọng các khái niệm chủ quyền, quyền tự quyết của các dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng quyền con người. IPU chủ trương thúc đẩy đối thoại bởi thông qua đối thoại chúng ta sẽ giải quyết được nhiều việc.
Ông Chowdhury cho rằng, thay vì đợi xảy ra xung đột, chúng ta có thể thúc đẩy đối thoại giữa các bên, hướng tới xây dựng phát triển hòa bình./.