IPU-132: Nét chấm phá trong “bức tranh” ngoại giao nghị viện thế giới
(Tài chính) Sau 5 ngày làm việc (từ ngày 28/3-1/4/2015) tại Hà Nội, Đại hội đồng IPU-132 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Điểm nổi bật là IPU-132 đã thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác, đồng thuận đáp ứng được ý nguyện của nhân dân thế giới.
Ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Đại hội đồng IPU-132 cho biết, đây là kỳ họp có số lượng đoàn quốc tế tham gia nhiều nhất với hàng trăm nhà lãnh đạo Quốc hội, Nghị viện các nước. Điều này cho thấy mối quan tâm của nghị viện, nhân dân các nước đối với chủ đề mà Việt Nam đề xuất “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”.
Chủ đề này thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trên toàn thế giới và các nghị sỹ đại diện cho nhân dân các nước.Khi các nghị sỹ đến đây đã mang trong lòng ý nguyện của nhân dân nước họ để học hỏi, trao đổi, tranh luận, đóng góp ý kiến để xây dựng các nghị quyết và đóng góp cho thành công của Đại hội đồng lần này.
Điểm nổi bật, trong các cuộc họp của Ủy ban Thường trực, của các nữ nghị sỹ, Diễn dàn nghị sỹ trẻ, các cuộc họp về quyền của trẻ em, bình đẳng giới... đều đã diễn ra rất sôi nổi, thẳng thắn và dân chủ. Minh chứng là có cuộc họp với gần 100 ý kiến phát biểu, xoay quay vấn đề bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ có các quyền toàn diện hơn và đặc biệt đó là quyền tham gia vào hoạt động chính trị.
“Các đại biểu đến tham dự IPU -132 chia sẻ kết quả, kinh nghiệm trong quá trình phấn đấu để thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Đồng thời, họ nêu ra những tồn tại, khó khăn vướng mắc mà khi tiến hành thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ còn có những khiếm khuyết. Từ đó, các nước đề xuất chuyển sang giai đoạn mới, tức là thời kỳ 15 năm tới, chuyển sang mục tiêu phát triển bền vững”, ông Trần Văn Hằng cho biết.
Qua các cuộc trao đổi, các nghị viện học được kinh nghiệm của nhau, rất nhiều kinh nghiệm quý báu của các nước, là bài học thành công cho các nước khác học hỏi.
Điều đặc biệt là, tại Đại hội đồng lần này, các nước có nguyện vọng chính đáng đưa vào các nghị quyết, đó là tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác giữa các nghị viện trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp quốc sắp thông qua.
Những điều nói trên cho thấy, những đóng góp quan trọng của các nghị viện và các nghị sỹ đã góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội đồng IPU-132.
Tại Đại hội đồng IPU-132, Tuyên bố Hà Nội là văn kiện quan trọng nhất, góp phần để Liên hợp quốc định hướng chương trình nghị sự sau năm 2015, xác định các chỉ tiêu, mục tiêu và định hướng cụ thể trong phát triển bền vững.
Kèm theo Tuyên bố Hà Nội thì Đại hội đồng IPU-132, đã tổ chức bộ tài liệu về toàn bộ các nghị quyết và các giải pháp để gửi đoàn nghị sỹ các nước và Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng với tư cách Chủ tịch IPU-132 đã ký công văn gửi tất cả các Chủ tịch các nghị viện thành viên để yêu cầu thực thi các giải pháp này.
Theo ông Trần Văn Hằng, với vai trò và chức năng của các nghị viện như thế, trong văn kiện của IPU-132 lần này cũng nêu 4 bước để nghị viện các nước triển khai. Qua theo dõi hoạt động của các Ủy ban Thường trực và các phiên họp Đại hội đồng, các trưởng đoàn đều phát biểu nêu ra những chương trình hành động và kế hoạch rất cụ thể của nước mình để triển khai 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu phát triển bền vững.
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury nhấn mạnh, để đưa các nghị quyết lần này vào thực thi thì các nghị viện phải biến các nghị quyết thành cơ sở pháp lý, chính sách và quyết sách cụ thể ở các nước để đưa vào triển khai thực hiện./.