Ít tiền có làm được thương hiệu?

PV.

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam gặp khá nhiều “rào cản” trong quá trình xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, để vượt qua các “rào cản”, doanh nghiệp nên tận dụng tốt những ưu đãi, hỗ trợ từ các chương trình cấp quốc gia về xây dựng, phát triển thương hiệu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đại diện Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù doanh nghiệp (DN) đã có nhiều tiến bộ trong cải tiến sản phẩm, song phần đông DN Việt Nam còn thiếu năng lực và kinh nghiệm phát triển thương hiệu. Thực trạng này là yếu tố không tích cực trong bối cảnh cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm của các công ty đa quốc gia có mặt trên thị trường Việt Nam.

Dù nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và nhu cầu xây dựng thương hiệu cũng tăng lên nhưng từ nhận thức đến hành động của DN còn chặng đường khá xa. Những khó khăn của DN Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa trong quá trình xây dựng thương hiệu xuất phát từ việc chưa có kiến thức, sự hiểu biết, thiếu định hướng chuẩn cho thương hiệu, chưa có sự đầu tư lớn, kể cả về mặt chuyên môn cũng như chi phí truyền thông thương hiệu.

Hiện nay, nhiều DN vẫn có suy nghĩ làm thương hiệu theo cách “hữu xạ tự nhiên hương”. Tuy nhiên, trong thời đại số hiện nay, các DN cần thay đổi tư duy marketing và có cách làm thương hiệu mới. DN cần đến truyền thông để quảng bá sản phẩm trên các kênh truyền thông uy tín.

Thế nhưng, nhiều DN, nhất là các DNNVV lo ngại, ít tiền có làm được thương hiệu? Để gạt bỏ những lo ngại này, theo các chuyên gia, DN có thể tận dụng những ưu đãi, hỗ trợ từ các chương trình cấp quốc gia về xây dựng, phát triển thương hiệu như: Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam; Chương trình xây dựng, phát triển thương hiệu ngành hàng Việt Nam; Các Chương trình khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Các hỗ trợ cụ thể của Nhà nước thông qua các chương trình cấp quốc gia nêu trên đã được quy định cụ thể tại Nghị định 28/2018/NĐ-CP ngày 01/03/2018 của Chính phủ (có hiệu lực từ 01/3/2018) quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương.

Theo đó, các DN sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi tham gia Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Cụ thể như: Các DN được phép sử dụng biểu trưng Thương hiệu quốc gia Việt Nam và hệ thống nhận diện Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Được hỗ trợ kinh phí khi tham gia các hoạt động thuộc Chương trình; Được ưu tiên tham gia các hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và các Chương trình xây dựng, phát triển thương hiệu ngành hàng Việt Nam có liên quan; Được các cơ quan nhà nước hỗ trợ pháp lý trong tranh chấp về các biện pháp quản lý ngoại thương của nước ngoài, tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ; Được hưởng chế độ ưu tiên khi thực hiện các thủ tục về thuế, hải quan và các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật…

Bên cạnh đó, Chương trình xây dựng, phát triển thương hiệu ngành hàng Việt Nam mang các quyền lợi đến với DN, tiêu biểu như: Được hỗ trợ, nâng cao năng lực trong việc xây dựng, quản trị và bảo vệ thương hiệu ngành hàng; Được hỗ trợ truyền thông, quảng bá thương hiệu ngành hàng ở trong nước và nước ngoài…

Ngoài ra, tại các địa phương cũng có nhiều chương trình phát triển thị trường, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hóa, hỗ trợ các sản phẩm có thế mạnh phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Các DN muốn quảng bá thương hiệu cần tham gia các chương trình phát triển thị trường, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm do chính quyền địa phương thực hiện.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng để xây dựng thương hiệu thành công theo phân tích của các chuyên gia vẫn là DN phải xác định cho mình định vị thương hiệu rõ ràng và phải đủ khác biệt, cuốn hút với người tiêu dùng, trong đó cần lưu ý đến chất lượng sản phẩm để luôn đem lại sự hài lòng cho khách hàng.