K+ ôm lỗ nghìn tỷ, cửa nào cho VTV thoái vốn?

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Kết quả kinh doanh chưa khi nào sáng sủa của K+ khiến tiến trình thoái vốn của VTV dậm chân tại chỗ. Nhiều khó khăn hơn nữa chờ đón VTV khi Kiểm toán Nhà nước sẽ được mời để làm rõ thực trạng tài chính, tình hình kinh doanh, chi phí hoạt động của K+.

VTV mời Kiểm toán Nhà nước Việt Nam làm rõ thực trạng tài chính, tình hình kinh doanh, chi phí hoạt động của VSTV. Nguồn: Internet
VTV mời Kiểm toán Nhà nước Việt Nam làm rõ thực trạng tài chính, tình hình kinh doanh, chi phí hoạt động của VSTV. Nguồn: Internet

Ra đời năm 2009, K+ là sản phẩm kết hợp giữa Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Canal+ (Pháp). Dù tuổi đời non trẻ, nhưng K+ đã mau chóng tạo dựng vị thế trong ngành truyền hình Việt Nam. Nếu như năm 2009, K+ chỉ có hơn 95.000 thuê bao thì đến năm 2016 đã tăng lên gần 800.000 thuê bao.

Mặc dù thu hút được nhiều khách hàng nhưng kết quả kinh doanh của K+ khá thất vọng khi liên tục thua lỗ. Tính tới cuối năm 2017, lỗ lũy kế của K+ lên tới 2.733 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu gần 2.400 tỷ đồng.

Sẽ kiểm toán

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về chủ trương thoái vốn và Đề án tái cơ cấu công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV – đơn vị sở hữu thương hiệu truyền hình K+).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận, việc tái cơ cấu VSTV là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, VSTV là doanh nghiệp (DN) liên doanh với DN nước ngoài. Hoạt động của công ty này cũng liên quan đến lĩnh vực báo chí, tư tưởng văn hóa nên cần được xem xét khẩn trương xử lý nhưng phải thận trọng, đúng chủ trương của pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp thẩm tra Hồ sơ liên quan đến Hợp đồng liên doanh và Điều lệ của VSTV, có ý kiến đánh giá độc lập, đề xuất phương án xử lý bảo đảm tối đa lợi ích của phía Việt Nam, trong đó có hướng dẫn đàm phán lại với phía nước ngoài, gửi VTV và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, VTV mời Kiểm toán Nhà nước Việt Nam làm rõ thực trạng tài chính, tình hình kinh doanh, chi phí hoạt động của VSTV; Cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh của VSTV để hoàn thiện báo cáo đến năm 2018 để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2019.

Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo cũng cần làm rõ khía cạnh pháp lý, xem xét khả năng điều chỉnh hợp đồng liên doanh và điều lệ công ty để có phương án xử lý phù hợp với pháp luật, tính rủi ro pháp lý và đề xuất phương án xử lý, dự kiến triển vọng tương lai của VSTV.

Về phương án thoái vốn của VTV, trước đó, đơn vị này đã đưa ra đề xuất sẽ thoái 26% và giữ lại 25% vốn tại K+ nhằm đảm bảo VTV bảo toàn được vốn góp để trả lại cho Nhà nước và vẫn duy trì phần vốn trong K+, duy trì khả năng thu lợi nhuận.

Theo VTV, khi thành lập liên doanh vào năm 2009, VTV góp 51% vốn là tính từ các loại tài sản như nhà cửa, giá trị của gần 100.000 thuê bao, hệ thống truyền dẫn phát sóng để góp vào, chứ VTV không góp bằng tiền mặt. Vốn điều lệ của liên doanh khi đó là 20 triệu USD, nhưng để hoạt động được cần phải có 34 triệu USD ngay từ ban đầu, do đó phải đi vay, mà chính Canal+ là bên cho vay.

Việc rút khỏi liên doanh VSTV nằm trong kế hoạch thoái vốn của VTV ra khỏi ba DN truyền hình trả tiền mà VTV đang nắm giữ toàn bộ hoặc một phần vốn bao gồm: VTVcab (100% vốn), SCTV và K+ (đều sở hữu 51% vốn).

Sau khi thành lập, K+ bắt đầu trở thành kênh độc quyền phát sóng Giải bóng đá Ngoại hạng Anh kể từ năm 2010, sau đó là Champion League tại Việt Nam. Đồng thời, kênh này cũng hợp tác với nhiều hãng phim lớn như BHD, CJ… để được phát sóng độc quyền sớm nhất các phim chiếu rạp.

truyen-hinh-K-JPG-9338-1546873671.jpg

Câu chuyện hậu kiểm toán K+ được nhiều người quan tâm

Ai sẽ mua cổ phần?

Được định vị là một kênh truyền hình cao cấp không phát quảng cáo xen vào nội dung, nhờ đó thị phần của K+ nhanh chóng gia tăng từ 95.600 thuê bao lên 855.000 (năm 2016).

Tuy nhiên, càng đầu tư mạnh thì kết quả kinh doanh của K+ lại gây bất ngờ khi liên tiếp báo lỗ và con số ngày càng “khủng”.

Năm 2015, K+ đạt doanh thu 1.252 tỷ đồng nhưng lỗ ròng tới 89 tỷ đồng. Năm 2016, công ty đạt doanh thu 1.194 tỷ đồng nhưng lỗ tiếp 301 tỷ đồng. Năm 2017, K+ lại ghi nhận thêm khoản lỗ 448 tỷ đồng dù thu về hơn 1.097 tỷ đồng doanh thu.

Tính tới cuối năm 2017, sau 9 năm hoạt động, con số lỗ lũy kế của K+ đã lên tới 2.733 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ là 344 tỷ đồng; nợ vay ngắn hạn lên tới 1.167 tỷ đồng.

Nguyên nhân của nợ nần tăng mạnh là do K+ đẩy mạnh chi những khoản tiền lớn vào việc mua bản quyền các nội dung quốc tế, trong khi lượng thuê bao cũng như giá cước liên tiếp giảm.

Cụ thể, trong giai đoạn 2010 – 2013, số tiền K+ chi ra để sở hữu bản quyền Ngoại hạng Anh là 13 triệu USD. Mùa giải 2013 – 2016, số tiền bản quyền Ngoại hạng Anh mà K+ chi ra đã tăng hơn 3 lần lên 41 triệu USD. Mùa giải 2016 – 2019, số tiền tiếp tục tăng lên khoảng 46 triệu USD.

Hơn nữa, K+ lại tiếp tục phải đối mặt với những thách thức mới trong kinh doanh khi mất độc quyền phân phối giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam vào tay Facebook kể từ mùa giải 2019 – 2022.

Điểm thu hút của K+ chính là bản quyền các giải bóng đá lớn, nên K+ có thể mất đi một lượng lớn khách hàng với nhu cầu chính là xem bóng đá, ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu.

Trước những khó khăn nói trên, câu hỏi đặt ra là ai sẽ mua số cổ phần mà VTV bán ra? Canal+ sẽ tiếp tục mua vào để nắm quyền chi phối tại kênh truyền hình cao cấp này?

Câu chuyện hậu kiểm toán K+ cũng là điều mà nhiều người quan tâm lúc này, bởi cách đây không lâu, đại diện K+ cho biết nếu VTV thoái vốn, K+ chỉ có tốt lên.