KakaoBank “niềm vui có dài lâu”?
KakaoBank, ngân hàng kỹ thuật số đầu tiên của Hàn Quốc ra mắt công chúng (IPO) thành công, nhưng niềm vui này liệu có dài lâu?
Mới đây, cùng với việc IPO thành công, cổ phiếu của công ty đã tăng 74% trong lần giao dịch đầu tiên tại Seoul, KakaoBank dã trở thành công ty cho vay bán lẻ lớn nhất nước này theo giá trị thị trường, đạt mức hơn 32 nghìn tỷ won (28 tỷ USD), lớn hơn tất cả các tập đoàn tài chính truyền thống của Hàn Quốc.
Theo một dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, đây không phải là điều lạ ở Hàn Quốc. Gần một nửa trong số 113 công ty niêm yết tại Seoul trong 12 tháng qua đã kết thúc phiên khai mạc cao hơn ít nhất 30% so với giá chào bán lần đầu ra công chúng. Thậm chí, 19 công ty trong số đó đã đóng cửa với mức tăng 160%.
Có thể thấy, KakaoBank đã mang trong mình lợi thế lớn khi được coi là ngân hàng số đầu tiên của Hàn Quốc, thành lập vào năm 2016 sau khi chính phủ nước này cung cấp giấy phép ngân hàng trực tuyến lần đầu vào năm 2015. Người dùng của họ đã tăng lên một cách nhanh chóng khi hưởng lợi từ ứng dụng nhắn tin của công ty mẹ (Kakao) với 46 triệu người dùng đang hoạt động trên tổng dân số khoảng 51 triệu.
Trên thực tế, KakaoBank là công ty mới nhất niêm yết cổ phiếu trong số các chi nhánh của Kakao. Trước đó là KakaoGames đã huy động được 384 tỷ won vào tháng 9 và cổ phiếu của họ đã tăng khoảng 250% kể từ khi IPO.
Một công ty khác là KakaoPay, dịch vụ thanh toán trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc, cũng đang tìm cách ra mắt vào ngày 12 tháng 8 tới đây, nhưng việc niêm yết bị trì hoãn sau khi các nhà quản lý yêu cầu sửa đổi bản cáo bạch. Trong khi đó, nhiều khả năng sẽ có thêm vài đợt IPO tại Kakao, với các đơn vị kinh doanh dịch vụ gọi xe, giải trí…
Theo các chuyên gia phân tích, việc IPO của KakaoBank có thể sẽ đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ trong bản đồ các tập đoàn tài chính Hàn Quốc. Trước khi KakaoBank ra mắt giao dịch, công ty tài chính lớn nhất nước này là KB Financial với giá trị thị trường khoảng 22 nghìn tỷ won, tiếp theo là Shinhan Financial với khoảng 20 nghìn tỷ won và Hana Financial với khoảng 13 nghìn tỷ won.
Tuy nhiên, cũng theo các nhà phân tích, mặc dù đang dẫn đầu ngành ngân hàng số, nhưng họ cũng đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt tại Hàn Quốc, khi mà quốc gia này tích cực áp dụng các dịch vụ fintech. Viva Republica có kế hoạch ra mắt Toss Bank vào đầu tháng 9 sau khi nhận được giấy phép ngân hàng trực tuyến thứ ba của đất nước. K-Bank, cũng đã tích lũy người dùng mới trong không gian tiền điện tử, huy động được 1,2 nghìn tỷ won từ các cổ đông bao gồm Bain Capital.
Douglas Kim, một nhà phân tích của Smartkarma, cho rằng ông rất “ấn tượng” về đợt IPO của KakaoBank, nhưng lưu ý rằng họ cần thận trọng. Mặc dù KakaoBank đã hoạt động xuất sắc trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, nhưng ngân hàng này vẫn chưa chứng minh được rằng mình có thể cạnh tranh trong thị trường thế chấp sinh lợi lớn hơn.
Hơn nữa, thách thức hiện tại của họ là việc tăng trưởng đang chậm lại. Từ năm 2018 đến đầu năm 2021, họ đã tăng gấp đôi thị phần tiền gửi lên khoảng 2,3% và cho vay lên 9,1%. Nhưng cuối cùng, ngân hàng kỹ thuật số đối thủ K-Bank đã và đang có thêm nhiều khách hàng mới, đặc biệt là những người trẻ tuổi, những người bị thu hút bởi mối liên hệ của họ với một sàn giao dịch tiền điện tử địa phương.
Thêm vào đó, các ngân hàng truyền thống lớn của Hàn Quốc cũng đang ra sức chống lại. Sáu ngân hàng truyền thống đã báo cáo với cơ quan quản lý của họ, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc, rằng họ đang lên kế hoạch tung ra các tiện ích mở rộng chỉ dành cho kỹ thuật số (bao gồm KB Financial, Shinhan Financial, Hana Financial, BNK Financial và JB Financial).
Có thể thấy, các ngân hàng truyền thống Hàn Quốc đang nỗ lực phát triển các nền tảng để thu hút hoặc giữ chân người tiêu dùng và tạo ra dữ liệu từ các hoạt động phi ngân hàng của họ. Nếu bất kỳ ngân hàng truyền thống nào của Hàn Quốc có thể tự chuyển mình, thì triển vọng trung hạn của KakaoBank sẽ gặp khó khăn.
Dù đang có nhiều lợi thế, nhưng lại rơi vào thế “tứ bề thọ địch”, có vẻ như niềm vui của KakaoBank sẽ chẳng dài lâu…