Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương sẽ làm thay đổi cục diện tài chính và thanh toán quốc tế?
Một số ngân hàng trung ương đang trong các giai đoạn khác nhau trong việc triển khai các loại tiền kỹ thuật số fiat. Ngoài các ứng dụng trong nước và bán lẻ, đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) cũng có thể được liên kết để tạo điều kiện thuận lợi cho thanh toán bán buôn và xuyên biên giới, có tiềm năng thay đổi cục diện tài chính và thanh toán quốc tế.
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) đang là thực tế. Ngân hàng Trung ương Bahamas đã tạo sự khác biệt khi tung ra CBDC đầu tiên trên thế giới, Sand Dollar, vào tháng 10/2020. Trung Quốc có lẽ là nước tiên phong nhất trong việc chuẩn bị cho ứng dụng bán lẻ của CBDC, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số.
Trong 5 tháng thử nghiệm, từ tháng 4-8/2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã gửi 1,6 triệu đô la (10 triệu Nhân dân tệ) vào 113.300 ví kỹ thuật số cá nhân và 8.859 ví kỹ thuật số công ty cho người dân và doanh nghiệp ở Thâm Quyến, Tô Châu và Hùng An. Các ví này đã xử lý tổng cộng 162 triệu đô la (1,1 tỷ Nhân dân tệ) thông qua 3,1 triệu giao dịch.
Ngoài ra, Ngân hàng trung ương nước này đã tặng 6,2 triệu đô la (40 triệu Nhân dân tệ) bao lì xì tiền kỹ thuật số trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 2/2021. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng có kế hoạch thử nghiệm đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số tại Thế vận hội Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 để các vận động viên và du khách nước ngoài có cơ hội sử dụng.
Ở châu Âu, đồng “e-krona” thử nghiệm của Thụy Điển dường như là có nhiều bước tiến nhất. Quốc gia này được cho là có mức sử dụng tiền mặt thấp nhất trên thế giới. Vào năm 2020, Thụy Điển ghi nhận tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt dưới 10%. Ngân hàng trung ương, Sveriges Riksbank, đã tiến hành một cuộc thử nghiệm với Accenture vào tháng 2/2020 trên nền tảng blockchain của R3’s Corda để phát triển một giải pháp kỹ thuật cho đồng e-krona có thể hoạt động như một sự bổ sung cho tiền mặt.
Trong khi các thử nghiệm và triển khai CBDC cho đến nay tập trung vào việc sử dụng trong nước và chủ yếu là bán lẻ, các đồng tiền này có tiềm năng nâng cao hiệu quả của thanh toán xuyên biên giới mà không cần đến đơn vị tài khoản toàn cầu.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) tin rằng có tiềm năng cho các thỏa thuận đa CBDC (mCBDC) để cải thiện sự tương tác của các CBDC xuyên biên giới. Những điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng tương tác giữa các CBDC quốc gia bằng cách cải thiện khả năng tương thích, liên kết hoặc tích hợp các hệ thống thanh toán quốc gia.
BIS hình dung rằng các thỏa thuận mCBDC có thể bắt đầu từ một phương tiện gọn gàng để giải quyết những tồn tại trong hệ thống ngân hàng đại lý hiện tại như sự khác biệt về giờ mở cửa của hệ thống thanh toán, các tiêu chuẩn giao tiếp khác nhau và sự thiếu minh bạch về tỷ giá hối đoái hoặc phí.
BIS phân loại các lựa chọn kỹ thuật là (i) nâng cao khả năng tương thích với các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định và sự tham gia chồng chéo; (ii) liên kết với nhau thông qua các giao diện kỹ thuật được chia sẻ hoặc bằng cách sử dụng cơ chế thanh toán bù trừ tập trung hoặc phi tập trung; (iii) tích hợp vào một hệ thống duy nhất - nhiều CBDC có thể được chạy trên một nền tảng duy nhất (cầu mCBDC).
Về vấn đề này, 4 ngân hàng trung ương Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã làm việc với Trung tâm Đổi mới BIS ở Hồng Kông về dự án Cầu mCBDC nhằm đánh giá tính khả thi của việc liên kết các CBDC để chuyển vốn xuyên biên giới, thanh toán thương mại quốc tế và các giao dịch thị trường vốn có thể mang lại lợi ích cho toàn bộ hệ sinh thái tài chính.
Trong một cuộc khảo sát với 46 ngân hàng trung ương, BIS nhận thấy tùy chọn liên kết các CBDC với nhau dường như đang thu hút được sự chú ý. Mặc dù phát hiện mới chỉ mang tính sơ bộ với đa số người được hỏi chưa quyết định, nhưng đã cho thấy có sự công nhận, ít nhất là trong số những người được quyết định, rằng tương lai của hệ thống tài chính toàn cầu phụ thuộc vào khả năng chuyển đổi và chuyển đổi liền mạch giữa các đồng tiền quốc gia và sự sẵn sàng khám phá những giải pháp mới để khắc phục những bất cập của cách tiếp cận hiện tại.