Kế hoạch đầu tư năm 2016 gắn với tái cơ cấu nền kinh tế

Anh Đức

(Taichinh) - Đó là một trong những nguyên tắc chung trong việc lập kế hoạch đầu tư phát triển năm 2016 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn.

 Kế hoạch đầu tư năm 2016 gắn với tái cơ cấu nền kinh tế. Nguồn: internet
Kế hoạch đầu tư năm 2016 gắn với tái cơ cấu nền kinh tế. Nguồn: internet

4 nguyên tắc chung

Ngày 11/6/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ra văn bản số 3686/BKHĐT-TH về việc lập kế hoạch đầu tư phát triển năm 2016. Kế hoạch được yêu cầu phải đảm bảo 4 nguyên tắc sau:

Thứ nhất, kế hoạch đầu tư phát triển năm 2016 phải nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu và các định hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành trong phạm vi cả nước, trong từng ngành, từng lĩnh vực và từng vùng, từng địa phương; phù hợp với dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 trình cấp có thẩm quyền. Gắn việc xây dựng Kế hoạch đầu tư năm 2016 với việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Thứ hai, xác định rõ mục tiêu ưu tiên trong kế hoạch đầu tư phát triển năm 2016 phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư năm 2016.

Thứ ba, việc xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển năm 2016 phải thực hiện theo các quy định của Luật Đầu tư công và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: số 23/CT-TTg ngày 05/8/2014 về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn; số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công; số 11/CT-TTg ngày 29/5/2015 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Thứ tư, kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2016 được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Ưu tiên bố trí vốn cho PPP

Đi vào chi tiết, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu xây dựng kế hoạch đầu tư năm 2016 phải trên cơ sở tiếp tục cơ cấu lại đầu tư từ NSNN theo hướng tập trung, khắc phục dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Việc phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước năm 2016 cho các dự án phải quán triệt các yêu cầu sau:

- Chỉ bố trí vốn cho các chương trình, dự án đã dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 trình cấp có thẩm quyền.

- Trong từng ngành, lĩnh vực, chương trình thực hiện theo đúng thứ tự ưu tiên tại Thông báo số 63/TB-VPCP, ngày 16/02/2015 của Văn phòng Chính phủ, cụ thể như sau:

+ Ưu tiên đầu tiên bố trí vốn hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

+ Ưu tiên thứ hai là bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, bao gồm các dự án chuyển tiếp và dự án sẽ thực hiện trong 5 năm tới. Riêng đối với danh mục các dự án ODA đưa vào cân đối NSNN, chỉ đưa vào danh mục chương trình, dự án và dự kiến khả năng giải ngân kế hoạch vốn ODA nguồn ngân sách nhà nước năm 2016 đối với các chương trình, dự án ký kết Hiệp định hoặc có cam kết với nhà tài trợ trong năm 2015 và dự kiến ký kết 6 tháng đầu năm 2016.

+ Ưu tiên thứ ba là thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn vốn đã ứng trước.

+ Ưu tiên thứ tư là bố trí vốn cho những công trình hoàn thành trước ngày 31/12/2015, nhưng còn thiếu vốn, các công trình chuyển tiếp của giai đoạn 2011-2015 chuyển sang giai đoạn 2016-2020.

+ Bố trí vốn cho các dự án khởi công mới có đủ thủ tục đầu tư và cân đối được nguồn vốn.

- Đối với dự án khởi công mới, chỉ bố trí vốn khởi công mới các dự án thật sự cấp bách đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Nằm trong quy hoạch đã được duyệt; Đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách; Có quyết định phê duyệt dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công tính đến ngày 31/10/2015; Đã bố trí vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/ 2015 của Thủ tướng Chính phủ; Không bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các dự án không thuộc nhiệm vụ chi đầu tư nguồn ngân sách nhà nước.

Bổ sung vốn cho dự án dở dang để không lãng phí

Đối với vốn trái phiếu, kế hoạch năm 2016 chỉ bố trí số vốn còn lại cho các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong giai đoạn 2012- 2015 và bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2014 - 2016. Trong đó phải bố trí đủ nguồn để thu hồi các khoản vốn trái phiếu Chính phủ đã ứng trước. Đồng thời, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung vốn cho các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ triển khai dở dang nhưng chưa được bố trí đủ vốn, bảo đảm thực hiện dự án đúng tiến độ, sớm đưa công trình vào sử dụng, nâng cao hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Đối với lập kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2016 các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Hướng dẫn yêu cầu lập kế hoạch theo đúng trình tự, quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó làm rõ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ nhà tài trợ, vốn viện trợ không hoàn lại, vốn đối ứng cho các chương trình, dự án và phù hợp với tính chất sử dụng vốn của dự án (vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp).

Các chương trình, dự án dự kiến giải ngân trong kế hoạch năm 2016 phải là các chương trình, dự án đã ký kết Hiệp định hoặc có cam kết với nhà tài trợ đến ngày 30/6/2015 và các chương trình, dự án dự kiến sẽ ký kết Hiệp định trong 6 tháng cuối năm 2015 và trong 6 tháng đầu năm 2016. Bố trí kế hoạch vốn ODA năm 2016 cho các dự án phù hợp với tiến độ giải ngân trong các hiệp định đã ký kết với nhà tài trợ và khả năng bố trí nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng, năng lực của chủ đầu tư quản lý chương trình, dự án ODA.

Theo kế hoạch, trước ngày 20/9/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tổng hợp kế hoạch đầu tư công năm 2016 trình Thủ tướng Chính phủ. Sau đó một tháng (trước ngày 20/10 2015), Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho các bộ, ngành trung ương và các địa phương dự kiến tổng mức kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016 theo ngành, lĩnh vực, chương trình; dự kiến kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 để phân bổ chi tiết cho các dự án cụ thể.

Trước ngày 30/11/2015, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định giao kế hoạch đầu tư phát triển nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ năm 2016.