Kế hoạch hành động hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại châu Âu
Châu Âu phụ thuộc vào nguồn tài nguyên nhập khẩu nhiều hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Khoảng 40% nguồn tài nguyên được sử dụng ở châu Âu được nhập khẩu từ bên ngoài châu Âu. Nền kinh tế tuần hoàn sẽ là giải pháp cho tình trạng phụ thuộc ngày càng nhiều vào nhập khẩu.
Theo Báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc giảm áp lực môi trường ở châu Âu và giảm thiểu sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhập khẩu đang trở thành yếu tố sống còn đối với châu Âu.
Vào tháng 12/2015, Ủy ban châu Âu đã công bố một kế hoạch hành động của Liên minh châu Âu (EU) đối với nền kinh tế tuần hoàn. Đây là một chiến lược mới nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở Liên minh châu Âu.
Hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn ở châu Âu sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh, tạo ra việc làm mới và hỗ trợ tăng trưởng bền vững. (Reichel và cộng sự 2016, dẫn theo Missa 2016). Theo chiến lược mới này, mục tiêu của gói kinh tế tuần hoàn nhằm: “Đảm bảo rằng khuôn khổ pháp lý phù hợp được áp dụng cho sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn trên thị trường đơn lẻ, và đưa ra các tín hiệu rõ ràng cho các nhà điều hành kinh tế và xã hội nói chung trên con đường tiến tới với các mục tiêu về chất thải dài hạn cũng như cụ thể, rộng rãi và một loạt các hành động đầy tham vọng, sẽ được thực hiện trước năm 2020” (Ủy ban châu Âu, 2015).
Nền kinh tế tuần hoàn ở châu Âu sẽ bao gồm các yếu tố về sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải, thị trường nguyên liệu thô “thứ cấp”, các biện pháp cụ thể về vật liệu, sự đổi mới và các chỉ số. Kế hoạch hành động thúc đẩy việc đóng vòng nguyên liệu và kiểm soát vòng đời của sản phẩm (Ủy ban châu Âu, 2015).
Các đề xuất về chất thải thiết lập một tầm nhìn dài hạn đầy tham vọng nhằm tăng cường tái chế và giảm chôn lấp, đồng thời đề xuất các biện pháp cải thiện quản lý chất thải và có tính đến các tình huống khác nhau giữa các quốc gia thành viên (Ủy ban châu Âu, 2015).
Kế hoạch hành động về nền kinh tế tuần hoàn bổ sung cho đề xuất này bằng cách đưa ra các biện pháp và sáng kiến giải quyết tất cả các giai đoạn trong vòng đời của một sản phẩm: từ sản xuất và tiêu thụ đến quản lý chất thải và thị trường nguyên liệu thô thứ cấp (Reichel và cộng sự 2016, 5., dẫn theo Missa 2016).
Kế hoạch hành động cũng bao gồm các hành động sẽ tập trung vào các rào cản thị trường đối với các ngành hoặc dòng nguyên liệu cụ thể, chẳng hạn như nhựa, chất thải thực phẩm, nguyên liệu thô quan trọng, xây dựng, sinh khối và các sản phẩm dựa trên sinh học, đổi mới và đầu tư (Ủy ban châu Âu, 2015).
Kế hoạch Hành động của Ủy ban châu Âu được đánh giá là rất quan trọng đối với ngành lâm nghiệp vì nó nêu bật việc sử dụng gỗ theo tầng được đề xuất. Sử dụng theo tầng được mô tả là “việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên bằng cách sử dụng các chất cặn bã và vật liệu tái chế để làm vật liệu nhằm mở rộng tổng lượng sinh khối sẵn có trong một hệ thống nhất định” (Vis và cộng sự 2016).
Ủy ban châu Âu cũng đã ban hành Chỉ thị Khung về chất thải, trong đó các quốc gia thành viên EU đã tăng chi phí chôn lấp để loại bỏ chất thải xây dựng và phá dỡ nhằm tăng tỷ lệ tái sử dụng và tái chế bê tông, gỗ và các vật liệu xây dựng khác. Chỉ thị khung về chất thải đã ban hành Hệ thống phân cấp về chất thải của EU theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho yếu tố “tuần hoàn”.