Việt Nam từng bước hoàn thiện khung pháp lý về phát triển nền kinh tế tuần hoàn

PV.

Phát triển bền vững nói chung và phát triển nền kinh tế tuần hoàn đã, đang được Đảng và Nhà nước quan tâm và đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp để thực hiện. Trong những năm qua, Việt Nam đã, đang từng bước hoàn thiện các chủ trương, chính sách, về phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế.

Mối quan hệ giữa phát triển nhanh và bền vững luôn gắn liền với nhau trong các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mối quan hệ giữa phát triển nhanh và bền vững luôn gắn liền với nhau trong các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các chủ trương, chính sách và quy định về kinh tế tuần hoàn từng bước được cụ thể hóa, trong đó Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là lần đầu tiên thuật ngữ này được định nghĩa chính thức và có các quy định cụ thể.

Tuy vậy, các chủ trương, chính sách và quy định pháp luật có liên quan đến kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI với việc yêu cầu phải có sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ môi trường.

Nghị quyết của Đảng tại các kỳ đại hội tiếp theo, từ Đại hội Đảng lần thứ VII đến Đại hội Đảng lần thứ X, phát triển bền vững là một trong những nội dung quan trọng, gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (2006), việc bảo vệ vừa sử dụng có hiệu quả tài nguyên quốc gia, cải thiện môi trường tự nhiên, sử dụng công nghệ sạch, thu gom, tái chế và xử lý chất thải trở thành yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mối quan hệ giữa phát triển nhanh và bền vững luôn gắn liền với nhau trong các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra định hướng “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường” (Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội). Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã nhấn mạnh: “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Để triển khai các mục tiêu của Chiến lược, trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã đưa ra nhiệm vụ về “xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.

Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 là văn bản pháp luật cao nhất đề cập đến kinh tế tuần hoàn như một giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Luật quy định: “Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội” như một biện pháp chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường (khoản 11, Điều 5).

Nhằm cụ thể hoá các quy định liên quan đến “giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải” quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã dành Chương V gồm 21 điều (từ Điều 56 đến Điều 76) quy định về quản lý chất thải. Theo quy định, “Sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn phải được quản lý để giảm khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường theo tiêu chí của kinh tế tuần hoàn quy định tại Điều 138 Nghị định này.” (khoản 1 Điều 56). Chất thải rắn phát sinh sẽ được giảm thiểu “thông qua việc áp dụng các giải pháp tăng hiệu quả sản xuất hoặc hiệu quả sử dụng sản phẩm.” (khoản 2 Điều 56).

Ở cấp độ chính sách cụ thể, từ năm 2004, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển bền vững, trong đó có các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ đối với phát triển kinh tế, KDTH. Ngày 17/8/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 153/2004/ QĐ-TTg về Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam). Mục tiêu của Định hướng Chiến lược là “...; phát triển phải kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà được ba mặt là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.”, trong đó mục tiêu của phát triển bền vững về môi trường là “khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và kiểm soát có hiệu quả ô nhiễm môi trường, bảo vệ tốt môi trường sống;...”.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, chương trình liên quan đến phát triển bền vững (Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07/9/2009 phê duyệt Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020; Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050...