Kinh nghiệm xây dựng chính sách đối với kinh tế tuần hoàn từ các nước châu Âu
Theo Báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố gần đây, tại châu Âu, cùng các doanh nghiệp, các chính phủ cho là đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự chuyển dịch từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn.
Thay đổi chính sách để đáp ứng yêu cầu thực tế
Báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam” cho biết, tại châu Âu, với bất kỳ thay đổi đáng kể nào về kinh tế sẽ dẫn đến sự thay đổi trong chính sách. Trong nhiều trường hợp, các biện pháp can thiệp chính sách là động lực cần thiết.
Báo cáo cũng dẫn chứng nghiên cứu của Lacy và Rutqvist (2015) nhận định, các quy định hiện hành đang mang lại cho mô hình tuyến tính một lợi thế không công bằng với việc làm cho mô hình tuyến tính trở nên hấp dẫn hơn về mặt tài chính đối với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vẫn có lợi thế khi mở rộng hoạt động của mình thông qua việc sử dụng thêm tài nguyên và điều này cần phải thay đổi thông qua sửa đổi các quy định để tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn và mô hình kinh doanh tuyến tính.
Các tác giả cũng cho rằng, để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, các chính sách cần chuyển việc đánh thuế từ đối tượng là lao động sang đánh thuế đối với sử dụng tài nguyên. Các quy định cũng cần đặt ra các mục tiêu tái chế cụ thể cho các ngành công nghiệp, để các công ty phải chịu trách nhiệm về sản phẩm họ sản xuất ra trong suốt vòng đời của chúng; triển khai thuế để sử dụng các nguồn tài nguyên tái sinh và tạo ra một cơ sở hạ tầng vật chất tạo điều kiện để các dòng tài nguyên được luân chuyển.
Trên thực tế, Chỉ thị 2008/98/EC của Nghị viện châu Âu và của Hội đồng Châu Âu ngày 19/11/2008 về chất thải và việc bãi bỏ một số chỉ thị đã giúp xác định đâu là sản phẩm, đâu là chất thải và khi nào chất thải không còn là chất thải mà trở thành một nguyên liệu thô thứ cấp (được gọi là các tiêu chí cuối cùng của chất thải). Việc áp dụng các định nghĩa này có tầm quan trọng rất lớn khi xem xét việc sử dụng bất kỳ vật liệu nào.
Theo Chỉ thị Khung về Chất thải, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã tăng phí chôn lấp để loại bỏ chất thải xây dựng và từ quá trình phá dỡ công trình nhằm tăng tỷ lệ tái sử dụng và tái chế bê tông, gỗ và các vật liệu xây dựng khác. Ngoài ra, các quy trình xây dựng đã được cải thiện để giảm thiểu lượng chất thải (Ủy ban châu Âu 2011, 89).
Tại Phần Lan, lệnh cấm chôn lấp chất thải hữu cơ (VNa 331/2013) có hiệu lực vào đầu năm 2016. Nó ngăn cản việc xử lý chất thải hữu cơ vào các bãi chôn lấp và do đó nhằm mục đích hướng các dòng chất thải vào tái chế và sản xuất năng lượng.
Hệ thống phân cấp về chất thải của EU trong Chỉ thị khung về chất thải đã được ban hành. Đầu tiên, ngăn ngừa, là phương án thuận lợi nhất và phương án cuối cùng, loại bỏ, là phương án ít thuận lợi nhất. Do đó, tham vọng trước tiên là nỗ lực ngăn chặn chất thải, sau đó là tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và biện pháp cuối cùng là xử lý (Lacy và Rutqvist 2015). Giai đoạn một đến giai đoạn ba giải quyết các khía cạnh liên quan đến sản phẩm trong khi giai đoạn bốn và năm liên quan đến chất thải.
Để đáp ứng các nguyên tắc phân tầng chất thải theo Hệ thống phân cấp về chất thải của Liên minh châu Âu (EU) trong Chỉ thị khung về chất thải, một loại thuế đối với đốt chất thải đã được đề xuất. Ủy ban châu Âu sẽ xuất bản một bản tin “Từ chất thải thành năng lượng” coi thuế đốt chất thải là một điều tốt (Pietikäinen 2016, dẫn theo Missa 2016). Bằng cách đánh thuế đối với đốt rác, khả năng cạnh tranh của tái chế có thể được thúc đẩy so với khai thác năng lượng.
Giám sát quá trình hướng đến nền kinh tế tuần hoàn
Liên minh châu Âu cũng đã đưa ra một hệ thống các chỉ số nhằm giám sát quá trình hướng đến nền kinh tế tuần hoàn của mình. Khung giám sát về nền kinh tế tuần hoàn do Ủy ban Châu Âu thiết lập bao gồm 10 chỉ số, một số các chỉ số này tiếp tục được phân chia thành các chỉ số phụ. Các chỉ số này được lựa chọn để nắm bắt được các yếu tố chính của nền kinh tế tuần hoàn. Danh sách các chỉ số này được xây dựng với phương châm ngắn gọn và có sự tập trung.
Việc xây dựng các chỉ số dựa trên việc sử dụng dữ liệu sẵn có đồng thời xác định các lĩnh vực mà ở đó các chỉ số mới đang trong quá trình xây dựng, đặc biệt là đối với khía cạnh mua sắm công xanh và chất thải thực phẩm. Khoảng một nửa số các chỉ số trong khung giám sát này đến từ Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat); một số chỉ số khác do Trung tâm Nghiên cứu chung (Joint Research Centre - JRC) và Cơ quan về Thị trường nội địa, Ngành, Kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ và vừa (Directorate-General for Internal Market, Industry, Entrepreneurship and SMEs - DG GROW) xây dựng.
Cụ thể 10 chỉ số trong Khung giám sát về kinh tế tuần hoàn của Liên minh châu Âu bao gồm: (1) EU tự túc về nguyên liệu thô. Tỷ trọng một số nguyên liệu chủ yếu (bao gồm một số nguyên liệu thô quan trọng) sử dụng tại châu Âu được sản xuất tại châu Âu; (2) Mua sắm công xanh. Tỷ trọng mua sắm công chủ yếu tại châu Âu phải đi kèm với các điều kiện về môi trường; (3) Lượng chất thải tạo ra. Gồm lượng chất thải đô thị được tạo ra theo đầu người; tổng lượng chất thải tạo ra (không bao gồm chất thải từ khai khoáng) trên một đơn vị GDP và trong tương quan với tiêu thụ nguyên liệu trong nước; (4) Lượng chất thải từ thức ăn; (5) Tỷ lệ tái chế. Tỷ lệ tái chế rác thải đô thị và tổng toàn bộ rác thải ngoại trừ chất thải từ khai khoáng; (6) Tỷ lệ tái chế đối với một số dòng chất thải cụ thể. Tỷ lệ tái chế chung đối với rác thải từ bao bì đóng gói, bao bì nhựa, thùng gỗ, rác từ thiết bị điện và điện tử, rác sinh học được tái chế theo đầu người và tỷ lệ thu hồi vật liệu xây dựng và công trình bị phá dỡ; (7) Đóng góp của nguyên vật liệu được tái chế trong nhu cầu vật liệu khai thác mới. Tỷ lệ nguyên vật liệu thô thứ cấp trong tổng nhu cầu về nguyên vật liệu - đối với một số nguyên vật liệu cụ thể và đối với toàn bộ nền kinh tế; (8) Thương mại đối với nguyên vật liệu thô có khả năng tái chế. Xuất nhập khẩu đối với một số loại nguyên vật liệu có khả năng tái chế nhất định; (9) Đầu tư tư nhân, số việc làm được tạo ra và tổng giá trị gia tăng trong các khu vực của kinh tế tuần hoàn và (10) Số lượng các sáng kiến liên quan đến quản lý và tái chế rác thải.
Mười chỉ số này được tính toán dựa trên cơ sở dữ liệu được chia theo 4 nhóm là: (i) Sản xuất và tiêu dùng (tự túc về nguyên liệu thô; mua sắm công xanh; lượng chất thải tạo ra và lượng chất thải từ thức ăn); (ii) Quản lý chất thải (tỷ lệ tái chế và tỷ lệ tái chế đối với một số dòng chất thải cụ thể); (iii) Nguyên liệu thô thứ cấp (đóng góp của nguyên vật liệu được tái chế trong nhu cầu vật liệu khai thác mới và thương mại đối với nguyên vật liệu thô có khả năng tái chế) và năng lực cạnh tranh và đổi mới (đầu tư tư nhân, số việc làm được tạo ra và tổng giá trị gia tăng trong các khu vực của kinh tế tuần hoàn và số lượng các sáng kiến liên quan đến quản lý và tái chế rác thải).
Ủy ban châu Âu cũng đang có ý định để định hình chính sách sử dụng bền vững sinh khối cho các mục đích năng lượng như một phần của việc sửa đổi Chỉ thị Năng lượng Tái tạo.