Kế hoạch hồi sinh nền kinh tế Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã có những động thái nhằm thực hiện lời hứa tranh cử về việc hồi sinh nền kinh tế, như giảm bớt các quy định gây phiền hà cho giới tài chính, ngân hàng và hướng tới cải cách thuế nhằm giảm bớt gánh nặng cho tầng lớp trung lưu và doanh nghiệp.
Bước đi dọn đường
Ngày 21/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ đã ký các sắc lệnh hành pháp, yêu cầu Bộ Tài chính xem xét lại các quy định tài chính do chính quyền Obama ban hành, nhằm hồi sinh nền kinh tế và mang việc làm về cho nước Mỹ.
Một trong số các sắc lệnh này yêu cầu Bộ Tài chính trong vòng 6 tháng xem xét lại một số nội dung cốt lõi trong Đạo luật Dodd-Frank, bao gồm điều khoản về tăng cường giám sát các tập đoàn tài chính của Mỹ thuộc diện “quá lớn để phá sản”.
Đạo luật Dodd-Frank được Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama ban hành năm 2010, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp Mỹ có các hoạt động rủi ro trên thị trường tài chính, theo cách mà ngân hàng đầu tư bị phá sản Lehman Brothers đã làm.
Theo ông Trump, Đạo luật Dodd-Frank là “thảm họa” vì gây phiền hà cho các ngân hàng và cản trở doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Sắc lệnh khác của Tổng thống yêu cầu Bộ Tài chính ngừng sử dụng quyền thanh khoản có trật tự để bảo lãnh các tổ chức tài chính không có khả năng chi trả.
Thay vào đó, ông Trump muốn xem xét khả năng áp dụng luật phá sản nhằm ngăn các ngân hàng thất bại. Sắc lệnh còn lại của Tổng thống yêu cầu Bộ Tài chính xem xét đơn giản hóa các quy định về thuế của Mỹ.
Bên cạnh các sắc lệnh hành pháp, Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ công bố kế hoạch cắt giảm thuế trong tuần này. Theo ông, đây sẽ là kế hoạch cắt giảm thuế lớn nhất từ trước đến nay. Mặc dù không cho biết chi tiết các biện pháp sắp được công bố, nhưng kể từ khi nhậm chức, ông chủ Nhà trắng đã nhiều lần đề cập tới ý định thực thi các biện pháp cắt giảm mạnh thuế cá nhân và thuế doanh nghiệp.
Ông Trump và đảng Cộng hòa trong Quốc hội xem cải cách thuế là cách tốt nhất để ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp Mỹ chuyển trụ sở, cơ sở sản xuất và việc làm ra nước ngoài, do Mỹ áp mức thuế doanh nghiệp cao nhất thế giới.
Đây là những bước đi cụ thể đầu tiên nhằm hiện thực hóa lời hứa tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống 2016, ông Trump đã công bố kế hoạch nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ bao gồm chính sách cắt giảm thuế nhằm thúc đẩy tăng trưởng, khung khổ pháp lý mới, chính sách thương mại theo chủ trường “nước Mỹ trên hết”, kế hoạch giải phóng ngành năng lượng Mỹ… Ông Trump lên nắm quyền và kế thừa nền kinh tế Mỹ với tỷ lệ thất nghiệp thấp và tăng trưởng GDP ở mức 1,6%.
Nhà lãnh đạo này cam kết đưa kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại mức 3%/năm hoặc hơn, mục tiêu mà nhiều nhà kinh tế cho rằng không thực tế, trừ phi tăng năng suất và tăng quy mô lực lượng lao động.
Vẫn khó đoán định
Mặc dù nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của giới tài chính, các động thái “cởi trói” cho tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp của ông Trump khiến một số người hoài nghi cam kết của Tổng thống trong việc ưu tiên tầng lớp lao động hơn các ông chủ ngân hàng ở phố Wall.
Theo Giám đốc điều hành của tổ chức vận động cải cách tài chính Americans for Financial Reform Lisa Donner, các sắc lệnh mới đây của Tổng thống sẽ chỉ có lợi cho giới ngân hàng, vốn hay phàn nàn vì bị cản trở thực hiện các thương vụ quốc tế. Các nghị sĩ đảng Dân chủ cảnh báo, việc đảo ngược Đạo luật Dodd-Frank sẽ đẩy người dân thuộc tầng lớp trung lưu Mỹ vào hoàn cảnh rủi ro hơn.
Giáo sư luật thuộc Đại học New York David Kamin cho rằng, việc nới lỏng giám sát các tập đoàn tài chính sẽ tạo ra lỗ hổng trong hệ thống thuế, khiến các tập đoàn lợi dụng tình trạng này và gây thiệt hại cho đất nước. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Ohio Sherrod Brown chỉ trích, Tổng thống Trump đang dỡ bỏ nhưng biện pháp bảo vệ nền kinh tế, khuyến khích các hành vi mạo hiểm của các ngân hàng và buộc những người đóng thuế ở Mỹ có nguy cơ phải gánh chịu hậu quả thay.
Sau thất bại trong việc thuyết phục Quốc hội thông qua dự luật nhằm bãi bỏ chính sách Obamacare, kế hoạch cắt giảm thuế của ông Trump được dự đoán sẽ vấp phải thách thức không kém. Theo kế hoạch cắt giảm thuế được ông Trump đề ra trong chiến dịch tranh cử, mỗi nhóm đối tượng có thu nhập đều sẽ được cắt giảm thuế, trong đó, những người có thu nhập thấp và tầng lớp lao động sẽ không phải trả một đồng nào cho thuế thu nhập cá nhân. Kế hoạch này cũng nhằm giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 15%.
Thêm vào đó, Mỹ còn áp 10% thuế hồi hương tài sản, mang về hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế nước này từ các khoản đầu tư của doanh nghiệp Mỹ ra nước ngoài. Tuy nhiên, kế hoạch cắt giảm thuế của ông Trump không bao gồm chính sách thuế điều chỉnh đường biên giới (BAT) - sáng kiến do Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đề xuất, nhằm tạo ra nguồn thu trị giá hơn 1.000 tỷ USD trong hơn một thập kỷ, để “bù đắp” cho các biện pháp cắt giảm thuế cá nhân và doanh nghiệp.
Theo nhà kinh tế học Douglas Holtz-Eakin, Chủ tịch nhóm vận động American Action Forum ở Washington, việc loại BAT khỏi kế hoạch cải cách thuế cho thấy các đề xuất mới của Tổng thống Trump không đáp ứng tiêu chí tăng hay giảm thuế không làm ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách. Trong khi đó, đây lại là tiêu chí rất quan trọng với Quốc hội. Hiện, phe Cộng hòa kiểm soát 52 trong tổng số 100 ghế trong Thượng viện.
Thông thường, một dự luật cần nhận được ít nhất 60 phiếu ủng hộ nhằm tránh nguy cơ bị cản trợ bởi những người phản đối. Một số phe của các nhà lập pháp và các ngành công nghiệp đang vận động hành lang để bỏ BAT, trong khi những người khác lại ủng hộ. Vì vậy, kế hoạch này có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực cải cách thuế trong Quốc hội.