Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021 - 2025: Làm rõ chiến lược phát triển hạ tầng

Theo Nhật An/daibieunhandan.vn

Cho ý kiến về dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 tại phiên họp sáng qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đề xuất; đồng thời đề nghị, cần làm rõ hơn hướng đi của chiến lược xây dựng hạ tầng trong 5 năm tới để từ đó xác định trọng tâm của chiến lược này, đi kèm với đó là định hướng cơ chế đầu tư phù hợp cho từng loại hạ tầng.

Tập trung thực hiện “mục tiêu kép”

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 như đề xuất của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; đánh giá các cơ quan đã chuẩn bị công phu, chất lượng tốt, sắc sảo, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV, Kết luận Hội nghị Trung ương 3 Khóa XIII vừa qua và sát với tình hình thực tế. Đây là kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội.

Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội vào cuộc từ sớm, từ xa. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi báo cáo sang các cơ quan của Quốc hội thẩm tra từ rất sớm. Các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đã rất chủ động, làm đi làm lại nhiều lần. Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã tiếp thu tối đa ý kiến Đảng đoàn Quốc hội trong quá trình chuẩn bị các báo cáo. Do đó, khi trình Ban Chấp hành Trung ương, dự thảo kế hoạch cũng đã nhận được sự đồng thuận của các Ủy viên Trung ương. 

Quan tâm đến việc thực hiện "mục tiêu kép”, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, tổ chức tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19 cho đa số người dân và sớm đạt được miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022 là quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, dự báo cho thấy, đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài. “Như vậy, chúng ta phải ở trong trạng thái thường xuyên miễn dịch cộng đồng, tức là không chỉ dừng lại ở năm 2022 mà trạng thái miễn dịch này phải duy trì cho cả các năm tiếp theo”. 

Nêu vấn đề này, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết, hiện nay cũng chưa có dữ liệu khẳng định là vaccine có thể có hiệu lực trong thời gian bao lâu, ngay cả các hãng dược phẩm sản xuất vaccine cũng chỉ có thể nói thời gian phát huy tác dụng của vaccine từ 6 - 8 tháng, có thể lâu hơn. Cho nên, tổ chức tiêm vaccine đại trà cũng cần phải tính đến việc sẽ phải tiến hành liên tục. Lưu ý vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu lộ trình coi vaccine phòng Covid-19 là thuốc thiết yếu, tiến tới đưa vaccine Covid-19 vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và có nguồn tài chính ổn định cho hoạt động này trong công tác phòng, chống Covid-19 thời gian tới.

Dư địa phát triển hạ tầng giao thông đường thủy và hàng hải 

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh ba đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ đại hội, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, tốc độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng có phần chững lại so với giai đoạn 2011 - 2015, việc triển khai, thực hiện nhiều dự án, đặc biệt là các công trình quan trọng quốc gia còn chậm làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Việc hoàn thành 2.000km đường bộ cao tốc chậm khoảng 2 năm so với mục tiêu đề ra. Đầu tư mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đường bộ, chưa kết nối và quan tâm đúng mức đến đường sắt, đường thủy, thiếu các cảng biển, cảng đường sông hiện đại để phát triển kinh tế và du lịch. Tình trạng ùn tắc giao thông tại đô thị lớn và cửa ngõ vào thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn rất căng thẳng. Hạ tầng giao thông phát triển còn chưa đồng đều; các tỉnh miền núi và vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công - tư còn hạn chế, bất cập.

Trong số các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội 5 năm tới, Chính phủ cũng đã đề xuất đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển đô thị, với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng số, hạ tầng năng lượng, hạ tầng đô thị...

Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, hiện nay, đầu tư cho lĩnh vực giao thông đường thủy, trong đó có nội thủy và hàng hải rất hạn chế trong khi lại tập trung quá nhiều cho giao thông đường bộ. Ông trích dẫn số liệu: Giai đoạn 2011 - 2015, đầu tư đường bộ chiếm 70% trong giá trị đầu tư; đường sắt 15%, hàng không 7,6% và hàng hải và cả đường thủy nội địa mới 6,8%, trong đó là hàng hải là 4,6% và thủy nội địa là 2,2%. Nước ta có lợi thế bờ biển dài hơn 3.200km, lại nằm trên tuyến hàng hải rất quan trọng, hạ tầng giao thông đường thủy và hàng hải là lĩnh vực có dư địa để phát triển nhưng ít được quan tâm.

Chủ nhiệm Bùi Văn Cường cũng cho rằng, nếu có các tàu cao tốc đường sông thì có thể đi từ Sài Gòn về các tỉnh miền Tây; hay trong vận tải Bắc - Nam hoặc các tuyến vận tải từ tỉnh này sang tỉnh kia thì hiện nay không có một tàu biển vận chuyển hành khách nào, hàng hóa cũng ít… "Chúng ta đang bỏ ngỏ một lĩnh vực rất quan trọng đối với vận tải".

Nhấn mạnh điều này, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, cần bổ sung nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông đường thủy, trong đó có hàng hải và đường thủy nội địa vào các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hạ tầng về giao thông trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm tới. Cùng với đó, cần quan tâm đến phát triển đồng bộ các hệ thống cảng, cảng biển, cảng sông, đặc biệt là các tuyến đường kết nối với các cảng này; thúc đẩy phát triển đội tàu, trong đó có tàu vận tải hành khách, tàu vận tải hàng hóa, quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực cho vận tải biển, đặc biệt cần đẩy mạnh truyền thông về vận tải đường thủy, vận tải biển.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần làm rõ hơn hướng đi của chiến lược xây dựng hạ tầng trong 5 năm tới để từ đó xác định trọng tâm của chiến lược này, đi kèm với đó là định hướng cơ chế đầu tư phù hợp cho từng loại hạ tầng. Với những hạ tầng mà tư nhân không đầu tư thì Nhà nước phải đầu tư, những loại hạ tầng có thể huy động đầu tư xã hội thì cần có cơ chế thúc đẩy đầu tư xã hội, hợp tác công - tư...

Trưởng ban Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng, chiến lược phát triển hạ tầng trong 5 năm tới cần tập trung vào các loại hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Trong hạ tầng kỹ thuật có nội dung rất trọng tâm cần được quan tâm là hạ tầng về khoa học, công nghệ và hạ tầng về công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.