Tình hình kinh tế xã hội trong nước tháng 01/2019
Do vào thời điểm giáp Tết Nguyên Đán nên các hoạt động bán buôn, bán lẻ; dịch vụ lưu trú, ăn uống sôi động do xu hướng gia tăng mua sắm và du lịch. Khu vực dịch vụ tăng trưởng ổn định.
Tăng trưởng kinh tế tiếp tục có dấu hiệu tích cực trên cả ba khu vực
Khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển tốt. Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa đông xuân và gieo trồng cây hoa màu trên cả nước. Trong tháng, chăn nuôi trâu, bò không thuận lợi do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại; chăn nuôi lợn và gia cầm nhìn chung phát triển ổn định, bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Ước tính tháng Một, đàn trâu cả nước giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò tăng 2,8%; đàn lợn tăng 3,1%; đàn gia cầm tăng 6,3%.
Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng và chuẩn bị cho Tết trồng cây xuân Kỷ Hợi. Trong tháng một, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 6,3 nghìn ha, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 720 nghìn cây, giảm 4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 871 nghìn m3, xấp xỉ cùng kỳ năm trước do tại các tỉnh phía Bắc thời tiết mưa phùn, khí hậu ẩm ướt không thuận lợi cho việc khai thác gỗ. Sản lượng củi khai thác trong tháng đạt 1,5 triệu ste, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trong tháng một tương đối sôi nổi. Sản lượng thủy sản tháng Một ước tính đạt 498 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 379,4 nghìn tấn, tăng 4,9%; tôm đạt 43,8 nghìn tấn, tăng 1,4%; thủy sản khác đạt 74,8 nghìn tấn, tăng 3%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 232,2 nghìn tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản khai thác tháng Một ước tính đạt 265,8 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 212 nghìn tấn, tăng 5,5%
Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá, nhờ động lực từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo. So với cùng kỳ năm 2018, IIP tháng 1/2019 ước tính tăng 7,9%; trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 10,1%, đóng góp 8 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,8%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,7%, làm giảm 1 điểm phần trăm mức tăng chung.
Lạm phát tăng nhẹ
So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng của tháng 01 năm 2019 giữ xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước. Ngay từ đầu năm mới giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm nhẹ và sau đó giữ nguyên mức giá dù giá xăng thế giới tăng cao.
Tuy nhiên, theo quy luật hàng năm mặt bằng giá cả thị trường chịu tác động bởi nhu cầu mua sắm hàng hóa chuẩn bị phục vụ sản xuất, chế biến cho tết Nguyên Đán sắp tới. Chỉ số giá tiêu dùng tháng này đã tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 2,56% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư công được đẩy nhanh tốc độ thực hiện và giải ngân ngay từ những tháng đầu năm, đồng thời công tác quản lý, giám sát cũng được tăng cường
Trong tháng 01, hoạt đồng đầu tư chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước, hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành của năm 2018. Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 1 ước tính đạt 18,031 nghìn tỷ đồng, bằng 5,56% kế hoạch năm và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành những chính sách định hướng về những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 nói chung và lĩnh vực đầu tư nói riêng. Theo đó, các bộ, ngành, và địa phương khẩn trương triển khai giao vốn đầu tư cho các dự án được phê duyệt kế hoạch vốn năm 2019 theo Quyết định số 1897/QĐ-TTg ngày 31/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, năm 2019, tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư, đặc biệt là đầu tư công và tăng cường các biện pháp để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Tiêu dùng tăng khá
Tháng 01 là tháng chuẩn bị Tết nguyên đán nên người dân đẩy mạnh mua sắm trong tháng này. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động trong việc đẩy mạnh các hoạt động khai thác nguồn hàng, các hoạt động tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các siêu thị bán lẻ lớn. Theo đó, sức mua của người dân tăng nhanh.
Ước doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 402,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (đã loại trừ yếu tố giá), đây là mức tăng khá so với mức tăng 8,4% cùng kỳ của năm 2018 . Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 305,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 49,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5%. Dịch vụ du lịch ước đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, ước tăng 7,9% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 43 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu giảm so với cùng kỳ, nhập siêu trở lại
Trong tháng 1/2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 40,4 tỷ USD, tăng 0,54 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,72 tỷ USD so với tháng 12/2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá đạt tương ứng là 20 tỷ USD và 20,8 tỷ USD. Như vậy, tính trong tháng 1, cán cân thương mại hàng hoá nhập nhập siêu khoảng 0,8 tỷ USD.
Đối với xuất khẩu hàng hóa: Trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước và giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,42 tỷ USD (chiếm hơn 32%), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,58 tỷ USD (chiếm gần 68%).
Trong tháng 1/2019, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với tháng trước là: hoá chất tăng 33,4%; rau quả tăng 30,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 21,8%; dầu thô tăng 19,3%... Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng tăng trưởng tốt, nhiều mặt hàng lại chịu sự sụt giảm kim ngạch như điện thoại và linh kiện giảm 0,9%; hàng dệt may giảm 4,3%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 4,6%.
Về thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam với kim ngạch đạt 4 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với hàng hóa nhập khẩu: Trong tháng 1/2019, Việt Nam ước nhập khoảng 20,8 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 12/2018 và 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,05 tỷ USD, tăng 3,1% so với tháng trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,75 tỷ USD, tăng 0,7%. Trong tháng 1/2019, các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với tháng trước là: bông tăng 24,4%; than đá tăng 24,2%; thuỷ sản tăng 16,3%; kim loại thường tăng 8,5%; sản phẩm chất dẻo tăng 5,8%, nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng 5,3%.
Về thị trường nhập khẩu, thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2019 là Trung Quốc với kim ngạch ước tính đạt 6,1 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018.
Thu ngân sách có xu hướng tích cực
Tình hình thu ngân sách 15 ngày đầu tháng 01 năm 2019 vẫn được duy trì theo xu hướng tích cực. Cụ thể, tính đến 15/01/2018, tổng thu ngân sách ước đạt khoảng 2,2% so với dự toán thu ngân sách cả năm, cao hơn so với mức 1,5% của cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các khoản thu như thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ cân đối xuất nhập khẩu cũng ước đạt tương ứng là 1,4%, 3,4% và 7% dự toán của cả năm. Trong thu nội đia, thu từ Doanh nghiệp Nhà nước và Doanh nghiệp FDI tương ứng đạt 0,3% và 0,5% so với dự toán cả năm.
Chi ngân sách đạt khoảng 2,7% dự toán cả năm, trong đó, chi đầu tư phát triển và chi phát triển sự nghiệp kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể và chi trả nợ lãi tương ứng khoảng 0,7% và 3,2% và 7,7% dự toán năm.
Lãi suất bắt đầu xu hướng tăng nhẹ, tỷ giá ít biến động
Lãi suất có xu hướng tăng, một phần do nhu cầu giao dịch tăng cao, một phần do áp lực tăng lãi suất gia tăng từ cuối năm 2018. Tuy nhiên, trong 3 tuần đầu tháng 01 vừa qua, NHNN với việc bơm ròng tiền ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở (tuần 1/tháng 1 bơm ròng khoản g 17.2013 tỷ đồng, tuần 2/tháng 01 bơm ròng khoảng 4.962 tỷ đồng) cùng với xu hướng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần nên nhìn chung trong tháng 1/2019 lãi suất trên thị trường không biến động mạnh.
Về tỷ giá, mặc dù là tháng giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu ngoại tệ tăng cao nhưng tỷ giá USD/VND tháng 01/2019 là tương đối ổn định. Tỷ giá trung tâm hiện được niêm yết ở mức 22.879 VND/1USD, chỉ tăng 0,23% so với thời điểm 31/12/2018. Tỷ giá trên thị trường hiện giao dịch ở mức khoảng 23.189 VND/1USD, giảm nhẹ so với mức 23.220 VND/USD hồi đầu tháng 01/2019.
Có được kết quả này là do tỷ giá đã được hỗ trợ mạnh bởi các yếu tố nền tảng của năm 2018 vừa qua: thặng dư cán cân thương mại lớn, giải ngân FDI đạt khá, kiều hối và đầu tư gián tiếp ở mức cao.
Dự báo tình hình kinh tế xã hội trong thời gian tới
Dự báo tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực do nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng như tiếp tục thực hiện cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư. Thị trường lao động ngày càng trở nên năng động hơn, người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn công việc khi Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác có hiệu lực. Một số doanh nghiệp nước ngoài có thể chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam để tránh ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức ảnh hưởng tới tăng trưởng, hoạt động thương mại và đầu tư. Nhìn từ bên ngoài, Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do những bất ổn địa chính trị. Xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch có thể làm xuất khẩu và thu hút vốn FDI của Việt Nam chậm lại, và gián tiếp tác động tới tăng trưởng việc làm mới. Giá dầu và giá các mặt hàng phi nhiên liệu thế giới được dự báo tăng nhẹ trong năm 2019.
Xét các yếu tố nội tại nền kinh tế, tình hình thu ngân sách 15 ngày đầu tháng 1 năm 2019 vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt đối với các khoản thu từ DNNN và DN FDI. Những khó khăn nội tại của nền kinh tế, trong đó những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp trong nước vẫn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thu ngân sách năm 2019.
Doanh nghiệp ngừng hoạt động có thể tăng cao do sức ép cạnh tranh từ việc mở cửa thị trường và điều kiện ngặt nghèo về lao động, về xuất xứ nguyên liệu trong khuôn khổ CPTPP, sẽ làm giảm bớt nhu cầu việc làm. Thêm vào đó nhiều rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa được gỡ bỏ. Ví dụ như “chi phí không chính thức”, “tính năng động của chính quyền”, “tiếp cận đất đai” và “cạnh tranh bình đẳng”. Trong khi đó, tái cơ cấu kinh tế còn chậm, nền tảng kinh tế vĩ mô và một số cân đối lớn chưa vững chắc, nợ công cao, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn.