Kế toán đối với đơn vị hoạt động xã hội, từ thiện không có tổ chức kế toán riêng

Đinh Thị Thùy Liên

Bài viết này trao đổi về công tác kế toán đối với đơn vị hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức kế toán riêng.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Hiện nay, Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện, hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố hoặc người dân mắc bệnh hiểm nghèo nhằm sớm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Để tạo thuận lợi cho hoạt động này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 41/2022/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện. Bài viết này trao đổi về công tác kế toán đối với đơn vị hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức kế toán riêng.

Đặt vấn đề

Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để điều chỉnh hoạt động xã hội, từ thiện. Đáng chú ý là Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ và sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo...

Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho hoạt động này, ngày 05/7/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 41/2022/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện, trong đó quy định rõ về 3 nội dung quan trọng liên quan đến công tác kế toán của các đối tượng gồm: Tổ chức, cơ quan, đơn vị có tổ chức kế toán riêng cho các hoạt động xã hội, từ thiện; Tổ chức, cơ quan, đơn vị không tổ chức kế toán riêng cho các hoạt động xã hội, từ thiện; và cá nhân có các hoạt động xã hội, từ thiện.

Bài viết này, đề cập đến công tác kế toán đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị không tổ chức kế toán riêng cho các hoạt động xã hội, từ thiện bởi việc không tổ chức kế toán riêng cũng sẽ có những đặc thù nhất định với yêu cầu cao nhất đặt ra là phải công khai, minh bạch liên quan đến hoạt động từ thiện, xã hội.

Kế toán đối với tổ chức, đơn vị không có tổ chức kế toán riêng cho hoạt động xã hội, từ thiện

Nguyên tắc chung

Theo Điều 4, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ, việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cần đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công bằng, công khai, đúng mục đích, đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Theo khoản 1, Điều 3, Thông tư số 41/2022/TT-BTC, tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có các hoạt động liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện đều phải mở sổ để ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo và minh bạch thông tin theo quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan.

Về mở sổ kế toán

Theo khoản 1, Điều 8, Thông tư số 41/2022/TT-BTC, tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện không tổ chức kế toán riêng được hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị theo chế độ kế toán hiện hành mà đơn vị đang áp dụng; Đồng thời phải mở sổ chi tiết theo dõi riêng các khoản thu, chi cho các hoạt động này, gồm: các khoản đã tiếp nhận, các khoản đã phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho mục đích xã hội, từ thiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo minh bạch, rõ ràng.

Về lập báo cáo

Hàng năm hoặc kết thúc đợt vận động đơn vị phải lập báo cáo thu, chi đối với hoạt động xã hội, từ thiện. Để thuận tiện cho các tổ chức, đơn vị không có tổ chức kế toán riêng cho hoạt động xã hội, từ thiện, tại Phụ lục số 02 kèm theo Thông tư số 41/2022/TT-BTC (Bảng 1), Bộ Tài chính đã xây dựng mẫu thống nhất để dễ dàng thực hiện.

Về công khai số liệu

Đơn vị phải thực hiện công khai số liệu có liên quan đến đợt vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện theo quy định của Luật Kế toán; Nghị định số 93/2021/NĐ-CP và các văn bản có liên quan (nếu có).

Một số lưu ý

Việc thực hiện kế toán đối với tổ chức, đơn vị không tổ chức kế toán riêng cho hoạt động xã hội, từ thiện cần lưu ý một số vấn đề sau:

Về ghi ghép đối với khoản tiếp nhận tài trợ bằng tiền và khoản tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật

Thông tư số 41/2022/TT-BTC quy định rõ đối với khoản tiếp nhận tài trợ bằng tiền và khoản tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật. Cụ thể:

Thứ nhất, đối với khoản tiếp nhận tài trợ bằng tiền

Đơn vị phải ghi chép theo dõi đầy đủ các khoản đã tiếp nhận theo thời gian đóng góp thực tế, chi tiết theo nhà tài trợ. Đơn vị phải mở riêng tài khoản tại ngân hàng hoặc kho bạc để tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, không được sử dụng chung tài khoản với các hoạt động khác của đơn vị. Trường hợp xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng, khôi phục công trình từ nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.

Đối với việc phân phối và sử dụng nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện phải ghi chép đầy đủ các thông tin trên sổ kế toán, bao gồm: Thời gian chi, quyết định chi, nội dung chi, tên và địa chỉ người nhận tài trợ. Ngoài ra:

- Đối với trường hợp chi tiền mặt để tài trợ trực tiếp cho đối tượng nhận tài trợ thì bảng kê, chứng từ làm căn cứ ghi chi phải có chữ ký của người nhận, xác nhận của đơn vị có trách nhiệm tại địa phương.

- Đối với trường hợp chi tiền để mua hàng hóa, hiện vật mang đi tài trợ hoặc mua sắm vật tư,... chi trả cho việc xây dựng, sửa chữa công trình phải có đầy đủ các hóa đơn, chứng từ mua bán hợp lệ, hợp pháp theo quy định. Khi tài trợ hàng hóa, hiện vật trực tiếp cho đối tượng nhận tài trợ thì phải lập bảng kê có chữ ký của người nhận, xác nhận của đơn vị có trách nhiệm tại địa phương.

Thứ hai, đối với khoản tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật.

Đơn vị chịu trách nhiệm bảo quản an toàn, phân phối kịp thời số hiện vật đến các địa chỉ nhận hỗ trợ. Hạch toán ghi chép đầy đủ số hiện vật nhận tài trợ; và việc phân phối số hiện vật này trên cơ sở bảng kê, chứng từ có chữ ký của người nhận, xác nhận của đơn vị có trách nhiệm tại địa phương theo quy định của pháp luật. Trường hợp không xác định được giá trị thì mở sổ kế toán chi tiết theo dõi riêng để lập báo cáo.

Về mẫu Báo cáo quyết toán thu, chi nguồn tài trợ bằng tiền

Bảng 1: Mẫu báo cáo quyết toán thu, chi nguồn tài trợ bằng tiền

BÁO CÁO QUYẾT TOÁN THU, CHI NGUỒN TÀI TRỢ BẰNG TIỀN

Đợt vận động: ………………………

Từ ngày .... tháng ... năm ... đến ngày ... tháng ...năm ...

Đơn vị tính: Đồng VN

STT

Chỉ tiêu báo cáo

Tổng số

Ghi chú

A

B

1

C

1

Tổng số tiền thu được

   

1.1

Nhận tài trợ bằng tiền

   
 

- Tiền Việt Nam

   
 

- Ngoại tệ

   

1.2

Thu khác

   

2

Tổng số tiền đã chi để mua hiện vật mang đi hỗ trợ (chi tiết từng loại hiện vật)

   
 

……………………..

   
 

……………………….

   

3

Tổng số đã tài trợ bằng tiền cho các địa chỉ
xã hội, từ thiện

   
 

…………………………………………

   
 

………………………………………….

   

4

Số chênh lệch thu, chi tại thời điểm kết thúc đợt vận động

   
 

- Tiền Việt Nam

   
 

- Ngoại tệ

   

5

Xử lý số dư còn lại

   
 

- Nộp NSTW

   
 

- Xử lý khác

   

Nguồn: Thông tư số 41/2022/TT-BT

Để thực hiện việc xây dựng Báo cáo quyết toán thu, chi nguồn tài trợ bằng tiền đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị không tổ chức kế toán riêng cho các hoạt động xã hội, từ thiện (Mẫu số B05/XH-TT), theo quy định tại Thông tư số 41/2022/TT-BTC, cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Đối với Chỉ tiêu cột: Cột A, B - Số thứ tự và tên các chỉ tiêu báo cáo; Cột 1 - Số liệu trong đợt vận động, bao gồm: tổng số tiền thu được; tổng số tiền đã chi để mua hiện vật mang đi hỗ trợ; tổng số đã tài trợ bằng tiền cho các địa chỉ xã hội, từ thiện; số chênh lệch thu, chi tại thời điểm kết thúc đợt vận động và xử lý số dư còn lại.

- Đối với Chỉ tiêu dòng: Tổng số tiền thu được là tổng số tiền nhận được từ các nhà tài trợ bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ và nhận từ nguồn khác trong đợt vận động; Tổng số đã chi để mua hiện vật mang đi hỗ trợ là tổng số tiền đơn vị chi ra để mua hiện vật nhằm mang đi tài trợ cho các địa chỉ xã hội, từ thiện trong đợt vận động; Tổng số đã tài trợ bằng tiền cho các địa chỉ xã hội, từ thiện là tổng số chi tài trợ của đơn vị cho các địa chỉ nhận hỗ trợ bằng tiền trong đợt vận động.

Trong khi đó, số chênh lệch thu, chi tại thời điểm kết thúc đợt vận động là số chênh lệch giữa tổng số tiền thu được và tổng số tiền đơn vị đã chi ra (gồm tổng số đã chi mua hiện vật và tổng số đã chi cho các địa chỉ nhận hỗ trợ của đơn vị) tại thời điểm kết thúc đợt vận động, bao gồm số chênh lệch tiền Việt Nam, ngoại tệ; Xử lý số dư còn lại là số liệu liên quan đến xử lý số dư còn lại sau đợt vận động theo quy định.

Các tổ chức, đơn vị phải thực hiện kê khai theo mẫu này và gửi cho các đơn vị có liên quan theo quy định của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP. Hàng năm, đơn vị phải thuyết minh chi tiết số liệu thu, chi trong năm, số dư đầu năm và số dư còn lại chưa sử dụng cuối năm đối với nguồn đóng góp cho hoạt động xã hội, từ thiện trên báo cáo tài chính của đơn vị theo quy định.

Kết luận

Tại Việt Nam, các hoạt động xã hội, từ thiện iện nay được thực hiện với đa dạng các hình thức, như: quyên góp từ thiện, quán cơm từ thiện, cửa hàng từ thiện, khám bệnh từ thiện…, đã mang lại những giá trị vô cùng thiết thực cho cộng đồng, giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả cao nhất của các hoạt động này gắn với nguyên tắc tối thượng là công khai, minh bạch các nguồn thu, chi thì hoạt động kế toán đối với công tác này hết sức quan trọng. Do vậy, Thông tư số 41/2022/TT-BTC đặt các yêu cầu rõ ràng đối với việc thực hiện kế toán đối với hoạt động xã hội, từ thiện.

Theo đó, các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện kiêm nhiệm, không tổ chức kế toán riêng để hạch toán các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện thì phải hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị, theo chế độ kế toán mà đơn vị đang áp dụng. Đơn vị phải mở sổ chi tiết để theo dõi riêng cho các hoạt động này, đảm bảo quản lý, sử dụng đúng mục đích. Hàng năm hoặc định kỳ phải lập báo cáo thu, chi đối với hoạt động xã hội, từ thiện của đơn vị theo quy định; thực hiện công khai số liệu theo quy định của pháp luật, đồng thời phải thuyết minh riêng số liệu các hoạt động xã hội, từ thiện trên báo cáo tài chính chung của đơn vị rõ ràng và minh bạch.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán ngày 20/11/2015;
  2. Chính phủ (2019), Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện;
  3. Chính phủ (2021), Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;
  4. Bộ Tài chính (2022), Thông tư số 41/2022/TT-BTC ngày 05/7/2022 hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện;
  5. ThS. Nguyễn Thanh Tùng, ThS. Nguyễn Tiến Lực (2022), Hoạt động từ thiện xã hội – thực trạng và giải pháp. Tạp chí Quản lý nhà nước.

 

 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 3/2023