Kế toán dự phòng chi phí hụt hệ số, hụt cung độ tại các doanh nghiệp khai thác than

Nguyễn Thị Minh Thu – Trường Đại học Mỏ - Địa Chất

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp thường phát sinh các nghĩa vụ thanh toán cho nhà cung cấp, cho khách hàng... Theo cách tiếp cận nghĩa vụ thanh toán, dự phòng phải trả là một phương thức để chuẩn bị nguồn tài chính cho các nghĩa vụ thanh toán trong tương lai của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp khai thác than, một khoản dự phòng phải trả thường xuyên phát sinh là dự phòng chi phí hụt hệ số, hụt cung độ. Đây là khoản dự phòng mang đặc thù của ngành Khai thác than. Bằng phương pháp Điều tra, Phân tích và tổng hợp, tác giả làm rõ các vấn đề nhận diện, đo lường, ghi nhận, trình bày và công bố thông tin liên quan đến dự phòng chi phí hụt hệ số, hụt cung độ tại các doanh nghiệp khai thác than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, từ đó rút ra những vấn đề còn tồn tại và kiến nghị giải pháp hoàn thiện.

Đặt vấn đề

Khai thác than là ngành có rủi ro lớn vì liên quan nhiều đến công nghệ khai thác. Với công nghệ khai thác lộ thiên, doanh nghiệp (DN) phải tiến hành bóc đất đá, việc khai thác bị hụt hệ số đất đá bóc sẽ phát sinh nghĩa vụ phải trả.

Tương tự như vậy, khi khai thác hầm lò, DN phải tiến hành đào lò, việc khai thác bị hụt hệ số mét lò đào, hay khi vận chuyển thì sẽ bị hụt cung độ, cũng sẽ phát sinh nghĩa vụ phải trả trong tương lai. Các nghĩa vụ này được các DN khai thác than hạch toán vào khoản dự phòng phải trả.

Trong phạm vi bài viết, tác giả làm rõ các vấn đề về nhận diện, đo lường, ghi nhận, trình bày và công bố thông tin liên quan đến chi phí hụt hệ số, hụt cung độ tại các DN khai thác than.

Dự phòng phải trả của doanh nghiệp

Khái niệm dự phòng phải trả

Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) số 37 (IASB, 2001) đưa ra khái niệm: “Một khoản dự phòng là khoản nợ phải trả không chắc chắn về giá trị hoặc thời gian”. Điều đó có nghĩa là dự phòng là một nghĩa vụ hiện tại không chắc chắn về mặt giá trị và không chắc chắn về mặt thời gian. Nghĩa vụ hiện tại này của đơn vị được hình thành từ các sự kiện trong quá khứ. Và việc thanh toán nghĩa vụ này sẽ dẫn đến việc đơn vị bị giảm sút về lợi ích kinh tế.

Đặc điểm của dự phòng phải trả

Trong hoạt động của DN, dự phòng phải trả có đặc điểm cơ bản như:

- Dự phòng phải trả là một khoản nợ phải trả, do vậy nghĩa vụ này gần như chắc chắn sẽ phát sinh. Tuy nhiên, giá trị của khoản nợ này và thời gian xảy ra là không chắc chắn.

- Dự phòng phải trả phải gắn liền với nghĩa vụ hiện tại.

- Kế toán phải ước tính được giá trị của nghĩa vụ gắn với khoản dự phòng một cách đáng tin cậy.

Điều kiện ghi nhận dự phòng phải trả

Theo IAS 37, để ghi nhận dự phòng phải trả cần thoả mãn các điều kiện sau:

- Từ một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, DN phát sinh nghĩa vụ hiện tại.

- Việc thanh toán nghĩa vụ nợ làm giảm sút những lợi ích kinh tế của DN.

- Giá trị của nghĩa vụ nợ phải được ước tính một cách đáng tin cậy.

Dự phòng chi phí hụt hệ số, hụt cung độ tại các doanh nghiệp khai thác than

Trong các DN khai thác than hiện nay tồn tại nhiều khoản dự phòng phải trả như: Dự phòng chi phí hoàn nguyên, phục hồi môi trường; Dự phòng chi phí giải phóng mặt bằng; Dự phòng chi phí Cấp quyền khai thác khoáng sản... Trong đó, có dự phòng chi phí hụt hệ số, hụt cung độ.

Nhận diện

Trong khai thác than hầm lò, hệ số mét lò cho biết tỷ lệ than khai thác được so với số mét lò đào chuẩn bị sản xuất (CBSX). Các chi phí tính trong giá thành than đã được hạch toán dựa trên hệ số mét lò đào và các chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ tương tự, do đó nếu thực tế việc đào lò CBSX không đạt được như kế hoạch đề ra sẽ làm phát sinh các chi phí cần thiết để phải đào lò nhiều hơn ở phần khối lượng than sản xuất ở kỳ tiếp theo, do đó cần phải trích lập dự phòng trong tình huống này. Đối với khai thác lộ thiên, thì chỉ tiêu dự phòng đất đá bóc hụt hệ số và đối với dự phòng vận chuyển hụt cung độ cũng có ý nghĩa tương tự.

Khảo sát thực tế tại các DN khai thác than cho thấy có 13/18 DN (chiếm 72,22%) trích lập dự phòng chi phí hụt hệ số, hụt cung độ như: Công ty Than Khe Chàm, Công ty cổ phần Than Cọc Sáu, Công ty Than Khánh Hòa, Công ty cổ phần Than Mông Dương, Công ty cổ phần Than Quang Hanh, Công ty cổ phần Than Uông Bí…

Đo lường

Dự phòng chi phí mét lò đào hụt hệ số được xác định theo công thức (1).

Dự phòng chi phí mét lò đào hụt hệ số

=

Sản lượng than khai thác trong tháng (tấn) x Hệ số mét lò

-

Số mét lò đào thực tế trong tháng

x

Đơn giá đào lò sau khi tăng giảm khoán

1000

(1)

Cách tính cũng áp dụng tương tự cho dự phòng chi phí đất đá bóc hụt hệ số.

Căn cứ vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) giao từ đầu năm, các đơn vị thuộc TKV xác định đơn giá mét đào lò hụt hệ số, đơn giá đất đá bóc hụt hệ số, đơn giá Khối lượng hàng hoá vận chuyển và cự ly vận chuyển thực tế (TKm).

Theo dõi và thống kê sản lượng than sản xuất, số lượng mét lò CBSX, mét lò xén thực hiện từng tháng trong năm, khối lượng đất đá bóc từng tháng trong năm, khối lượng T.Km vận chuyển từng tháng trong năm. Từ đó, có căn cứ để xác định dự phòng chi phí mét lò đào hụt hệ số, đất đá bóc hụt hệ số, vận chuyển hụt cung độ.

Bảng 1: Chi tiết Dự phòng phải trả ngắn hạn của Công ty cổ phần Than Mông Dương – Vinacomin (Đến ngày 30/6/2022) (Triệu đồng)

TT

Danh mục

Số dư

Hạch toán tháng hiện tại

KH

Được trích theo KH

Đã phát sinh thực tế

Đã trích lũy kế

Hạch toán chi phí

II

Dự phòng phải trả khác

56.574

7.001

220.227

138.859

25.225

104.584

7.001

1

Dự phòng phải trả đất đá, mét lò

24.681

10.800

-

24.681

-

13.881

10.800

 

Phải trả chi phí đất đá hụt hệ số

410

(1.366)

-

410

 

1.776

(1.366)

 

Phải trả chi phí mét lò hụt hệ số

24.271

12.167

-

24.271

 

12.104

12.167

2

Chi phí thuê thăm do, khảo sát

23.028

7.210

37.925

23.027

-1,5

15.819

7.210

3

Chi phí xử lý nước thải

2.335

(712)

33.600

16.800

14.465

3.047

(712)

4

Chi phí giải phóng mặt bằng

3.214

134

28.805

14.403

11.188

3.080

134

 

TỔNG CỘNG

56.574

7.001

220.227

138.859

 

104.584

7.001

Nguồn: Công ty cổ phần Than Mông Dương – Vinacomin

 

Khảo sát thực tế tại Công ty Than Khe Chàm cho thấy, việc trích lập dự phòng chi phí mét lò đào hụt hệ số được thực hiện hàng quý. Chẳng hạn, tại quý I/2021, sản lượng than khai là 382.168 tấn; số mét lò đào tính theo hệ số là 3.012m; Số mét lò đào thực tế là 2.755m; Đơn giá đào lò sau khi tăng giảm khoán là 32,83 triệu đồng/m. Như vậy, dự phòng chi phí mét lò đào hụt hệ số quý I = (3.012 – 2.755) x 32,83 = 8.404 triệu đồng. Có thể thấy, trên thực tế hiện nay các DN khai thác than đều trích lập dự phòng chi phí hụt hệ số, hụt cung độ để đảm bảo phần chi phí sản xuất được tính đồng đều vào giá thành chứ không dựa trên phần chi phí sản xuất thực tế phát sinh.

Ghi nhận

Kết quả khảo sát cho thấy, Công ty cổ phần Than Khe Chàm chỉ trích lập dự phòng mét lò đào hụt hệ số, còn Công ty cổ phần Than Mông Dương trích lập cả dự phòng mét lò đào hụt hệ số và đất đá bóc hụt hệ số. Sau khi xác định được giá trị của khoản dự phòng này, kế toán ghi nhận tăng chi phí sản xuất và đồng thời ghi nhận tăng dự phòng phải trả về chi phí mét đào lò hụt hệ số, chi phí đất đá bóc hụt hệ số, chi phí vận chuyển hụt cung độ.

Trình bày và công bố thông tin

Đối với khoản chi phí hụt hệ số, hụt cung độ, các DN đã xây dựng kế hoạch từ đầu năm và được TKV giao các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh. Nếu cuối năm các DN khai thác than mà bị hụt hệ số, hụt cung độ thì TKV sẽ thu lại khoản chi phí này bằng cách giảm trừ vào doanh thu. Nếu các DN giải trình được là do áp dụng sáng kiến cải tiến kiến kỹ thuật làm giảm được hệ số thì DN sẽ được hưởng phần chi phí hụt đó mà không bị TKV thu lại. Ngược lại, nếu các đơn vị thực hiện vượt hệ số, vượt cung độ thì DN phải tự chịu các chi phí này. Nếu các DN giải trình được việc vượt hệ số, vượt cung độ là do các nguyên nhân khách quan mang lại thì TKV sẽ bù cho phần chi phí vượt này thông qua việc tăng giá bán và tăng doanh thu.

Chính vì vậy, khoản dự phòng này thường đến cuối năm sẽ được xử lý và không còn số dư trên Tài khoản 352 nữa, do đó thông tin của khoản dự phòng chi phí hụt hệ số, hụt cung độ cũng sẽ không được trình bày trên báo cáo tài chính.

Kết luận và kiến nghị

Dự phòng chi phí hụt hệ số, hụt cung độ tại các DN khai thác than được sử dụng như là một cách để kế toán phân bổ chi phí vào giá thành, chưa phản ánh được đúng bản chất của khoản dự phòng. Đến cuối niên độ kế toán, các khoản dự phòng này sẽ được bù trừ hết trong năm nên không có ghi nhận tại thời điểm cuối niên độ.

Về thời điểm trích lập dự phòng: Theo quy định các khoản dự phòng đều được lập tại thời điểm cuối niên độ kế toán. Nhưng đối với các DN khai thác than, các khoản dự phòng đều được ghi nhận theo từng quý, thậm chí theo từng tháng để phục vụ cho việc phân bổ chi phí và giá thành theo kế hoạch TKV giao. Do đó, thời điểm trích lập dự phòng của các DN khai thác than còn chưa phù hợp với quy định.

TKV có rất nhiều những khoản dự phòng mang tính đặc thù của ngành Khai thác than nhưng vẫn chưa xây dựng được các chính sách riêng về kế toán dự phòng. Các chính sách riêng này sẽ giúp cho việc trích lập dự phòng sẽ phù hợp hơn với điều kiện thực tế của các DN khai thác than. Song hành với các chính sách này, cần có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể giúp cho kế toán các DN khai thác than có thể dễ dàng vận dụng vào trong công tác kế toán.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Tài chính (2014). Thông tư số 200/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp;
  2. Tài liệu kế toán và kết quả khảo sát tại các doanh nghiệp khai thác than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam;
  3. International Accounting Standards Committee – IASC (1998), International Accounting Standards (IAS) 37 - Provisions, Contingent Liabilities and Contingent Assets, https://www.iasplus.com/en/standards/ias/ias37.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2024