Nghiên cứu chuẩn mực kế toán bền vững của SASB hướng dẫn công bố thông tin ESG


Trong xu thế các doanh nghiệp (DN) quan tâm nhiều hơn đến sự cân bằng lợi ích giữa DN và xã hội, nhà đầu tư và nhà quản lý ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư vào các hoạt động hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thay vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận trước đây. Chính vì vậy, các bên liên quan rất quan tâm đến thông tin báo cáo hoạt động phát triển bền vững của DN. Nghiên cứu này giới thiệu khái quát về chuẩn mực kế toán bền vững của Ủy ban chuẩn mực kế toán bền vững (SASB) với vai trò như một khuôn mẫu và chuẩn mực hướng dẫn DN báo cáo các hoạt động phát triển bền vững theo đúng định hướng của ESG (Environmental - Social - Governance) - bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của DN đến cộng đồng.

Giới thiệu

SASB là một tổ chức được thành lập với mục đích biên soạn chuẩn mực độc lập, cung cấp các chuẩn mực hướng dẫn công bố thông tin phát triển bền vững, giúp các DN trên toàn thế giới xác định, quản lý và truyền đạt thông tin về phát triển bền vững trọng yếu về mặt tài chính đến các nhà đầu tư (Hales, 2021).

Các chuẩn mực của SASB đề cập đến các chủ đề về môi trường, xã hội và quản trị, có ảnh hưởng trọng yếu về mặt tài chính đối với các công ty trong một ngành nhất định. Về phạm vi cung cấp thông tin theo yêu cầu của SASB, chuẩn mực hướng dẫn công bố thông tin phát triển bền vững liên quan đến thông tin môi trường, xã hội, quản trị hoạt động, kinh tế hoặc thông tin liên quan đến tài sản vật chất và/hoặc trí tuệ.

Mục tiêu xây dựng chuẩn mực kế toán bền vững của SASB

Các chuẩn mực kế toán bền vững của SASB được xây dựng để giải quyết nhu cầu của thị trường về việc công bố thông tin phát triển bền vững được chuẩn hóa, có tính trọng yếu trên phương diện tài chính và hữu ích cho việc ra quyết định. Có thể thấy, chuẩn mực kế toán bền vững của SASB được thiết kế để mang lại thông tin: (1) Trọng yếu về tài chính; (2) Hữu ích ra quyết định; (3) Hiệu quả về chi phí.

Trọng yếu về tài chính

Theo chuẩn mực của SASB, thông tin trọng yếu về tài chính được định nghĩa là “nếu việc bỏ sót, sai sót hoặc che đậy thông tin đó có thể được kỳ vọng hợp lý sẽ ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư hoặc cho vay của người sử dụng thông tin để đánh giá kết quả tài chính và giá trị DN trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn” (SASB, 2020).

Mục tiêu trọng yếu về tài chính sẽ đảm bảo kế toán bền vững cung cấp thông tin tập trung về các vấn đề quan trọng trong kinh doanh, giúp giải quyết vấn đề “quá tải công bố thông tin” và cải thiện tỷ số “tín hiệu cực đại trên nhiễu” (Rodriguez, Cotran và Stewart, 2017) khi đánh giá việc công bố thông tin cho các nhà đầu tư. Bên cạnh thông tin tài chính quan trọng, mục tiêu trọng yếu về tài chính cũng giúp hiển thị thông tin bền vững hữu ích nhất cho ban giám đốc, cung cấp thông tin lập báo cáo thường niên, đáp ứng hầu hết các hồ sơ tài chính theo quy định công bố thông tin và cải thiện hiệu quả chi phí cho các DN báo cáo.

Hữu ích ra quyết định

Để các thông tin phát triển bền vững trở nên hữu ích ra quyết định, chuẩn mực kế toán bền vững của SASB yêu cầu xem xét chặt chẽ giữa nhu cầu của các đối tượng chính sử dụng thông tin và dữ liệu định tính, định lượng giúp người dùng đánh giá hiệu quả hoạt động và tình hình tài chính của DN.

Để đáp ứng tiêu chí về tính hữu ích ra quyết định, chuẩn mực kế toán bền vững của SASB được xây dựng để giúp các DN báo cáo thường xuyên thông tin chính xác, khách quan, cho phép các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về các quyết định quản lý ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động trong tương lai và cung cấp cho họ khả năng so sánh giữa các DN trong cùng ngành.

Hiệu quả về chi phí

Việc công bố thông tin sẽ hiệu quả nhất khi các DN có đủ nguồn lực để đáp ứng công việc báo cáo. SASB xem xét tiêu chí hiệu quả về chi phí khi xây dựng chuẩn mực, nhằm mục đích thiết lập các chuẩn mực mà lợi ích của việc sử dụng chuẩn mực vượt quá hoặc ít nhất là bù đắp được chi phí thực hiện.

Phân tích các yêu cầu công bố thông tin theo chuẩn mực kế toán bền vững của SASB

Để đảm bảo tính phù hợp trên phạm vi quốc tế, SASB xây dựng chuẩn mực kế toán bền vững theo hướng tiếp cận quy trình thực hiện trong ngành, không tiếp cận theo khu vực địa lý, vì các chủ đề bền vững thường nhất quán trong một ngành trên toàn cầu (Busco và cộng sự, 2020). Ngoài ra, việc áp dụng chuẩn mực kế toán bền vững của SASB không hạn chế các quy định, các tham chiếu hoặc tiêu chuẩn cụ thể của quốc gia. SASB đặt ra các yêu cầu công bố thông tin bền vững như sau:

Cấu trúc thông tin rõ ràng

Các mục tiêu cốt lõi của chuẩn mực kế toán bền vững theo SASB đạt được bằng cách sử dụng cấu trúc thông tin cơ bản như Hình.

Hình: Cấu trúc tổ chức chuẩn mực kế toán bền vững của SASB

Nghiên cứu chuẩn mực kế toán bền vững của SASB hướng dẫn công bố thông tin ESG - Ảnh 1
Nguồn: Tác giả tổng hợp

Chuẩn mực kế toán bền vững của SASB được tổ chức theo 11 lĩnh vực bao gồm 77 ngành. Theo Hình, các chủ đề bền vững chính được báo cáo theo hướng dẫn trong Chuẩn mực của SASB và được xác định thêm bởi một tập hợp con Danh mục vấn đề chung (G.I.C.s) không liên quan đến ngành. Chuẩn mực kế toán bền vững của SASB bao gồm danh sách các chủ đề công bố đặc thù của ngành, chỉ số kế toán và chỉ số hoạt động để đo lường hiệu quả của từng chủ đề và các giao thức kỹ thuật để mô tả cách thu thập và công bố dữ liệu chỉ số kế toán một cách chính xác.

Các chủ đề thông tin công bố

Các chủ đề thông tin công bố đại diện cho các tác động đặc thù của ngành về những vấn đề bền vững chung. Ví dụ: Sức khỏe và dinh dưỡng là một chủ đề thông tin công bố trong ngành Nước uống không cồn, đại diện cho danh mục vấn đề chung (G.I.C) là “Phúc lợi khách hàng”. Tuy nhiên, vấn đề chung về phúc lợi của khách hàng được biểu hiện dưới chủ đề “Thuốc giả” trong ngành “Công nghệ sinh học và dược phẩm”, hoặc vấn đề phúc lợi khách hàng được thể hiện dưới chủ đề “Chất lượng giáo dục và thu nhập việc làm” trong ngành “Giáo dục”...

Trung bình, mỗi chuẩn mực có 6 chủ đề thông tin công bố, mặc dù một số chuẩn mực chỉ có 2 chủ đề cho mỗi ngành (ví dụ: ngành kinh doanh đồ chơi và dụng cụ thể thao) hoặc nhiều nhất là 12 chủ đề (ví dụ: ngành hóa chất). Trên tất cả 77 ngành, có hàng trăm chủ đề thông tin công bố. Mỗi chủ đề thông tin công bố được đánh giá đa chiều về khả năng đáp ứng các tiêu chí cụ thể.

Bốn nguyên tắc cơ bản (2 nguyên tắc chính và 2 nguyên tắc phụ) giúp hướng dẫn SASB xác định các chủ đề để công bố, nhằm mục đích cân bằng nhu cầu của các nhóm người dùng khác nhau. Hai nguyên tắc chính sau đây sẽ được xem xét đầu tiên:

- Tác động tài chính: Thông tin phát triển bền vững hữu ích trong việc ra quyết định đối với các nhà đầu tư, bên cho vay và các chủ nợ khác khi các chủ đề thông tin công bố có thể được liên kết với hiệu quả hoạt động và/hoặc tài chính thông qua ít nhất một trong các kênh sau: (1) doanh thu hoặc chi phí, (2) tài sản hoặc nợ phải trả, và/hoặc (3) chi phí vốn hoặc danh mục rủi ro.

- Là mối quan tâm của người dùng: Các thông tin công bố về phát triển bền vững hữu ích trong việc ra quyết định đối với các nhà đầu tư, bên cho vay và các chủ nợ khác khi các chủ đề được xác định liên quan đến các vấn đề mà họ thường giám sát và đưa vào các quyết định phân bổ vốn, chiến lược tham gia, quyết định bỏ phiếu, thẩm định, và các khía cạnh khác trong quá trình đầu tư của họ.

Hai nguyên tắc phụ sau đây cũng được xem xét thêm khi xác định các chủ đề thông tin công bố để đưa vào chuẩn mực ngành:

- Phổ biến: Tính hữu ích của thông tin công bố về phát triển bền vững sẽ được nâng cao khi các chủ đề được xác định có thể áp dụng cho nhiều công ty, trong một ngành nhất định và trên khắp các khu vực địa lý.

- Có thể hành động: Tính hữu ích của thông tin công bố về phát triển bền vững sẽ được nâng cao khi các chủ đề được xác định được hiểu theo cách mà các DN có thể hành động. Các chủ đề được hiểu theo cách có thể thực hiện được khi chúng được liên kết với các loại quyết định chiến lược và quyết định điều hành của DN.

Đo lường và giao thức kỹ thuật

Đo lường kế toán định lượng và đo lường theo hình thức thảo luận và phân tích

Chuẩn mực kế toán bền vững của SASB hướng đến 2 nhóm đo lường kế toán: (i) Đo lường theo hình thức chỉ số định lượng; (ii) Đo lường theo hình thức thảo luận và phân tích (D&A). Mặc dù đo lường định lượng hữu ích cho phân tích cơ bản và so sánh, nhưng các nhà đầu tư và những người sử dụng thông tin phát triển bền vững khác cũng được hưởng lợi từ sự hiểu biết theo ngữ cảnh về các hoạt động và sáng kiến chiến lược của DN trong mục tiêu phát triển bền vững (Krasodomska, Michalak và Świetla, 2020).

Trong một số trường hợp, dữ liệu định tính là cách tốt nhất để cung cấp thông tin phát triển bền vững phục vụ ra quyết định. Bởi lẽ, thông tin tài chính định lượng một mình có thể không cung cấp thông tin chuyên sâu, hữu ích về hiệu quả trong tương lai. Hãy xem xét một công ty trong ngành dịch vụ phần mềm và công nghệ thông tin báo cáo về bảo mật dữ liệu. DN này báo cáo rất ít vi phạm dữ liệu và hành động khắc phục. Trong trường hợp này, người dùng báo cáo sẽ được hưởng lợi từ thông tin định tính về phương pháp vận hành của DN đối với rủi ro bảo mật dữ liệu, bao gồm các quy định quản lý rủi ro an ninh mạng được triển khai, xu hướng về loại hoặc nguồn gốc của các cuộc tấn công mạng, hình thức đào tạo nhân viên, và thông tin định tính khác.

Đo lường kế toán và đo lường hoạt động

Mỗi chuẩn mực của SASB ngoài chứa các đo lường kế toán, còn có các đo lường hoạt động. Đo lường kế toán là một tập hợp các đo lường định lượng và/hoặc đo lường theo hình thức thảo luận và phân tích của kế toán nhằm đánh giá mức độ hiệu quả về một chủ đề phát triển bền vững.

Bên cạnh đo lường kế toán, đo lường hoạt động là tập hợp những đo lường lượng hoá các hoạt động kinh doanh của DN từ các bộ phận khác trong DN và được sử dụng cùng với đo lường kế toán để chuẩn hóa dữ liệu và phục vụ so sánh. Chúng có thể bao gồm dữ liệu hoạt động, như: tổng số nhân viên hoặc số lượng chất thải rắn… Đo lường hoạt động cũng có thể bao gồm dữ liệu đặc thù của ngành, như: công suất của nhà máy hoặc số ngày sử dụng của một giường bệnh... Chuẩn mực SASB không bao gồm các thông tin đã được công bố trong báo cáo tài chính truyền thống (ví dụ: doanh thu, EBITDA...).

Giao thức kỹ thuật

Đối với mỗi chỉ số đo lường kế toán, chuẩn mực SASB giới thiệu một giao thức kỹ thuật đi kèm cung cấp hướng dẫn về định nghĩa, phạm vi, triển khai, tổng hợp và trình bày được áp dụng bởi cả người lập báo cáo và người dùng báo cáo. Các giao thức kỹ thuật cung cấp nhiều điểm làm rõ cho từng chỉ số và giải thích dữ liệu nào được đưa vào trong trong phạm vi của chỉ số. Các giao thức giúp đảm bảo thông tin công bố từ các DN trong cùng ngành có cơ sở tương đồng để so sánh. Nếu không có thông tin chi tiết về cách thu thập dữ liệu các chỉ số đo lường kế toán, hai DN có thể sử dụng hai phương pháp khác nhau đáng kể để thu thập dữ liệu, làm suy giảm khả năng so sánh thực sự của thông tin. Ngoài ra, các giao thức kỹ thuật nhằm tạo thành các phương pháp xác định/ tính toán phù hợp để đảm bảo cho bên thứ ba có thể kiểm chứng được.

Mỗi chủ đề thông tin công bố được liên kết với một hoặc nhiều đo lường. Nếu có thể, SASB hòa hợp các đo lường quy định trong chuẩn mực với những đo lường đã được yêu cầu công bố bởi các quy định, tiêu chuẩn trước đó, tuy nhiên phải đảm bảo tiêu chí đầy đủ. Khi SASB phát triển các đo lường của mình, SASB sẽ xem xét sự phù hợp của các đo lường với các phương pháp phân tích đầu tư. Do đó, phần lớn các đo lường của SASB có bản chất định lượng và vì chúng gắn liền với các tác động giá trị cụ thể nên chúng có thể được đưa vào các công cụ phân tích thông thường, chẳng hạn như phân tích dòng tiền chiết khấu.

Kết luận

Như vậy, sự xuất hiện của SASB soạn thảo các chuẩn mực kế toán bền vững đóng vai trò như một khung mẫu, hướng dẫn DN thống kê tài chính theo đúng định hướng của ESG. Chuẩn mực kế toán bền vững của SASB thể hiện tình hình tài chính thông qua 5 khía cạnh: Môi trường và Nền tảng xã hội; Nguồn nhân lực; Mô hình kinh doanh; Tính đổi mới của DN; Khả năng lãnh đạo và quản trị. Đây cũng chính là những vấn đề liên quan đến tính bền vững mà DN cần thực hiện khi theo đuổi bộ tiêu chuẩn ESG. Chuẩn mực của SASB được nhiều DN lựa chọn khi thực hành ESG vì tập trung vào những chỉ số tài chính quan trọng, giúp DN “phô diễn” năng lực bằng minh chứng rõ ràng (Rodriguez, Cotran, và Stewart, 2017).

Ở mỗi lĩnh vực, bộ tiêu chuẩn ESG có những yêu cầu khác nhau mà DN cần đáp ứng. Vì vậy, SASB dù đóng vai trò là khung mẫu, nhưng các chỉ số có thể tùy biến điều chỉnh theo từng trường hợp áp dụng. Việc vận dụng chuẩn mực kế toán bền vững của SASB trong công bố thông tin giúp: (1) Tăng cường sự hợp tác với các bên liên quan thông qua việc công bố đầy đủ các thông tin rõ ràng về môi trường, xã hội, quản trị hoặc các hoạt động đảm bảo tính bền vững, như: đầu tư cho cộng đồng, phúc lợi cho nhân viên, tính đa dạng các nguồn lực..., qua đó sẽ giúp DN nâng cao vị thế và uy tín trên thị trường; (2) Cơ hội thu hút nguồn vốn từ những nhà đầu tư có yêu cầu cao về trách nhiệm xã hội và môi trường; (3) Thông tin phát triển bền vững sẽ giúp người sử dụng hiểu được những giá trị dài hạn với sự phát triển bền vững của DN.

Tài liệu tham khảo:

1. Busco, C., Consolandi, C., Eccles, R. G., Sofra, E. (2020), A preliminary analysis of SASB reporting: Disclosure topics, financial relevance, and the financial intensity of ESG materiality, Journal of applied corporate finance, 32(2), 117-125.

2. Grewal, J., Hauptmann, C., Serafeim, G. (2021), Material sustainability information and stock price informativeness, Journal of Business Ethics, 171, 513-544.

3. Hales, J. (2021), Sustainability Accounting Standards Board (SASB), In World Scientific Encyclopedia of Climate Change: Case Studies of Climate Risk, Action, and Opportunity Volume 3 (pp. 37-41), World Scientific.

4. Krasodomska, J., Michalak, J., Świetla, K. (2020), Directive 2014/95/EU: Accountants’ understanding and attitude towards mandatory non-financial disclosures in corporate reporting, Meditari Accountancy Research, 28(5), 751-779.

5. Rodriguez, A., Cotran, H., Stewart, L. S. (2017), Evaluating the effectiveness of sustainability disclosure: Findings from a recent SASB study, Journal of applied corporate finance, 29(2), 100-108.

6. SASB (2020), Proposed Changes to the SASB Conceptual Framework and Rules of Procedure Bases for Conclusions and Invitation to Comment on Exposure Drafts.

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo