Kết nối chuỗi logistics bằng công nghệ
Với một chiếc smartphone (điện thoại thông minh) được kết nối 3G, 4G, khách hàng, doanh nghiệp (DN) có thể kết nối nhu cầu vận chuyển hàng với các phương tiện (xe tải, container, sà lan, ghe, tàu) đang chạy rỗng. Công nghệ cũng có thể kết nối đội thu hoạch, vận chuyển nông sản chuyên nghiệp, giúp chuỗi logistics không bị đứt gãy và tiết kiệm chi phí đáng kể.
Tránh lãng phí
Trong bối cảnh thu hoạch, vận chuyển lúa hè thu 2021 gặp khó khăn do các địa phương siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tình trạng phân bón tăng giá càng khiến nông dân lo lắng cho vụ lúa thu đông.
Bên cạnh những yếu tố khách quan do đầu vào sản xuất tăng thì chi phí vận chuyển phân bón từ nhà máy sản xuất xuống đại lý phân phối cấp 1, từ đại lý cấp 1 xuống cấp 2, 3 khiến giá bán lẻ đến tay nông dân, hợp tác xã đội lên rất nhiều.
“Việc các địa phương kiểm soát, yêu cầu xét nghiệm hàng ngày đối với tài công, thuyền viên khiến chủ sà lan tăng chi phí vận chuyển, buộc DN phải cộng vào giá phân bón khi đưa xuống địa phương” - đại diện một DN sản xuất phân bón lớn ở TX. Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ.
Nếu tiết giảm được chi phí vận chuyển từ nhà máy sản xuất xuống đại lý phân phối cấp 1 ở tỉnh, sẽ giảm đáng kể giá phân bón khi xuống đại lý cấp 2, 3. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, trên thực tế, có nhiều sà lan xuất phát từ An Giang, chở hàng hóa lên TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thường chạy rỗng chiều về. An Giang có thể kết nối sà lan để DN sản xuất phân bón gửi hàng về tỉnh với cước phí rẻ hơn.
Chỉ cần DN cung cấp cụ thể danh sách đại lý cấp 1 ở An Giang, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sà lan đưa hàng đến đại lý cấp 1, chuyển hàng lên kho. Từ đây, các phương tiện thủy, bộ của tỉnh, trong đó có xe tải chuyên dụng của Quân khu 9 sẽ hỗ trợ đưa phân bón trực tiếp xuống hợp tác xã, giảm tối đa khâu trung gian, cung cấp phân bón cho nông dân, xã viên với giá thấp nhất có thể.
Rõ ràng, với đội ngũ tài công, thuyền viên đã áp dụng đầy đủ các quy định phòng dịch, việc vận hành sà lan rỗng chiều đi rất lãng phí. Nếu kết hợp vận chuyển hàng cho DN trên cùng tuyến vận, chủ hàng sẽ tốn ít chi phí hơn, còn chủ sà lan cũng có lợi.
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít sà lan vận chuyển phân bón, thức ăn gia súc từ khu vực TX. Phú Mỹ, cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) đi các tỉnh ĐBSCL cứ chạy rỗng chiều về. Trong khi đó, sà lan chở gạo đóng bao, trái cây, cát, đá từ tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ... đi TP. Hồ Chí Minh để giao hàng cũng đa phần chạy rỗng từ TP. Hồ Chí Minh về các tỉnh.
Kết nối công nghệ
Chủ một DN có nhiều sà lan chạy tuyến An Giang, TP. Cần Thơ đi TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, với quãng đường 200km, chi phí nhiên liệu cho sà lan dưới 1.000 tấn chạy rỗng khoảng 4 triệu đồng, trả công thuyền viên 3-4 triệu đồng, chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 và các chi phí khác thêm khoảng 3 triệu đồng/chiều chạy rỗng. Với 10 sà lan đang khai thác, chi phí vận hành chạy rỗng hơn 100 triệu đồng mỗi tháng. Gần đây, khi kết nối được một số chủ hàng để chuyên chở theo chiều chạy rỗng, DN này nhẹ gánh được nỗi lo.
“Khi vận chuyển gạo từ An Giang lên cảng Cát Lái xong, tôi kết nối vận chuyển được 500 tấn thức ăn gia súc về TP. Cần Thơ. Với giá thành vận chuyển 40.000 đồng/tấn, chúng tôi thu lại được 20 triệu đồng, coi như dư chi phí mua dầu, trả lương, xét nghiệm… cho chiều chạy rỗng. Chủ hàng cũng tiết kiệm được 1/2 chi phí vận chuyển so với thuê sà lan tại TP. Hồ Chí Minh để chuyển hàng về TP. Cần Thơ” chủ DN này thông tin.
Mong muốn của DN này cũng như nhiều DN vận tải đường thủy, đường bộ là có được App chuyên về kết nối sà lan rỗng, container, xe tải rỗng với người có nhu cầu vận chuyển hàng trên cùng tuyến đường. “Hiện nay, khi chuẩn bị có chuyến sà lan xuất phát rỗng đi lấy hàng hoặc chở hàng đi rồi quay về không, tôi thông tin trên các nhóm trên mạng xã hội Facebook, Zalo để mọi người biết, kết nối gửi hàng. Tuy nhiên, nếu App được xây dựng, vận hành tốt, sẽ kết nối hiệu quả hơn giữa DN và khách hàng có nhu cầu” - chủ DN vận tải đề xuất.
Không chỉ trên phương diện vận tải, nếu ứng dụng công nghệ tốt, khâu cuối của sản xuất nông nghiệp là thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ cũng có thể kết nối được. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa yêu cầu UBND cấp huyện lập danh sách chủ máy, nhân công máy gặt đập liên hợp, đội bốc xếp để tiêm vaccine ngừa COVID-19, đồng thời chỉ đạo thành lập nghiệp đoàn bốc xếp phục vụ thu hoạch, vận chuyển nông sản.
Trên cơ sở đó, đề nghị Tập đoàn Lộc Trời chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý điều phối nghiệp đoàn bốc xếp nhằm phục vụ tốt nhu cầu thu hoạch, vận chuyển nông sản của Lộc Trời, tránh gián đoạn, thiếu hụt nhất thời do ảnh hưởng dịch bệnh.
Chi phí cho logistics của Việt Nam hiện đang nằm ở mức cao so với các nước trong khu vực, chiếm khoảng 20% GDP cả nước. Một trong những lý do là thực trạng 50-70% xe chở hàng, sà lan đều rỗng chiều về. Có đơn vị đã xây dựng ứng dụng di động (App) kết nối vận chuyển để hạn chế chiều rỗng. Tuy nhiên, phát triển ứng dụng chưa tốt nên còn nhiều lỗi kỹ thuật, bất cập trong vận hành, chưa đáp ứng được nhu cầu kết nối DN vận tải và DN có hàng.