Thương mại điện tử giúp thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển

Theo Lý Tuấn/nhadautu.vn

Các chuyên gia cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT), đã thúc đẩy các doanh nghiệp không chỉ bán hàng trong nước mà còn mở rộng các kênh bán hàng trên toàn thế giới. Do đó, để TMĐT phát triển thì dịch vụ logistics được xem là một mắt xích then chốt.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thương mại điện tử phải gắn với dịch vụ logistics

Cùng với sự bùng nổ của TNĐT, dịch vụ logistics giữ vai trò quan trọng trong dây chuyền thương mại từ người bán đến người mua với quy trình hoàn tất đơn hàng, bao gồm các khâu đóng gói, vận chuyển, thu tiền và thậm chí chăm sóc khách hàng sau bán hàng. Điều này cho thấy giữa TNĐT và logistics đang có mối liên kết chặt chẽ và tương trợ đắc lực cho nhau.

Có thể thấy, từ thời điểm năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam, thói quen mua sắm của người tiêu dùng từ mua hàng trực tiếp đã dần chuyển sang mua, đặt hàng online (trực tuyến) diễn ra mạnh mẽ. Các trang TNĐT như Tiki, Sendo, Lazada, Shopee… cũng theo đó hoạt động nhộn nhịp hơn và cũng chính điều này đã góp phần giúp một số bộ phận logistics đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh không bị thiệt hại quá nhiều.

Cụ thể, theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam đạt mức 18% và quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số bất chấp dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company cũng cho thấy, thị trường TMĐT Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á năm 2020, với quy mô 7 tỷ USD, xếp sau Indonesia (32 tỷ USD) và Thái Lan (9 tỷ USD).

Bước sang năm 2021, trước tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 bùng phát với diễn biến phức tạp và liên tục những Chỉ thị phòng chống dịch được ban hành, mọi hoạt động bị hạn chế đã khiến nhu cầu sử dụng TMĐT của người dân ngày càng tăng, từ đó, số lượng các trang TMĐT cũng mỗi lúc một nhiều hơn, không ít trang có số lượng giao dịch trong ngày lên đến hàng chục nghìn đơn hàng, tốc độ phát triển cũng được ghi nhận gia tăng 20-30%.

Trong khi đó, điều đáng nói là cùng với sự phát triển TMĐT thì dịch vụ logistics cũng phải tăng trưởng tương ứng để kịp thời vận chuyển hàng hóa từ người bán đến người mua, nhưng thực tế hiện nay, thị trường chủ yếu là các đơn vị giao nhận, chuyển phát... trong nước có quy mô nhỏ, chưa thể đáp ứng nhu cầu của thị trường. Mặt khác, những doanh nghiệp có quy mô lớn, có đầu tư công nghệ hiện đại với mạng lưới phủ kín khắp các tỉnh, thành trên cả nước, vẫn còn khá khiêm tốn.

Do đó, nhiều chuyên gia dự báo, “ăn theo” TMĐT dịch vụ logistics sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Nhận định về vấn đề này, bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao Thị trường - JLL Việt Nam cho biết, ‘tình hình dịch bệnh COVID-19 đang đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong lĩnh vực logistics và sẽ trở thành xu hướng chính trong thời gian tới. Khách thuê đang có xu hướng nâng cấp từ các cơ sở lỗi thời, vừa và nhỏ và quản lý bởi chủ sở hữu tư nhân, để chuyển đến cơ sở hiện đại hơn ở vị trí tốt hơn.

“Việc hợp nhất các hoạt động logistics vào hiện đại hóa chuỗi cung ứng đang nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí logistics tổng thể cho khách thuê. Tăng trưởng trong các ngành khác cũng sẽ hỗ trợ mở rộng thị trường hậu cần 3 bên, bao gồm tăng trưởng trong ngành thực phẩm và đồ uống, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm, cũng như các ngành thiết bị văn phòng và công nghệ”, Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam, JLL cho hay.

Bên cạnh đó, từ năm 2020, trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 645/QĐ-TTg cũng đã hướng đến giải pháp tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT.

Trong đó, giải pháp đặt ra yêu cầu có sự cải tạo, phát triển hạ tầng logistics như: Cải thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho TMĐT, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics; khuyến khích thí điểm và triển khai ứng dụng các phương tiện giao thông mới hỗ trợ việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong TMĐT; khuyến khích các giải pháp tổng thể liên kết doanh nghiệp hậu cần từ chặng đầu tới chặng cuối; nghiên cứu bài bản các giải pháp cho chuyển phát xuyên biên giới, logistics trong đô thị;…

Còn theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), để nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics và chuyển phát hỗ trợ sự phát triển của TMĐT, các doanh nghiệp chuyển phát cần chú trọng tới việc hiện đại hóa quản lý, trang thiết bị, đặc biệt phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực cũng như với các doanh nghiệp logistics.

Đồng thời các doanh nghiệp chuyển phát cũng cần chủ động bắt tay với các doanh nghiệp TMĐT, xác định thị phần thương mại điện tử sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hoạt động của doanh nghiệp.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành các hoạt động điều tra, khảo sát tiến tới có thống kê tin cậy về dịch vụ logistics và chuyển phát. Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật quy định về các điều kiện kinh doanh hai loại dịch vụ này cần có các dự báo về thị trường, các chính sách, biện pháp khuyến khích.

“Dịch vụ logistics và chuyển phát không chỉ liên quan tới Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông mà còn liên quan tới một số bộ ngành khác như Bộ Giao thông vận tải (vận tải, bốc dỡ), Bộ Tài chính (hải quan, thuế) hay Bộ Tài nguyên và Môi trường (kho bãi). Vì vậy, sự phối hợp giữa các bộ ngành trong việc ban hành các chính sách và giải pháp khuyến khích sự phát triển của hai dịch vụ này có ý nghĩa quan trọng”, VECOM nhận định.

Hạ tầng kho lạnh sẽ “chiếm sóng”

JLL Việt Nam cho rằng, TMĐT cũng là một trong những động lực lớn cho nhu cầu bất động sản hậu cần (logistics), với xu hướng người tiêu dùng chuyển sang “đi chợ” trực tuyến đang thúc đẩy nhu cầu đối với kho lạnh chứa hàng, phân khúc vốn đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới, do đó, kho lạnh sẽ trở thành một “ngôi sao” trong lĩnh vực hậu cần ở tương lai.

Theo JLL Việt Nam, kho lạnh là hệ thống có thể điều chỉnh, kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm nhằm kéo dài thời gian lưu kho một số mặt hàng nhất định như thực phẩm, mỹ phẩm hay thậm chí là vaccin. Kho lạnh có thể phân thành 3 loại chính bao gồm: Kho trữ đông lạnh sâu (từ -30 tới -28 độ C), kho đông lạnh (từ -20 tới -16 độ C) và kho mát (từ 2 tới 4 độ C). Trong đó, kho lạnh chứa thủy sản sẽ hoạt động hiệu quả nhất khi nằm trong khoảng cách 50 km đến các cảng; các mặt hàng như rau quả nên được bố trí nằm gần các khu đô thị.

Tại Việt Nam, điển hình là lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, lớn thứ ba trên thế giới, và cũng là ngành chiếm nhiều diện tích kho lạnh nhất, theo Bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao Thị trường - JLL Việt Nam, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, 30% đến 50% đơn đặt hàng xuất khẩu thủy sản đã bị hủy dẫn đến hàng tồn kho leo thang và các kho lạnh phải hoạt động công suất tối đa..

 “Với chuỗi cung ứng lạnh không tập trung và hầu hết được điều hành bởi các nhà cung cấp vừa và nhỏ, các trung tâm kho lạnh là cơ hội đầu tư lớn cho các nhà khai thác tại đây” Bà Trang Bùi nhận định.

Bên cạnh đó, lãnh đạo JLL Việt Nam cũng cho biết, nguồn cung kho lạnh hiện nay chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam do nhu cầu lớn, trong đó, khoảng 60% thị phần được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

“Kho lạnh thương mại đầu tiên được xây dựng năm 1996 bởi Konoike Vinatrans, một liên doanh giữa Nhật Bản và Việt Nam. Tới năm 1998, Swire Cold Storge của Úc xây dựng một trong những kho lạnh hiện đại nhất thời bấy giờ. Năm 2007, Công ty Cổ phần Hùng Vương xây dựng hai kho lạnh với tổng sức chứa là 40.000 tấn hàng. Những doanh nghiệp khác có thể kể đến LOTTE Sea (2009) và Preferred Freezer Services (2010)”, Giám đốc Cấp cao Thị trường - JLL Việt Nam thông tin.

Mặt khác, bà Trang Bùi cũng chỉ ra rằng, nguồn cung bị hạn chế một phần là do các cơ sở kho lạnh cần nhiều thời gian xây dựng hơn các loại bất động sản hậu cần khác. Việc xây dựng các kho bảo quản lạnh sẽ phức tạp và tốn kém hơn so với các kho tiêu chuẩn.

“Chi phí đầu tư kho lạnh cao gấp hai đến ba lần so với nhà kho thông thường và quá trình xây dựng có thể lâu hơn đến sáu tháng. Bên cạnh đó là thời hạn thuê thường kéo dài từ 15 năm đến 20 năm khiến nguồn cung đã khan hiếm càng khan hiếm hơn”, chuyên gia JLL Việt Nam chia sẻ.