Kết nối doanh nghiệp Việt với chuỗi cung ứng toàn cầu
Từ 4 doanh nghiệp ban đầu, sau 8 năm, doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cấp 1 của tập đoàn Samsung đã lên đến con số 51, tăng hơn 12 lần.
Để trở thành “mắt xích” trong chuỗi cung ứng của tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung là rất khó khăn bởi những yêu cầu về chất lượng sản phẩm tập đoàn đưa ra là cực kỳ cao. Các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam tuy nhiều về số lượng nhưng năng lực sản xuất còn thấp. Không nhiều doanh nghiệp có chiến lược phát triển dài hạn để đầu tư thiết bị, công nghệ, nhân sự… theo chiều sâu.
Do vậy, sau 4 năm những nhà máy sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam, chỉ có 4 doanh nghiệp nội trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung trong khi nhu cầu tìm kiếm nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của Samsung là rất lớn. Để giải bài toán này, Samsung đã thực hiện chính sách “đỡ đầu” trong việc đào tạo và chuyển giao khoa học công nghệ để các doanh nghiệp phụ trợ “lớn lên” cùng dự án tỷ đô.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết: tập đoàn đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương tổ chức các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc hoàn thiện quy trình sản xuất, giảm thiểu tỉ lệ lỗi, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng cao lợi nhuận.
Từ năm 2015, Samsung đã tổ chức các chương trình tư vấn cải tiến năng suất lao động và chất lượng sản phẩm do các chuyên gia Hàn Quốc trực tiếp hướng dẫn giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Qua chương trình này đã có 379 doanh nghiệp được tư vấn và mức độ cải tiến năng suất được ghi nhận là gia tăng đáng kể, trung bình tăng hơn 39%, cải tiến hơn 52% lỗi chất lượng, giảm hơn 36% lượng hàng hóa tồn kho…
Năm 2019, Samsung Việt Nam tiếp tục ký kết chương trình hợp tác với Bộ Công Thương đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và nâng cao chất lượng. Đã có 200 người được đào tạo trong vòng 4 năm, đến nay đã có hơn 100 học viên hoàn thiện khóa học này. Khoá đào tạo giúp các học viên tư duy về định lượng trong sản xuất, các phương pháp tối ưu quản lý chất lượng, chi phí chất lượng một cách hệ thống, quản lý thông tin trong sản xuất và cải tiến không ngừng nghỉ trong các doanh nghiệp Hàn Quốc để có thể áp dụng công việc một cách hiệu quả nhất.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc nâng cao năng suất, tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Quan trọng, đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng, giá cả, thời gian để tham gia chuỗi cung ứng của tập đoàn. Điển hình như công ty CP nhựa Rạng Đông có 62 đề tài cải tiến, giảm được thời gian thay vân máy cán từ 105 phút xuống còn 48 phút, giảm di chuyển công đoạn đóng gói khâu cắt kiểm từ 165m/ca xuống còn 50m/ca…
Đào tạo và chuyển giao công nghệ sản xuất, quản lý chính là cách hỗ trợ nhất của Samsung để đưa các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung gia tăng mạnh mẽ. Từ 4 doanh nghiệp vào năm 2014, hiện đã có 51 doanh nghiệp, tăng hơn 12 lần.
Từ những thành công ban đầu, ông Choi Joo Ho cho biết: Samsung sẽ sớm ký kết bản ghi nhớ nữa trong năm nay với Bộ Công Thương Việt Nam để có thể hỗ trợ cho sự phát triển công nghiệp của Việt Nam. Trong thời gian tới, Samsung tiếp tục triển khai dự án về nhà máy thông minh và sẽ hợp tác với nhiều công ty của Việt Nam hơn nữa. Tập đoàn cam kết nỗ lực hỗ trợ Việt Nam để trở thành một trung tâm của khu vực về khoa học và công nghệ. Trong hành trình đó, Samsung tiếp tục chuyển giao khoa học công nghệ.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, mô hình hợp tác của Samsung đã hiệu quả và cần được nhân rộng trong thời gian tới khi Việt Nam đang đón nhận “sóng” đầu tư FDI với sự có mặt của các tập đoàn công nghệ thế giới. Đây là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để doanh nghiệp trong nước nắm bắt cơ hội có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Ông Choi Joo Ho cho rằng: chuyển giao công nghệ là vấn đề quan trọng trong nền kinh tế đang nổi lên như Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều thách thức, biến động, khoa học công nghệ có thể đưa ra bài toán để giảm chi phí sản xuất, đưa mô hình tuần hoàn vào sản xuất. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ, chuyển giao cái gì, chuyển giao cho ai, lợi ích gắn liền với việc chuyển giao như thế nào.
Lãnh đạo tập đoàn kiến nghị Chính phủ và các địa phương cần tạo chính sách để khuyến khích chuyển giao công nghệ, có ưu đãi cho các công ty đầu tư vào ngành công nghệ cao và có chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo. Các viện nghiên cứu cần được trao cơ hội để phát triển chuyên môn của mình cũng như học hỏi các bài học, thất bại trong quá khứ để có thể thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển.