Kết quả và nhận định sau khi đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam
Kết quả đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm giai đoạn 2010-2017. Quy mô GDP thay đổi dẫn tới các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác cũng thay đổi như: Tổng thu nhập quốc gia; GDP bình quân đầu người; Tỷ lệ dư nợ công; Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước; Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước và cơ cấu ngành kinh tế. Sử dụng công cụ thống kê mô tả dựa trên các số liệu từ Tổng cục Thống kê, bài viết tổng hợp và đưa ra một số phân tích, đánh giá những thay đổi và tác động của những thay đổi này đến kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, bên cạnh việc phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, phản ánh quy mô và tốc độ và chất lượng tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Quy mô GDP là cơ sở quan trọng để hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đề ra các chính sách, giải pháp phát triển quốc gia...
Tại Việt Nam, với quan điểm, đánh giá lại theo phương pháp và thông lệ quốc tế nhằm phản ánh sát thực hơn quy mô GDP của nền kinh tế, Tổng cục Thống kê đã thực hiện đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010 – 2017, làm căn cứ để đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021 - 2025. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Kết quả đánh giá lại đã có nhiều thay đổi, quy mô GDP Việt Nam giai đoạn 2010 – 2017 tăng bình quân 25,4%/năm, qua đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cũng thay đổi so với trước đây và được cho là phản ảnh đầy đủ hơn về thực trạng nền kinh tế. Sự thay đổi này so với kết quả thống kê trước đây như thế nào? Những tác động của kết quả đánh giá lại này đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cũng như tác động ra sao đến kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian tới? Sử dụng công cụ thống kê mô tả dựa trên các số liệu được công bố của Tổng cục Thống kê, bài viết tổng hợp, phân tích, đánh giá những thay đổi và tác động của những thay đổi này đến kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Những thay đổi quy mô GDP giai đoạn 2010 – 2017 sau khi đánh giá lại
Ngày 13/12/2019, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố kết quả Đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017. Kết quả đánh giá cho thấy một số vấn đề quan trọng như sau:
Về quy mô GDP thu nhập bình quân đầu người
Quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm giai đoạn 2010-2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó năm 2011 có tỷ lệ tăng cao nhất với 27,3% và năm 2015 có tỷ lệ tăng thấp nhất là 23,8%. Năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt 6.294 nghìn tỷ đồng (số đã công bố trước đây là 5.006 nghìn tỷ đồng). Tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân mỗi năm tăng 26,6%.
GDP bình quân đầu người đánh giá lại giai đoạn 2010-2017 tăng bình quân khoảng 25,6% mỗi năm so với số đã công bố, tương ứng với tăng 10,3 triệu đồng/người; ứng với 485,2 USD/người theo tỷ giá hối đoái và ứng với 1.421,1 USD-PPP/người theo sức mua tương đương. GDP bình quân đầu người bình quân tăng thêm 10,3 triệu đồng/người/năm, tương ứng 25,6%/năm.
Do tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người đều tăng, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng của GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao. Thực tế mô hình tiêu dùng của hộ dân cư đã thay đổi: Tỷ trọng tiêu dùng cho ăn uống giảm từ 39,93% năm 2010 xuống còn 33,25% năm 2019; tiêu dùng cho nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng từ 10,01% năm 2010 lên 18,37% năm 2019; tiêu dùng cho giao thông và phương tiện đi lại tăng tương ứng từ 8,23% lên 10,27%; tiêu dùng cho bưu chính viễn thông tăng từ 2,72% lên 3,25%; tiêu dùng cho giáo dục tăng từ 5,72% lên 6,03%; tiêu dùng cho văn hóa, giải trí và du lịch tăng từ 3,83% năm 2010 và 4,62% năm 2019, tầng lớp trung lưu trong xã hội nước ta tăng lên…
Về một số chỉ tiêu ngân sách
Các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác cũng thay đổi. Cụ thể, tỷ lệ dư nợ công so với GDP bình quân giai đoạn 2010-2017 giảm khoảng 11,6%/năm; tỷ lệ chi ngân sách nhà nước giảm khoảng 6%/năm; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP giảm bình quân 1,2%/năm. Tỷ lệ thu NSNN so với GDP giảm bình quân mỗi năm khoảng 5,0%.
Nhiều chỉ tiêu có liên quan tới GDP, đặc biệt các chỉ tiêu mang tính đòn bẩy của nền kinh tế như: tỷ lệ thu, chi NSNN so với GDP; tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP; tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài so với GDP… thấp hơn so với đánh giá trước đây. Các chỉ tiêu này thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách tài khóa và tiền tệ. Sự thay đổi của các chỉ tiêu đòn bẩy cho thấy khả năng mở rộng hoặc thu hẹp dư địa thu ngân sách, điều chỉnh tỷ lệ thuế, chi tiêu và nợ công. Các chỉ tiêu đòn bẩy giảm xuống đưa đến khả năng lựa chọn được thêm những dự án cần thiết có hiệu quả tốt mà trước đây loại bỏ vì nếu đầu tư sẽ làm cho nợ công vượt trần. Cùng với tăng trưởng khá cao và ổn định của nền kinh tế sẽ kích thích dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam dẫn đến nền kinh tế tăng trưởng nóng. Dòng vốn đổ vào nền kinh tế nhanh làm cho thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản nóng lên; bên cạnh đó với hiệu ứng của cải, người dân thấy họ giàu hơn sẽ tăng khả năng đi vay để chi tiêu sẽ thúc đẩy thị trường tài chính có những bước phát triển mới.
Về cơ cấu kinh tế
Đánh giá lại quy mô GDP phản ánh cơ cấu kinh tế của 3 khu vực thay đổi. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (Khu vực I) năm 2017 chiếm tỷ trọng 15,34% theo số liệu đã công bố giảm xuống 12,93% theo số liệu đánh giá lại (giảm 2,41 điểm phần trăm). Trong đó: Cơ cấu kinh tế của khu vực công nghiệp và xây dựng (Khu vực II) tăng 1,99 điểm phần trăm, từ 33,4% theo số liệu đã công bố lên 35,39 theo số liệu đánh giá lại; Cơ cấu kinh tế khu vực dịch vụ (Khu vực III) tăng 1,32 điểm phần trăm, từ 41,26% theo số liệu đã công bố lên 42,58% theo số liệu đánh giá lại; Cơ cấu giá trị tăng thêm của khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản giảm nhanh từ 15,38% năm 2010 xuống còn 12,93% năm 2017. Trong khi đó, khu vực công nghiệp xây dựng và khu vực dịch vụ tăng thêm lần lượt là 35,39% và 42,58%.
Cơ cấu GDP sẽ bị thay đổi do tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông – lâm – thủy sản. Bức tranh cơ cấu kinh tế thay đổi tác động tới điều chỉnh chính sách tài khóa, đầu tư, tín dụng đối với mục tiêu phát triển của 3 khu vực kinh tế và các ngành kinh tế trong từng khu vực hướng tới mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao.
Một số tác động khác
Khi quy mô GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên có thể làm tăng đóng góp của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế mà hiện nay Việt Nam là thành viên. Sự ưu đãi về kinh tế từ các tổ chức tài chính quốc tế không còn như những năm trước, chính sách cho Việt Nam vay cũng sẽ thay đổi như vay vốn ODA, vay ưu đãi sẽ ngặt nghèo hơn.
Nguyên nhân dẫn đến thay đổi khi đánh giá lại GDP
Theo Tổng cục Thống kê, việc thực hiện rà soát, đánh giá lại quy mô GDP đã nhận diện được 5 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thay đổi quy mô GDP, trong đó có 4 nhóm nguyên nhân đầu làm tăng quy mô GDP và nhóm nguyên nhân thứ 5 làm giảm quy mô GDP. Cụ thể:
Thứ nhất, bổ sung thông tin từ tổng điều tra làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng 589.000 tỷ đồng, chiếm 63% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP của cả nước. Tổng điều tra kinh tế năm 2017 đã bổ sung 76.000 doanh nghiệp (DN), gần 306.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể so với số lượng DN và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể đã sử dụng để tính GDP năm 2016. Doanh thu của DN và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể trong Tổng điều tra kinh tế năm 2017 tăng 2.476.000 tỷ đồng so với doanh thu đã ước tính để biên soạn GDP năm 2016, bao gồm: 1.597.000 tỷ đồng doanh thu của các DN được bổ sung; 99.000 tỷ đồng doanh thu của các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể được bổ sung; 780.000 tỷ đồng bổ sung chênh lệch giữa tổng doanh thu của tất cả các DN còn lại trong nền kinh tế được tổng hợp từ kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 so với tổng doanh thu ước tính cho chính các DN này trước khi có kết quả Tổng điều tra.
Thứ hai, bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng 305.000 tỷ đồng, chiếm 32,6% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP. Rà soát, đối chiếu kết quả tổng điều tra năm 2017 và dữ liệu từ cơ quan thuế đã bổ sung 278.000 tỷ đồng doanh thu.
Thứ ba, cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008 làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng 98.000 tỷ đồng, chiếm 10,5% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP.
Thứ tư, rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng khoảng 75.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 8% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP...
Kết luận
Theo Tổng cục Thống kê, đánh giá lại quy mô GDP dẫn tới quy mô của nền kinh tế và GDP bình quân đầu người tăng, bức tranh kinh tế của đất nước được nhận dạng sát thực và rõ nét hơn, đặc biệt bức tranh tiêu dùng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, quy mô của nền kinh tế và GDP bình quân đầu người tăng, kinh tế vĩ mô cùng với hệ thống chính trị và an ninh ổn định, nước ta tham gia sâu rộng vào các hợp tác song phương và đa phương đã, đang nâng tầm vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Thống kê (2019), Đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước,
http://www.gso.gov.vn;
2. Tổng cục Thống kê (2019), Thông cáo báo chí Đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước, http://www.gso.gov.vn;
3. An Nhiên (2019), Đánh giá lại quy mô GDP và 5 tác động lớn tới nền kinh tế,
http://vneconomy.vn/;
4. Bạch Huệ (2019), GDP Việt Nam bất ngờ tăng thêm 25,4%/năm khi tính lại,
http://vneconomy.vn/;
5. Ngô Trí Long (2019), Góc nhìn đánh giá lại quy mô nền kinh tế,
https://vn.sputniknews.com.