Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong AEC
(Taichinh) - Mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam đã ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây nhưng vẫn chưa đủ sức kích “cầu” tín dụng khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa? Dù đuối sức cạnh tranh trong khi tiến trình hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN đã cận kề, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam vẫn thờ ơ với dòng vốn vay từ ngân hàng.
Thực trạng tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Việc hình thành AEC mở ra nhiều triển vọng hấp dẫn cho khu vực doanh nghiệp (DN). DN nhiều nước đã những chuẩn bị với những mục tiêu nhất định cho sự kiện này. Để có thể bắt kịp và “chớp” cơ hội với AEC, các DN Việt Nam cần tạo ra lợi thế và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Việc tiếp cận được các khoản tín dụng ngân hàng sẽ giúp các DN nhỏ và vừa (DNNVV) nâng cao năng lực cạnh tranh, tuy nhiên, trên thực tế họ lại đang gặp những khó khăn, trở ngại nhất định:
Một là, tỷ lệ tiếp cận vay và vốn vay được còn thấp, nợ xấu tăng nhanh, tài sản đảm bảo vay khó khăn:
Theo khảo sát mới đây của Viện Khoa học Quản trị DNNVV, chỉ có khoảng 32,38% số DN cho biết có khả năng tiếp cận và được vay vốn thường xuyên; 35,24% phản ánh là khó tiếp cận; số còn lại cho biết không thể tiếp cận. Kênh huy động vốn khác trên thị trường như phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc tự huy động vốn thì phần lớn các DNNVV thường không có đủ điều kiện và uy tín.
Tính đến hết tháng 5/2014, tỷ trọng dư nợ khu vực các DNNVV chỉ chiếm 25% tổng dư nợ toàn nền kinh tế; có khoảng 24,4% số các DNNVV được vay vốn tín dụng; gần 70% là vay ngắn hạn; gần 90% vay bằng nội tệ; tỷ lệ nợ xấu luôn xu hướng tăng (trên 5%). Trong khi đó tổng giá trị tài sản đảm bảo lại tăng bình quân 7% suốt 03 năm gần đây và tỷ trọng tài sản đảm bảo so tổng dư nợ tăng đáng kể. Điều này cho thấy mức độ tín nhiệm chung về tín dụng thấp và ràng buộc điều kiện tín dụng cao đối với khu vực này. Tuy vậy, cả về tốc độ, tỷ trọng tín dụng DNNVV cũng đã có dấu hiệu tăng nhẹ.
Hai là, tỷ lệ tiếp cận và được bảo lãnh rất thấp, tỷ lệ rủi ro về bảo lãnh cao:
Những năm gần đây, thực tế cho thấy tỷ lệ các DNNVV được bảo lãnh vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) vẫn thấp cả về số lượng cũng như giá trị bảo lãnh. Tỷ lệ rủi ro bảo lãnh cao tới 26,96%. Tỷ lệ từ chối trả thay của VDB cũng khá cao 18,63%.
DNNVV tiếp cận tín dụng của các NHTM thông qua bảo lãnh của VDB ngày càng hạn chế. Thậm chí 03 năm gần đây không có trường hợp DNNVV được bảo lãnh vay qua VDB.
Ba là, tái cơ cấu nợ và hiệu ứng giảm lãi vay còn chậm:
Theo Báo cáo của Thống đốc NHNN tại cuộc gặp Thủ tướng đối thoại DN ngày 28/04/2014, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm tới 70% so tháng 11/2012, khi đó mức lãi suất cho vay từ 13% trở lên chỉ chiếm khoảng 16,5%; tương ứng trên 15% chiếm khoảng 5%, gần 80% đã giảm còn 9-12% (tùy kỳ hạn).
Đến đầu tháng 10/2014, dư nợ các DNNVV có lãi suất trên 15% chiếm 4,5% tổng dư nợ của nền kinh tế (chiếm 18% tổng dư nợ khu vực các DNNVV); lãi suất từ 13% trở lên chiếm 12,9% ... Các lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu, các DNNVV, công nghiệp hỗ trợ được vay lãi suất 7- 8%, sản xuất kinh doanh thông thường 9-10% (ngắn hạn) và 10,5-12%/năm (trung, dài hạn); đối tượng VIP chỉ 6-7%.
Việc tiếp cận vay vốn đối với số DN chưa được tái cơ cấu, và/hoặc tái cơ cấu theo Thông tư 09 của NHNN là rất khó khăn, càng khó tiếp cận vay với mức lãi suất ưu đãi như kỳ vọng.
Mặc dù cho đến nay NHNN Việt Nam vẫn có chủ trương định hướng giảm tiếp mặt bằng lãi suất thêm 1-1,5%, nhất là lãi suất cho vay trung, dài hạn nhưng phần lớn các DNNVV khó có tỷ suất lợi nhuận cao trên 10% để chịu nổi mặt bằng lãi suất hiện nay, tồn kho có giảm vẫn còn cao, tiêu thụ khó khăn, nhiều lĩnh vực, ngành hàng vẫn lỗ nặng nếu cứ tiếp tục kinh doanh. DN vẫn rất khó khăn khi tiếp cận vay mới vì phần lớn tài sản đảm bảo đã cạn kiệt, tổng tài sản có sinh lời và doanh thu sụt giảm, quy mô thu hẹp.
Nguyên nhân
Có 3 nguyên nhân chủ yếu sâu xa dẫn đến những khó khăn về tín dụng của các DNNVV:
- Sự lúng túng, chậm trễ tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và cải cách thể chế (trong đó cải cách thủ tục hành chính được coi là then chốt);
- Khu vực các DNNVV nhìn chung trong vòng 05 năm gần đây so một số loại hình DN khác, dần yếu kém về chất lượng và thua kém về năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Doanh thu và lợi nhuận xu hướng bị thu hẹp, chi phí sản xuất tăng cao khiến nhiều DNNVV dù có tăng doanh thu nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm đáng kể.
- Việc chậm trễ tháo gỡ các khó khăn chủ yếu của các DNNVV về thị trường, đất đai, vốn hoạt động, công nghệ, đào tạo và quản lý là trở ngại có tính chất dây truyền cho việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Nghiên cứu độc lập gần đây của Viện Khoa học Quản trị DNNN với giả định tạm loại trừ các yếu tố “đầu vào” và cơ chế, chính sách liên quan khu vực DNNVV (như giá điện, nước, xăng dầu, thuế, chính sách, pháp lý...) thì chính 05 nhóm nhân tố trên là 5 nhân tố chủ chốt tác động trực diện tới tổng “cầu” tín dụng của khu vực các DNNVV.
Ngoài ra, còn có thể kể đến 7 nguyên nhân trực tiếp khiến DNNVV khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng là:
- Các NHTM quá thận trọng, co cụm, có phần bảo thủ và thụ động trong việc cấp vốn tín dụng cho các DNNVV;
- Thủ tục, điều kiện tín dụng trên nền tảng quản trị rủi ro tín dụng mới “siết chặt” trở nên phức tạp và quá sức đối với các DNNVV;
- Chính sách tín dụng của hầu hết các NHTM hiện nay quá bó hẹp với số khách hàng “truyền thống”, khách hàng VIP, nên thường xem nhẹ và “làm ngơ” DN mới khởi nghiệp, DN khoa học và công nghệ, DN trách nhiệm xã hội;
- Chính sách mới về bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV mặc dù được Chính phủ ban hành nhưng triển khai còn rất chậm;
- Mặt bằng lãi suất chung có giảm nhưng vẫn còn cao so với khả năng sinh lời của DN, cơ cấu lãi suất chưa thực sự khuyến khích các DNNVV mạnh dạn đầu tư chiều sâu, cải tiến kỹ thuật; Lãi suất nợ cũ cao chưa được miễn/giảm phù hợp gắn liền với cơ cấu lại nợ xấu và xử lý rốt ráo, hợp lý;
- Sự phối hợp về chính sách hỗ trợ phát triển các DNNVV giữa các bộ, ngành còn chưa ăn khớp, thiếu đồng bộ, kém hiệu lực;
- Hoạt động trợ giúp phát triển khu vực DNNVV từ phía NHNN, các cơ quan quản lý và các cấp hiệp hội DN thời gian qua có nhiều đổi mới, tích cực và hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn
Để DNNVV Việt Nam có thêm “điểm tựa” nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, nhất là trong bối cảnh việc AEC đang cận kề, cần thống nhất quan điểm:
- Hỗ trợ DNNVV các vấn đề liên quan đến thị trường, đất đai, vốn ưu đãi, công nghệ, đào tạo và quản lý trên nền tảng đẩy nhanh tiến trình cải cách thể chế, minh bạch hóa thông tin, tháo gỡ thực sự các rào cản về thủ tục hành chính;
- Đổi mới cách thức tiếp cận phù hợp hơn trong hoạt động tín dụng và bảo lãnh tín dụng ngân hàng theo hướng tập trung trọng tâm, trọng điểm và bám sát hơn tình hình thực tế DN;
- Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bền vững, không tăng gánh nặng rủi ro cho các NHTM, phát huy mô hình “cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với ngân hàng”.
Với quan điểm trên, các giải pháp mang tầm chiến lược là: - Kiến nghị Chính phủ điều chỉnh mục tiêu Chương trình phát triển DNNVV giai đoạn 2011 – 2015 theo hướng chú trọng hơn đến tái cấu trúc các DNNVV, đảm bảo chất lượng là chủ yếu, không chạy theo số lượng;
- NHNN phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu bài bản, dài hơi cơ chế, chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển khu vực các DNNVV giai đoạn 2015-2020 tầm nhìn 2050, đáp ứng yêu cầu mới về hội nhập và triển vọng phát triển tất yếu;
- NHNN vận dụng linh hoạt một số công cụ chính sách tiền tệ, tín dụng định hướng hỗ trợ phát triển khu vực các DNNVV thông qua các hoạt động quản lý, giao dịch và thanh tra, giám sát đối với hệ thống các NHTM, các định chế tài chính khác. NHNN phải được quyền kiểm soát mọi luồng tài chính chủ yếu hỗ trợ khu vực các DNNVV liên quan các “kênh” khác nhau trong nền kinh tế;
- NHNN đổi mới chính sách tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại và đãi ngộ tốt nhất có thể đội ngũ cán bộ làm tín dụng toàn hệ thống ngân hàng, từ khâu hoạch định, quản lý chính sách, thanh tra giám sát đến khâu thẩm định, phê duyệt tín dụng theo hướng tăng tỷ lệ số cán bộ có kỹ năng, kiến thức đa ngành kinh tế, kỹ thuật và thị trường liên quan khu vực các DNNVV.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ khu vực DNNVV, còn có các giải pháp là:
- NHNN có chủ trương rõ ràng, dứt khoát về xử lý nợ xấu bằng cách chủ động thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, góp phần kích hoạt nền kinh tế thực sự khởi sắc, tăng sức mua xã hội, giải phóng hàng tồn kho, khuyến khích DN đầu tư mở rộng sản xuất, tăng tổng cầu tín dụng;
- NHNN cần xem xét tạm thời mở rộng đối tượng được khoanh nợ gốc, giảm lãi vay nợ cũ, mạnh dạn cho vay mới với lãi suất thấp đối với số DN lâu nay gặp khó khăn, vướng phải nợ xấu do cơ chế, chính sách, do tác động quá khắc nghiệt của thị trường;
- NHNN cần hướng dẫn cụ thể các tiêu chí thống nhất xây dựng hệ thống tín nhiệm khách hàng ở từng NHTM, xây dựng lại cơ chế bảo lãnh tín dụng phù hợp hơn cho các DNNVV, tạo điều kiện khung khổ pháp lý, chính sách thuận lợi khuyến khích cho vay “tín chấp” khu vực các DNNVV;
- NHNN kiến nghị Chính phủ về một số cơ chế, chính sách ưu đãi cho các NHTM đẩy mạnh cho vay hỗ trợ khu vực các DNNVV. Mở rộng các đối tượng được hưởng cơ chế, chính sách tín dụng liên quan các DNNVV, mở rộng phạm vi gói “kích cầu” tín dụng đến một số đối tượng các DNNVV tham gia phát triển mạng lưới sản xuất, tiêu thụ hàng hóa ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Với các giải pháp trên và dựa vào căn bản năng lực nội sinh rất lớn của khu vực DNNVV, trong bối cảnh hiện nay chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để tin tưởng rằng, việc thành lập AEC sẽ là cơ hội tốt để khu vực DNNVV sớm nâng cao khả năng cạnh tranh, định vị được nhiều thương hiệu đẳng cấp quốc gia và quốc tế.