Khắc phục những bất cập trong khâu hoàn thuế giá trị gia tăng
(Tài chính) Những năm gần đây, hiện tượng gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của các doanh nghiệp đã trở thành một vấn nạn của toàn xã hội.
Hoàn thuế và "gót chân ASIN"
Tại Việt Nam, Luật Thuế GTGT năm 1997 được thông qua tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá IX, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1999. Từ đó tới nay, đã có 07 lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế vào các năm: 1999, 2000, 2001,2002,2003, 2005 và 2008.
Theo Điều 2 - Luật Thuế GTGT năm 2008, GTGT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh, trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Mặc dù Luật này không đưa ra định nghĩa khái niệm hoàn thuế GTGT, nhưng có thể hiểu: hoàn thuế GTGT là việc cơ quan thuế ra quyết định trả lại số tiền thuế GTGT đã nộp vượt quá của chủ thể nộp thuế.
Sau hơn 10 năm thực hiện, đã có hơn 36.000 đơn vị đề nghị hoàn thuế so với hơn 5 triệu đối tượng nộp thuế. Năm 2012, tổng số tiền hoàn thuế GTGT là 85.245 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2011. Trong đó, chủ yếu là hoàn thuế cho các trường hợp xuất khẩu (chiếm 45,4%); hoàn thuế cho cơ sở kinh doanh trong 3 tháng liên tục trở lên có số thuế đầu vào chưa khấu trừ hết (chiếm 29,5%) và các dự án đang trong giai đoạn đầu tư.
Tuy nhiên, chính sách ưu đãi về hoàn thuế GTGT và chương trình cải cách thủ tục hành chính thuế hiện nay đang bị lợi dụng, làm giảm hiệu quả của chính sách và sự công bằng trong kinh doanh. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2007-2010, cơ quan thuế chỉ tiến hành kiểm tra 20.500 hồ sơ “hậu kiểm”, nhưng đã truy thu và phạt vi phạm hành chính thuế 349.664 triệu đồng. Cũng trong giai đoạn này, cơ quan thuế kiểm tra 20.800 hồ sơ “tiền kiểm” (kiểm tra trước, hoàn thuế sau) đã phải từ chối hoàn thuế GTGT với số tiền lên đến 1.147.425 triệu đồng.
Tình trạng gian lận trong hoàn thuế GTGT ngày càng trầm trọng là do còn nhiều tồn tại, bất cập trong quy định về quy trình hoàn thuế hiện nay. Cụ thể:
Việc quy định “hoàn thuế trong trường hợp có quyết định xử lý hoàn thuế của cơ quan nhà nước có thầm quyền” là một quy định làm mất tính thực thi của Luật Thuế GTGT. Hơn nữa, với quy định này sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng và tuỳ tiện trong quá trình quyết định hoàn thuế.
Trong trường hợp ngành Thuế nghi ngờ doanh nghiệp gian lận thuế GTGT, cần có thời gian để xác minh, thì thời hạn 15 ngày là không đủ, bởi vì việc xác minh các hóa đơn mất rất nhiều thời gian, thậm chí nhiều trường hợp, không được cơ quan thuế các địa phương phản hồi. Theo báo cáo của cơ quan thuế, chỉ khoảng 50% số hồ sơ gửi đi xác minh là được phản hồi. Trong trường hợp này ngành Thuế buộc phải hoàn thuế cho doanh nghiệp. Đây là một kẽ hở khiến hành vi “chiếm dụng” tiền ngân sách thông qua hoàn thuế ngày càng gia tăng.
Việc hoàn thuế GTGT dựa trên những hóa đơn chứng từ đã có, còn tính trung thực của các hoá đơn chứng từ này (đã phát sinh từ 3 tháng trước đó), thì không được xác minh đầy đủ. Đây là thời gian đủ để các doanh nghiệp thực hiện phi vụ lừa đảo rồi bỏ trốn. Vì vậy, cần phải thực hiện việc kiểm tra, ngăn chặn từ xa, chứ không phải chờ đến khi doanh nghiệp xin hoàn thuế GTGT.
Việc chấp nhận khấu trừ khống đối với các loại hàng nông, lâm, thủy hải sản mua của nông dân trên cơ sở thiết lập bảng kê là kẽ hở để các doanh nghiệp gian lận thuế GTGT.
Hệ quả của hai phương thức tính thuế GTGT là hai loại hoá đơn chứng từ trong thuế GTGT: hoá đơn GTGT và hoá đơn bán hàng (hoá đơn thông thường). Hoá đơn bán hàng chỉ được sử dụng khấu trừ khống với tỷ lệ 3% giá trị hàng hoá trên hoá đơn, trong khi với hoá đơn GTGT, thì được khấu trừ toàn bộ. Chính quy định này tạo sự “gãy khúc”, giảm tính liên thông của thuế GTGT.
Thực tế hiện nay đang tồn tại hai hình thức phổ biến gian lận thuế GTGT để xin hoàn thuế là:
Thứ nhất, ngụy tạo hồ sơ xuất khẩu. Trường hợp này phải có sự đồng lõa giữa doanh nghiệp và một số cán bộ hải quan cửa khẩu. Hồ sơ xin hoàn thuế phải kèm theo bảng kê chứng từ chứng minh xuất khẩu. Nếu hải quan không xác nhận, thì doanh nghiệp không thể nào gian lận và xin hoàn thuế được.
Thứ hai, ngụy tạo hồ sơ nộp thuế GTGT đầu vào trong trường hợp có hàng hóa thực để xuất khẩu, nhưng không nộp thuế GTGT đầu vào.
Bên cạnh đó, thực tế còn đang có những thủ đoạn thường gặp sau đây của các đối tượng gian lận việc hoàn thuế GTGT:
Bán hàng không xuất hoá đơn để che dấu doanh thu đầu ra, làm cơ sở cho việc tính thuế GTGT, nhằm chiếm đoạt số tiền thuế GTGT người mua đã nộp cho người bán.
Giá cả và số lượng khi xuất hoá đơn bán hàng ghi trong liên lưu nhỏ hơn liên giao.
Không có giao dịch, nhưng “bên bán” thông đồng với bên mua vẫn xuất hoá đơn ghi và giao cho “bên mua”, nhằm hợp thức hoá số hàng đầu vào cho “bên mua” khi khấu trừ hoặc hoàn thuế.
Thông đồng với các doanh nghiệp xuất khẩu lập hoá đơn khống để kê khai hoàn thuế khi xuất khẩu, sau đó chia nhau số tiền hoàn thuế.
Lợi dụng quy định về các trường hợp được hoàn thuế đối các dự án đang trong giai đoạn đầu tư, thành lập đơn vị mới có chức năng thi công các công trình phụ trợ để “chiếm dụng” thuế.
Đề xuất từ thực tiễn
Để hạn chế các yếu tố rủi ro trong công tác quản lý thuế GTGT thời gian tới, nhất là khâu hoàn thuế xin kiến nghị thêm một số điểm sau:
Một là, nên quy định ngưỡng nhất định để hoàn thuế. Theo đó, các cơ sở kinh doanh trong 3 tháng liên tục trở lên có lũy kế số dư đầu vào được khấu trừ lớn hơn số thuế đầu ra, nếu dưới ngưỡng đó, thì tiếp tục chuyển cho kỳ sau để khấu trừ. Như vậy sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cua cơ quan thuế, và cả đối tượng nộp thuế.
Đối với hoàn thuế xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, thì nên quy định hoàn theo tháng hoặc theo chuyến hàng mà không hạn chế số tiền chưa được khai trừ là bao nhiêu như quy định hiện nay. Còn các trường hợp khác có thể theo quý hoặc theo năm.
Hai là, khi cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ, phát hiện các đơn vị cung cấp chứng từ nộp thuế chưa kê khai hoặc kê khai, nhưng chưa nộp thuế, thì yêu cầu doanh nghiệp cùng phối hợp để thu nợ đọng thuế cua đơn vị cung cấp hàng hoá, dịch vụ; tạm thời loại chứng từ đó chưa hoàn thuế trong kỳ này. Bởi, trên thực tế đã xảy ra tình trạng đơn vị kê khai đề nghị hoàn thuế, nhưng số thuế chưa được nộp vào ngân sách, do bên nhận chuyển tiền chưa khai hoặc còn nợ thuế, dẫn đến sai bản chất của hoàn thuế.
Ba là, thời hạn được giải quyết hoàn thuế cũng nên xem xét lại. Thời gian xác minh khi có dấu hiệu nghi ngờ gian lận cần được kéo dài hơn, có thể là 60 ngày thay cho quy định tối đa 30 ngày như hiện hành.
Bốn là, xem xét giải quyết hoàn trả kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước giữa 02 doanh nghiệp độc lập khác nhau, có hoạt động kinh doanh tại cùng địa bàn và cả 02 doanh nghiệp cùng có văn bản cam kết, đề nghị cơ quan thuế giải quyết để hạn chế nợ đọng thuế.
Năm là, cần quy định bắt buộc mọi nghiệp vụ kinh tế của doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều phải thanh toán qua ngân hàng nhằm giảm lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường, góp phần giảm lạm phát, đồng thời giảm thiểu sự khai khống, khai sai số thuế GTGT đầu vào, giảm thất thu ngân sách nhà nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quốc hội khóa xu (2008). Luật Thuế GTGT, số 13/2008/QH12, ngày 03/6/2008.
2.Chính phủ (2008). Nghị định 123/2008/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT 2008y ngày 08/12/2008.
3. Bộ Tài chính (2008). Thông tư 129/2008/TT-BTC về hướng dẫn thi hành Luật ThuếGTGT2008, ngày 26/12/2008.