Khắc phục những nghịch lý nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh

Theo Trúc Giang/sggp.org.vn

Hiện trạng nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) đang tồn tại nhiều nghịch lý. Rất cần khắc phục cho được những điều nghịch lý, để tạo điều kiện cho người dân an cư và nâng cao chất lượng sống.

Các cao ốc chung cư liên tục được xây mới, nhưng số người mua để ở thường không nhiều, mà chủ yếu mua để đầu tư.
Các cao ốc chung cư liên tục được xây mới, nhưng số người mua để ở thường không nhiều, mà chủ yếu mua để đầu tư.

Gần 1/4 tổng số hộ gia đình chưa có nhà riêng

Tính đến tháng 6/2019, TPHCM đã có hơn 1,88 triệu căn nhà, với tổng diện tích sàn 182,16 triệu m² và diện tích nhà ở bình quân đạt 19,91m²/người; dự kiến đến cuối năm 2020, con số này sẽ đạt 20,3m²/người. Đại hội X Đảng bộ TPHCM đề ra chỉ tiêu đến cuối năm 2020 tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 40 triệu m², và diện tích nhà ở bình quân đạt 19,8m²/người, như vậy thực tế phát triển nhà ở đã đạt và vượt khá xa chỉ tiêu này.

Tuy nhiên, tại TPHCM vẫn còn khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân, chiếm gần 25% tổng số hộ gia đình. Có khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch, khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, chỉnh trang hoặc di dời tái định cư.

Từ các số liệu và thực tiễn nhà ở tại TPHCM, có thể nhìn nhận một số nghịch lý. Đáng chú ý, dù số căn nhà và diện tích nhà ở bình quân đầu người liên tục tăng, nhưng số người chưa có nhà ở vẫn còn rất nhiều, cũng như còn nhiều nhà thiếu kiên cố, nên khó an cư.

Gần 25% số hộ chưa có nhà riêng là con số gây ra áp lực không nhỏ với bản thân họ và với thành phố. Số này phải ở ghép với người thân, phải thuê nhà, thậm chí phải ở tạm bợ trên vỉa hè. Về phía người dân, để có nhà ở, họ phải cật lực tích lũy và tiết kiệm các khoản chi tiêu khác, nhất là chi phí dành cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe.

Nói cách khác, khi số người dân chưa có nhà còn nhiều thì chất lượng sống của một bộ phận đáng kể người dân còn chưa cao và cần tiếp tục được cải thiện. Về phía Nhà nước, các cơ quan chức năng phải tìm nhiều cách để đầu tư, hỗ trợ để người dân có thể được mua nhà, như xây dựng nhà ở xã hội, lập các quỹ hỗ trợ, có chính sách ưu đãi lãi suất mua nhà…

Từ đây, nguồn lực để đầu tư cho các lĩnh vực khác ít nhiều bị chia sẻ, ảnh hưởng đến mức tăng trưởng và các chính sách xã hội khác trên địa bàn.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người ngày càng tăng nhưng vẫn còn rất nhiều người dân sống trong điều kiện chật hẹp, vừa bất tiện vừa không an toàn. Không khó để nhận thấy còn khá nhiều người phải sống chen chúc nhau trong các căn nhà có diện tích nhỏ, có khi nhiều gia đình cùng chia sẻ khoảng không gian rất nhỏ, đặc biệt là ở các quận trung tâm thành phố. Do đó, các điều kiện sinh hoạt bị ảnh hưởng rất nhiều; nguy cơ về cháy nổ, dịch bệnh cũng cao hơn. 

Ưu tiên phát triển nhà dành cho người thu nhập thấp 

Trong khi nhiều hộ gia đình chưa có nhà thì số người có nhiều nhà ngày càng tăng. Dù hiện chưa có số liệu chính thức thống kê tình trạng sở hữu nhà ở của người dân TPHCM, nhưng bằng tính toán thông thường cũng thấy hiện tượng tích lũy nhà là khá phổ biến. Chẳng hạn, các chung cư liên tục được xây mới nhưng số người mua để ở thường không nhiều, mà chủ yếu mua để đầu tư (cho thuê, bán lại…).

Kể cả ở một số dự án nhà ở xã hội, lẽ ra dành cho người thu nhập thấp và chưa có nhà, nhưng trên thực tế bằng cách nào đó cũng lọt vào tay của những người mua để kinh doanh. Như vậy, điều này sẽ như câu chuyện “bình quân 2 người ăn một con gà, nhưng chỉ có một người ăn, người còn lại đứng nhìn”.

Tức là, diện tích nhà ở bình quân tăng lên, số nhà mới tăng nhanh hơn mức tăng dân số, nhưng với một bộ phận đáng kể người dân, diện tích nhà ở của họ không thay đổi, trong khi số thành viên ngày càng tăng.

Giá nhà đất liên tục tăng và thuộc nhóm tăng cao nhất, luôn diễn ra tình trạng “sốt giá”, hết khu vực này sang khu vực khác, vừa tạm lắng thì lại “nóng” trở lại. Giá nhà thường xuyên tăng khiến những người có thu nhập thấp càng khó mua được nhà, trong khi số người chưa có nhà ngày càng nhiều hơn do sinh con và do nhập cư. Điều này làm tái diễn nghịch lý: số căn và diện tích nhà luôn tăng nhưng số người chưa có nhà còn rất nhiều, thậm chí cũng sẽ tăng.

Nắm bắt các nghịch lý nêu trên có thể sẽ gợi mở các chủ trương phát triển nhà ở phù hợp hơn. Chẳng hạn, thay vì cứ tạo điều kiện để tăng các dự án nhà, thì thành phố quan tâm ưu tiên phát triển nhà dành cho người thu nhập thấp và thực sự dành cho đối tượng này. Cần có các chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân và có biện pháp quản lý chặt chẽ, tránh bị lợi dụng, trục lợi.

Nhà nước cần tính toán các mức thuế mới dành cho hoạt động kinh doanh nhà; thí dụ, có thể miễn thuế trước bạ cho người mua nhà diện thu nhập thấp, hoặc đánh thuế cao (thu nhập cá nhân, trước bạ…) đối với những người có nhiều nhà.

Ngoài ra, cần có những biện pháp phù hợp để chống nạn đầu cơ nhà đất, nạn tạo sốt ảo để trục lợi, việc mạo nhận đối tượng ưu đãi để mua nhà giá rẻ, cùng các hành vi gian dối khác liên quan đến nhà đất.