Khắc phục thiệt hại về lúa và hoa màu trong bão số 1
Khoảng 21 nghìn ha lúa bị thiệt hại nặng trên tổng số hơn 216 nghìn lúa bị ngập úng do bão số 1 gây ra. Để hỗ trợ các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ 4 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Thái Bình với tổng số 620 tấn lúa giống, 230 tấn ngô giống và 24 tấn hạt rau.
Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho biết như vậy khi trả lời báo chí về vấn đề khắc phục hậu quả báo số 1 vừa qua.
- Thưa ông, xin ông cho biết những giải pháp mà Cục Trồng trọt đã và đang cùng với các địa phương triển khai để khắc phục thiệt hại về lúa như thế nào?
Ông Ma Quang Trung:Cục Trồng trọt phối hợp với các địa phương sau khi rà soát có những biện pháp rất cụ thể: Những trà lúa, ruộng lúa bị ngập 1 ngày thiệt hại không ảnh hưởng nhiều vì cây lúa có khả năng phục hồi, chỉ cần dọn vệ sinh đồng ruộng, rửa lá lúa và tới đây khi nước rút hẳn thì tiếp tục sục bùn, bón phân để cây lúa phục hồi nhanh chóng. Đối với diện tích lúa ngập úng trên 1 ngày, dưới 2 ngày những khóm lúa nào bị thối chết có thể tách rãnh ở những khóm lúa chưa chết để trồng lại ngay, mục đích là có ruộng lúa tương đối đồng đều, kết hợp với việc xử lý đồng ruộng, dọn dẹp rong rêu, rác, sau đó chăm bón cho lúa phục hồi. Riêng đối với diện tích lúa ngập lâu đến 3 ngày khả năng diện tích lúa bị chết rất lớn phải hỗ trợ cho giống lúa để bà con nông dân có thể ngay lập tức gieo cấy bằng những giống lúa ngắn ngày cho đảm bảo thời vụ.
- Bài học kinh nghiệm lớn nhất được rút ra trong việc khắc phục hậu quả ngập úng đối với cây lúa, thưa ông?
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương đang chỉ đạo quyết liệt những diện tích bị ngập. Đồng thời rà soát trên đồng ruộng để đánh giá xem mức độ ngập, thiệt hại cho cây lúa cụ thể như thế nào. Bài học lớn nhất ở đây là phải tập trung nhanh mọi phương tiện, nguồn lực để tiêu úng cho lúa ngập úng. Nếu chúng ta chỉ làm chậm 1 ngày thì chắc chắn diện tích lúa bị thiệt hại sẽ rất lớn. Vừa qua có thể nói nỗ lực của các địa phương là rất lớn trong chủ động cứu lúa, chỉ trong 1 ngày chúng ta đã cơ bản hạ được mức nước xuống, diện tích có khả năng bị thiệt hại còn rất ít. Đó là bài học trong việc chống mưa, lũ cho cây lúa.
- Dự báo hoàn lưu bão số 2 sẽ gây mưa lớn ở các miền núi phía Bắc, trên cơ sở rút kinh nghiệm trong ứng phó cơn bão số 1, Cục Trồng khuyến cáo như thế nào đối với các địa phương và nông dân, thưa ông?
Ông Ma Quang Trung: Trong hoàn cảnh hiện nay, ngoài việc khắc phục hậu quả bão số 1, còn tiếp tục phải chủ động ứng phó mưa lớn do hoàn lưu bão số 2 gây ra. Cụ thể, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, chắc chắn mưa sẽ lớn, tình trạng sạt lở đất và hỏng cây cối hoa màu sẽ xảy ra. Điều đáng lưu ý tiếp theo là những diện tích ngập úng vừa rút được nước trong ruộng lúa, nhưng lượng nước ở sông suối, mương lạch còn nhiều nên khi có mưa lớn tiếp theo thì khả năng tiêu úng sẽ gặp khó khăn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn của Bộ phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão. Đồng thời đưa ra các phương án ứng phó cụ thể với diễn biến của bão ở các mức độ. Trên cơ sở này, khuyến cáo và phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ, áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu mưa do bão số 2 gây ra cho các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ.
Xin cảm ơn ông!