Khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước

Theo nhandan.com.vn

Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đến nay luôn phấn đấu, rèn luyện xứng đáng là đội tiên phong và đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; các tổ chức của Ðảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn ý thức sâu sắc vị thế của Ðảng duy nhất cầm quyền. Theo đó, "mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân".

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã hiến định: Ðảng Cộng sản Việt Nam - Ðội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Ðảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; các tổ chức của Ðảng và đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, là vấn đề có tính nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị - xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn.

Lịch sử Việt Nam trong những năm 30 của thế kỷ 20 đến nay đã đánh dấu nhiều mốc son chói lọi, gắn liền với sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ðó là các sự kiện dân tộc ta đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); vừa kháng chiến vừa kiến quốc, thống nhất đất nước và nay đang thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Sứ mệnh và vai trò của Ðảng Cộng sản Việt Nam đã được khẳng định ngay từ khi mới thành lập, được chỉ rõ trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt.

Nhờ đó, "Ðảng đã lãnh đạo nhân dân giành được những thắng lợi vĩ đại: Một là, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;... Hai là, thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc;... Ba là, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội"(2). Những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... trong hơn 30 năm đổi mới càng khẳng định tầm vóc to lớn về vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với hệ thống chính trị và trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, cho đến nay, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ðảng hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự lan tỏa lớn. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong, còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ðặc biệt, có cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ðể khắc phục những hạn chế của mình, đồng thời làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, hơn lúc nào hết Ðảng cần và phải nâng cao năng lực lãnh đạo của mình. Theo đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, củng cố và mở rộng nền tảng xã hội của Ðảng, tiếp tục giành được sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân.

Theo quan điểm mác-xít, chính đảng là sản phẩm của mâu thuẫn giai cấp, là tổ chức chính trị đại diện cho giai cấp và tập đoàn nhất định trong xã hội có giai cấp. Một trong những chức năng cơ bản của chính đảng là phản ánh lợi ích, nguyện vọng và yêu cầu của giai cấp, tầng lớp, tập đoàn nhất định. Do vậy, với Ðảng ta, trong quá trình củng cố và mở rộng nền tảng xã hội của Ðảng thì vấn đề mấu chốt là Ðảng phải kiên định với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, đồng thời lấy đó làm cơ sở để xây dựng nền tảng xã hội của Ðảng. Vì thế, Ðảng không chỉ phải làm tốt vai trò là người lãnh đạo, mà còn phải làm tốt bổn phận "là người đày tớ thật trung thành của nhân dân".

Là một tổ chức lãnh đạo, Ðảng phải có đủ trí tuệ và bản lĩnh chính trị, đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, vượt qua mọi khó khăn thử thách đưa sự nghiệp cách mạng không ngừng tiến lên; thực hiện trọn vẹn mục tiêu, lý tưởng Ðảng đã lựa chọn, xứng đáng với niềm tin tưởng tuyệt đối của nhân dân. Là người "đày tớ", Ðảng và từng cán bộ, đảng viên phải phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân vô điều kiện; việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh.

Ðể có thể làm tốt cả hai phận sự ấy, mỗi đảng viên và cán bộ của Ðảng phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới" có ý nghĩa quan trọng với vai trò lãnh đạo của Ðảng. Bởi, hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viên của Ðảng phải thực sự "hết lòng vì dân", mới "được dân hết lòng vì Ðảng".

Hai là, phòng, chống triệt để những biểu hiện quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, cơ hội chủ nghĩa, kiêu ngạo cộng sản.

Ðối với Ðảng Cộng sản Việt Nam, vai trò lãnh đạo được thể hiện bởi hiệu quả lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Ðiều đó đã được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử, kể từ khi lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội trước đây và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay. Theo đó, vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước được xem là trụ cột của cơ chế vận hành trong hệ thống chính trị; Ðảng lãnh đạo hệ thống chính trị nói chung và Nhà nước nói riêng là nhân tố bảo đảm xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, với bản chất là pháp luật giữ vị trí tối thượng trong điều chỉnh hành vi các quan hệ xã hội và tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.

Cần khẳng định rằng, Ðảng Cộng sản Việt Nam duy nhất cầm quyền, lãnh đạo hệ thống chính trị là nguyên tắc không thể thay đổi. Tuy nhiên, ngoài những mặt rất cơ bản, tích cực của một đảng duy nhất cầm quyền, sẽ không tránh khỏi những mặt hạn chế nhất định, những nguy cơ có thể xảy ra. Ðiều đó đã từng được V.I.Lê-nin cảnh báo các nguy cơ: sai lầm về đường lối, quan liêu, xa rời quần chúng và kiêu ngạo cộng sản khi Ðảng cầm quyền. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đặc biệt chú ý nguy cơ sai lầm về đường lối và suy thoái của cán bộ, đảng viên ngay sau khi giành được chính quyền. Người yêu cầu cần phải chiến thắng ba thứ giặc nội xâm là tham ô, lãng phí, quan liêu; nếu không sẽ làm đổ vỡ cả sự nghiệp của một đảng cầm quyền.

Ðối với Ðảng ta hiện nay, các nguy cơ đó có thể bị ngăn ngừa, đẩy lùi, khắc phục bằng việc từng bước đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, mà trước hết là dân chủ trong Ðảng, dân chủ trong các cơ quan quyền lực nhà nước và trong toàn xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên của Ðảng quán triệt và thực hiện tốt chức trách và công việc được giao, kiên quyết đấu tranh phòng, chống các biểu hiện: "Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối "quan" chủ. Miệng thì nói "phụng sự quần chúng", nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng". Nếu lãnh đạo chỉ thiên về quyền lực "làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm", là đồng nghĩa với lãnh đạo thiếu văn hóa. Văn hóa cầm quyền của Ðảng là phải "sao cho được lòng dân", "Chính phủ là công bộc của dân".

Ba là, lãnh đạo thực hiện hiệu quả Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, xây dựng hình tượng cán bộ, đảng viên trong sạch, liêm khiết.

Ðối với nước ta, tệ tham nhũng và sự kém hiệu quả trong đấu tranh chống tệ nạn này có nguyên nhân từ sự thiếu gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI chỉ rõ: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... từ đó làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, vào bản chất tốt đẹp của chế độ.

Trong bối cảnh hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Ðiều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu thực hiện các quy định của Ban Bí thư, quy định của Bộ Chính trị, quy định của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương, xây dựng hình tượng cán bộ, đảng viên trong sạch, liêm khiết; kiên quyết khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; nâng cao lập trường cách mạng, bản chất giai cấp công nhân của Ðảng; ra sức học tập đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng dưới mọi hình thức; nêu cao tính đảng, tính gương mẫu trong quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Ðó thực sự là một mặt trận chiến đấu đầy cam go, phức tạp, không kém phần quyết liệt và có ý nghĩa quyết định sự "mất, còn" đối với uy tín lãnh đạo của Ðảng, lòng tin của nhân dân đối với Ðảng .

Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đất nước đã vượt qua tình trạng một nước nghèo, kém phát triển; đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế khá; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những nhận thức rõ và đầy đủ hơn vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Không ngừng xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xã hội. Thực hiện nhất quán và thành công đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; nâng cao vị thế của đất nước. Hiện nay, Ðảng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hệ thống chính trị và các lĩnh vực của đời sống xã hội; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, toàn quân chung sức, đồng lòng, tạo xung lực mới thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.