Khi hàng về chợ tìm khách mua

Theo Trung Vũ/thanhtravietnam.vn

Đã sang tuần cuối cùng của năm dương lịch 2017, quang cảnh phố phường ngày càng đông vui tấp nập bị hàng hóa bán tết. Ở chợ quê, chợ huyện, chợ tỉnh cũng nườm nượp những chuyến ô tô chở hàng về bán. Chợ truyền thống cũng thay da đổi thịt và phong phú theo hướng tiến chung của nền kinh tế xã hội đất nước.

 Chợ truyền thống cũng thay da đổi thịt và phong phú theo hướng tiến chung của nền kinh tế xã hội đất nước.. Nguồn: internet
Chợ truyền thống cũng thay da đổi thịt và phong phú theo hướng tiến chung của nền kinh tế xã hội đất nước.. Nguồn: internet

Trước kia, chợ chỉ đơn thuần là nơi trao đổi hàng hóa. Thời kỳ kinh tế bao cấp chợ quê thu hẹp lại nhường chỗ cho hợp tác xã mua bán. Rồi sang cơ chế thị trường, các chợ truyền thống lại hồi sinh, nhưng cũng đối mặt với sự phát triển của các siêu thị, trung tâm thương mại. Khi giao thông phát triển, người tiêu dùng ở các làng quê dễ dàng có thể đi xe máy, ô tô ra tỉnh mua hàng.

Đồng thời, cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa hay kinh doanh bán lẻ đưa hàng về các chợ huyện, chợ làng để bán. Người tiêu dùng không còn phải tốn thời gian, công sức, chi phí tàu xe ra phố thị tìm hàng để mua. Mà là hàng hóa đã tự tìm đến người têu dùng để bán. Mấy năm trở lại đây, các cửa hàng, sạp hàng ở các chợ truyền thống tại các vùng quê nhiều lên trông thấy.

Sự phát triển của kinh tế xã hội đã kéo theo sự phát triển chợ truyền thống, chợ cũ được mở rộng,  nhiều nơi xây chợ mới. Theo báo cáo của vụ Thị trường trong nước, bộ Công Thương, cả nước hiện có 8513 chợ. Vấn đề hiện nay là làm sao cho các chợ truyền thống hoạt động đồng đều, tận dụng được những cơ hội mới. Tuy nhiên, hoạt động của một số chợ vẫn còn yếu kém, bởi việc xây dựng một số chợ chưa tính đến các yếu tố về sản phẩm, hàng hóa, giao thông, mà còn nặng về sự ganh đua giữa các làng xã. Thêm nữa, có cả chuyện lợi dụng việc xây chợ để tham ô tiền xây dựng.

Thêm vào đó, cũng còn do yếu kém, nhiều hạn chế trong quản lý chợ, nhiều nơi quản lý chợ theo kiểu cũ, sự chuyển đổi sang mô hình mới cho phù hợp còn chậm, một số cơ chế chính sách cho phát triển chợ và quản lý chợ còn chưa nhất quán, thiếu đồng bộ. Ngoài ra, chợ tạm, chợ cóc chợ ngoài quy hoạch vẫn tồn tại nhiều, yếu kém về kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, chống hàng giả hàng nhái làm mất đi uy tín của chợ, giảm sút lòng tin của người mua hàng vào hàng hóa bán tại các chợ, nhất là chợ quê.

Bên cạnh đó, phong trào người Việt ưu tiên dùng hàng Việt đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp đưa hàng về bán ở chợ quê cũng như cổ vũ, gây dựng lòng tin cho người mua hàng tìm mua hàng nội ngay tại chợ địa phương mình. Song, lại cũng có một số doanh nghiệp lợi dụng phong trào, đem hàng xấu kém chất lượng, hàng ế về bán ở các chợ quê gây mất lòng tin và uy tín của các chợ.

Ngoài ra, ở nhiều nơi quy trình chuyển đổi một số chợ chưa phù hợp thực tế, chưa công khai minh bạch, kinh phí đầu tư cải tạo nâng cấp chợ bằng nguồn ngân sách còn khó khăn, chưa tận dụng được sự kết hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp, chưa thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia vào việc nâng cấp chợ và kinh doanh, khai thác.

Tại một số chợ đang có tình trạng người dân lấn chiếm lòng đường vỉa hè làm nơi kinh doanh khiến các hộ tiểu thương trong chợ buôn bán bị thua thiệt, một số đành trả lại ki ốt. Lại có nơi  chợ xây dựng xong thì biến tướng sang các mục đích sử dụng khác như người ta thuê ki ốt rồi sửa thành nhà ở chứ không phải để kinh doanh. Với một số nơi, việc cải tạo chợ vì nhiều lý do không được chính quyền địa phương ủng hộ, hình thức đấu thầu không minh bạch, chưa khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng và quản lý chợ.

Tới đây, Bộ Công Thương, sẽ đề xuất với Chính phủ có những điều chỉnh về hành lang pháp lý, đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư khai thác kinh doanh và quản lý chợ, chú ý đến hạ tầng thương mại, văn minh hiện đại, nâng cao hiệu quả quản lý thị trường tại các chợ.

Cơ quan quản lý nhà nước thì định hướng thế, còn các hộ kinh doanh cũng phải chủ động hơn trong việc tận dụng cơ hội thị trường bán lẻ đang phát triển mạnh theo đà tiến của kinh tế và sức mua trong dân, nên xem các chợ truyền thống cũng là một thị trường thuận lợi và đa dạng, phong phú chứ không phải chỉ là các siêu thị, trung tâm thương mại. Bởi hiện nay chợ truyền thống vẫn là nơi chủ yếu bán hàng tiêu dùng nhanh như lương thực, thực phẩm, sữa, nước uống, hàng may mặc.

Hàng tiêu dùng nhanh đang tăng trưởng mạnh sự bán, trong quý 3 năm 2017 tốc độ tăng trưởng đạt 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường nông thôn và các chợ truyền thống tiếp tục là mảnh đất giàu tiềm năng của các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng và bán lẻ. Có thể thấy sức mua và niềm tin của người tiêu dùng ở các chợ truyền thống đối với hàng hóa nói chung và hàng tiêu dùng nhanh đang tăng thêm. Vấn đề là các doanh nghiệp phải chọn những hàng gì phù hợp, chú ý đến chất lượng, đến giá cả.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế thì với khu vực chợ truyền thống, đặc biệt là chợ quê, các nhà sản xuất hàng tiêu dùng và kinh doanh thương mại vẫn chưa tận dụng được tiềm năng cơ hội để khai thác tốt. Cần phải có những tiếp cận thông minh, chiến lược phù hợp và mạnh mẽ hơn nữa, tìm sự tăng trưởng tiêu thụ hàng hóa ngay trong các chợ truyền thống, tận dụng lợi thế của kênh bán hàng truyền thống.

Cần phải xác định được đâu là những chợ có thể giúp doanh nghiệp có thể đem hàng về bán và những loại hàng gì, nhất  là vào các dịp như lễ hội tại mỗi địa phương, dịp tết âm lịch, để có thể tối đa hóa được nguồn lực và mang lại mức lợi nhuận cao nhất với chi phí hợp lý. Lấy chợ truyền thống làm nơi vừa bán hàng vừa thu mua nguyên liệu, hàng nông sản đem về bán ở đô thị cũng là cách thức các siêu thị nên làm.

Chợ truyền thống cũng đang trên đường biến đổi theo với cộng đồng nông thôn, nên khi đưa hàng về chợ quê các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ đông đảo người mua xem họ cần mua sắm những gì cũng như cách thức họ mua sắm để có thể bán được hàng, đôi bên gặp nhau ở chỗ người mua cần mua hàng tốt, giá cả hợp lý và người bán chủ động đi tìm khách hàng thay vì tâm lý cũ kiểu mậu dịch bách hóa một thời là chờ người mua hàng tìm đến mua.