Việt Nam không còn là “thị trường bên lề“
Việt Nam không còn là "chợ cóc", "chợ xép" của thị trường hàng hóa và dịch vụ thế giới nữa mà thay vào đó là một thị trường đúng nghĩa với những cơ hội mua bán và xuất nhập khẩu sôi động.
Đó là nhận xét của nhiều chuyên gia kinh tế thế giới về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và những năm tiếp theo căn cứ vào những diễn tiến kinh tế của Việt Nam thời gian gần đây. Các chuyên gia đều cho rằng, nét đặc sắc của năm 2017 thể hiện một cách tập trung và rõ ràng nhận định trên.
Minh họa cho nhận định này, hãng tin tài chính uy tín Bloomberg cho rằng, hệ thống ngân hàng đã giảm bớt nợ xấu trong khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ, sự tham gia vào chuỗi sản xuất điện thoại thông minh trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu đang tốt hơn là những yếu tố giúp kinh tế Việt Nam khởi sắc.
Hãng tin Bloomberg cũng ghi nhận quyết tâm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã góp phần kéo vốn FDI vào Việt Nam tăng chóng mặt trong năm 2017 với mức tăng trưởng gần 12%, lên mức 16 tỷ USD. Hiện nay, FDI chiếm 8% GDP của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam đã gia nhập chuỗi cung ứng thiết bị điện tử và điện thoại thông minh ở châu Á. Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đã tăng vọt 29% lên 36,5 tỷ USD trong năm 2017.
Cùng chung nhận định này, các chuyên gia cho rằng, điểm quan trọng nhất trong chất lượng tăng trưởng của Việt Nam năm 2017 là Việt Nam đã bắt kịp cơ hội khi con tàu kinh tế thế giới "cài số" tăng trưởng nhanh. Thêm vào đó, các chính sách mới ban hành đã nhanh chóng phát huy tác dụng ngay trong năm, tạo đà vững chắc, cũng như động lực tăng trưởng cho năm 2018, nhất là khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Theo TS. Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có hai cơ hội trong năm 2018 mà doanh nghiệp cần quan tâm. Cơ hội thứ nhất, thông điệp của Chính phủ rõ ràng là phát triển kinh tế tư nhân làm động lực của nền kinh tế. Còn cơ hội thứ hai mà doanh nghiệp gián tiếp có được là môi trường kinh doanh thuận lợi, dễ dàng hơn, trong đó có việc giảm được thời gian, chi phí. Tuy nhiên, đi cùng với thuận lợi, áp lực cạnh tranh cũng gia tăng. Nếu doanh nghiệp không thay đổi để thích ứng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.