Khi món quê vào siêu thị
(Tài chính) Nhiều siêu thị đã sẵn sàng đưa đặc sản địa phương vào kinh doanh. Tuy nhiên, để sản phẩm thâm nhập và trụ vững ở kênh phân phối này vẫn còn nhiều việc phải làm.
Cùng với việc đẩy nhanh tốc độ mở rộng hệ thống phân phối, các nhà bán lẻ cũng tăng cường đa dạng hóa nguồn cung để tăng lựa chọn cho khách hàng. Thông qua các chương trình hợp tác hỗ trợ, nhà bán lẻ đã mở đường cho hàng trăm nông dân, cơ sở sản xuất gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa hàng vào siêu thị.
Đưa sản phẩm quê vào siêu thị
Hàng trăm đơn vị ở các địa phương như: An Giang, Bến Tre, Bình Thuận, Cần Thơ, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Quốc, Sóc Trăng… với rất nhiều chủng loại mặt hàng như: bánh pía, lạp xưởng, kẹo dừa, mắm, cốm sữa, mủ trôm, bánh phồng, lá sâm, rau củ quả… đã có mặt tại kệ hàng của Co.opmart. Tương tự, hệ thống siêu thị Big C cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Huế, Nghệ An, Nam Định, Ninh Bình, Quy Nhơn tăng số lượng sản phẩm các vùng miền trong siêu thị.
Metro đã hỗ trợ 32 hộ nông dân trồng rau quả tại Đà Lạt chuyển đổi thành công từ tiêu chuẩn của Metro (Metro Requirements) sang mô hình sản xuất VietGap. Theo kế hoạch, trong năm 2014, Metro sẽ hỗ trợ ít nhất 50 hộ nông dân chuyển đổi thành công sang mô hình VietGap và bao tiêu sản phẩm.
Anh Nguyễn Văn Phúc, tổ viên tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông ở Đơn Dương, (Đà Lạt) cho biết, tổ hợp của anh gồm 20 thành viên, canh tác 25 ha rau cải các loại cung cấp cho Metro. Sản lượng sản xuất ra được bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường, bình quân lợi nhuận thu về khoảng 200-300 triệu đồng/ha.
Cũng theo anh Phúc, tổ hợp được Metro tập huấn thường xuyên về kỹ thuật canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý sau thu hoạch và có đầu ra ổn định nên luôn tự giác tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGap, đảm bảo chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với những nhà cung cấp rau an toàn khác.
Ông Khuất Quang Hưng, đại diện Metro Cash & Carry Việt Nam cho biết, với chương trình hợp tác này, Metro không chỉ hướng dẫn kỹ năng trồng trọt cho nông dân mà còn gửi kế hoạch tiêu thụ sản phẩm cho họ. Chẳng hạn, trong năm Metro cần bao nhiêu chủng loại mặt hàng, số lượng bao nhiêu… để nông dân chủ động kế hoạch sản xuất, cung ứng. Với việc hợp tác này, nhà phân phối chủ động được nguồn cung sản phẩm chất lượng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và xây dựng vùng nguyên liệu riêng cho hệ thống phân phối của mình. Song song đó là tiết giảm chi phí trung gian, giá cả không bị tác động nhiều theo giá thị trường.
Cùng quan điểm này, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng Big C cho biết, các doanh nghiệp được hỗ trợ nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động, chuyên nghiệp hóa trong giao dịch và duy trì sản xuất ổn định, cải thiện và mở rộng quy mô sản xuất, chuẩn hóa chất lượng, đa dạng sản phẩm…
Nhiều hạn chế cần khắc phục
Cánh cửa của hệ thống phân phối hiện đại đã mở ra cho nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở địa phương là một tín hiệu đáng mừng cho cả hai phía người mua lẫn người bán. Trước đây, đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ, đưa được hàng vào siêu thị là cả một hành trình dài, phải trải qua nhiều công đoạn. Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, yếu điểm lớn nhất của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ là chất lượng sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng đồng nhất và số lượng đặt hàng lớn theo nhu cầu của siêu thị.
Bên cạnh đó, đa số các đơn vị này còn yếu ở khâu vận chuyển hàng hóa, lưu trữ nên chưa kết nối tốt với nhà bán lẻ, đưa hàng đến kho của nhà bán lẻ và điểm bán, không giao hàng kịp theo đơn đặt hàng; hàng hóa chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Thực trạng này dẫn đến doanh thu của doanh nghiệp, cơ sở thấp, dễ bị loại ra khỏi siêu thị. Vì vậy, sau công đoạn hướng dẫn, tư vấn thủ tục giấy tờ, kỹ thuật canh tác, sản xuất, quy cách đóng gói, mẫu mã bao bì cho các hộ nông dân, cơ sở sản xuất… các siêu thị còn có một số chế độ ưu tiên để tạo điều kiện cho nhà cung cấp trụ lại được như hỗ trợ kéo dài thời gian xét duyệt định kỳ (thông thường sau 3 tháng, siêu thị sẽ xét duyệt lại, nhà cung cấp nào không đạt doanh thu sẽ bị loại ra), vị trí trưng bày tốt, chế độ thanh toán… để doanh nghiệp, cơ sở quay vòng vốn nhanh, tái đầu tư vào sản xuất.
Hệ thống Saigon Co.op còn thực hiện ứng vốn cho một số nhà cung cấp và có kế hoạch bố trí khu vực riêng tại mỗi siêu thị để giới thiệu sản phẩm mới, ưu tiên cho sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, đưa được hàng vào siêu thị chỉ là thành công bước đầu, bước quan trọng tiếp theo là làm sao bám trụ được trong siêu thị và được người tiêu dùng đón nhận.
Chị Trần Nguyễn Minh Khánh, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Thiên Long (Bến Tre) đang cung cấp kẹo dừa, bánh phồng dừa cho hệ thống Co.opmart, Big C, Maximark, Vinatex cho biết, đã cung cấp hàng cho kênh siêu thị hơn 10 năm nay và đạt doanh thu khá tốt. “Muốn tồn tại ở kênh phân phối hiện đại, doanh nghiệp phải xây dựng được uy tín, chất lượng hàng hóa. Đặc biệt trong 3 tháng đầu đưa hàng vào siêu thị, phải có chiến lược quảng bá, tiếp thị để người tiêu dùng đón nhận. Tính từ lúc bắt đầu bỏ hàng cho siêu thị đến nay, Thiên Long đã nâng cấp chất lượng hàng hóa và 3-4 lần làm mới bao bì và tổ chức sản xuất, giao nhận chuyên nghiệp hơn”, chị Minh Khánh chia sẻ.