Khi nào đường bay thương mại quốc tế có thể khai thác trở lại?

Theo Việt Hùng (Vietnam+)

Các đơn vị liên quan và đặc biệt phía hãng hàng không đã đề nghị các bộ, ban ngành đưa ra quy định thống nhất để có thể mở lại đường bay thương mại quốc tế.

Việc khơi thông các đường bay quốc tế có tác động lớn tới phát triển kinh tế đất nước.
Việc khơi thông các đường bay quốc tế có tác động lớn tới phát triển kinh tế đất nước.

Đường bay thương mại quốc tế chỉ có thể “cất cánh” khi các cơ quan liên quan thống nhất được bộ quy trình cách ly được ban hành.

Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban Truyền thông Thương hiệu của Vietnam Airlines cho biết với tinh thần luôn sẵn sàng bay quốc tế, ngay sau khi Chính phủ, Thủ tướng chính phủ cho phép, yêu cầu mở lại một số đường bay quốc tế, Vietnam Airlines là hãng đầu tiên bay thương mại đi Nhật Bản. Hãng cũng đã tổ chức chuyến bay đầu tiên chở khách ở nước ngoài vào Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận quy định nằm ở rất nhiều bộ khác nhau. Về giao thông, Bộ Giao thông Vận tải có quy định tổ chức, bố trí lực lượng, loại máy bay nào phù hợp. Với Bộ Y tế là câu chuyện cách ly, xét nghiệm, với Quân đội băn khoăn về tổ chức giám sát, cách ly như thế nào.

“Tất cả những điều đó nằm rải rác ở các quy định khác nhau, không có một bộ tiêu chuẩn duy nhất và thống nhất và cũng đã có những trục trặc xảy ra,” vị Trưởng Ban Truyền thông Thương hiệu của Vietnam Airlines cho hay.

Theo ông Tuấn, ngay sau đó, các đơn vị liên quan và đặc biệt phía hãng hàng không đã đề nghị các bộ, ban ngành đưa ra quy định thống nhất. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế đã nhóm họp để liệt kê hết các vướng mắc phát sinh sau 2 chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines và Vietjet Air chở hành khách và các chuyên gia từ nước ngoài đến Việt Nam. Tổ công tác do Bộ Y tế chủ trì, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế là tổ trưởng đang xây dựng quy trình cách ly thống nhất áp dụng cho toàn quốc, Vietnam Airlines nằm trong tổ công tác này.

Ông Tuấn cũng kỳ vọng nhiều khả năng vào cuối tuần này sẽ có bộ quy định quy trình cách ly thống nhất được ban hành từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

“Vietnam Airlines không chậm 1 ngày, nếu ngày hôm nay có được hướng dẫn, ngày mai hãng sẽ bay ngay sau với những điều kiện đã sẵn sàng của mình, tuy nhiên còn tuỳ thuộc vào hành khách như việc khách có đủ thời gian để mua vé, đặt chỗ không. Hy vọng kết thúc tuần này sẽ có được bộ quy định thống nhất này," ông Tuấn nói.

Với hãng hàng không Pacific Airlines (thành viên của Vietnam Airlines Group), ông Tuấn cho hay, Pacific Airlines đã thực hiện 4 chuyến bay đoán khách từ Singapore về và hãng sẽ tiếp tục thực hiện tiếp trên cơ sở Chính phủ cho phép.

“Trong vai trò thành viên của Vietnam Airlines Group, các hãng sẽ có phối hợp với nhau, để ốti ưu hoá lợi ích. Đường bay nào Vietnam Airines hay Pacific Airlines bay tối ưu sẽ bay,” ông Tuấn nhấn mạnh.

Trả lời về việc nếu không bay quốc tế sẽ mất Slot bay (lượt cất hạ cánh), ông Tuấn khẳng định dưới tác động của dịch bệnh là toàn cầu nên tất cả Chính phủ các nước sẽ không áp dụng điều kiện bay giữ Slot như hiện nay.

Trước đó, Vietnam Airlines đã thực hiện một chuyến bay chở khách đường bay Hà Nội-Seoul-Hà Nội vào ngày 25/9 và Vietjet Air khai thác đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Seoul-Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 30/9. Tuy nhiên, theo ghi nhận quy trình tổ chức thực hiện cách ly chưa thống nhất.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9/2020 vào ngày 2/10, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 đã có nhiều chỉ đạo, gần đây nhất Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan mở các chuyến bay quốc tế từ Việt Nam tới các nước.

“Việc khơi thông các đường bay quốc tế có tác động lớn tới phát triển kinh tế đất nước vì sẽ đưa các chuyên gia, các nhà đầu tư tới Việt Nam,” ông Đông nhấn mạnh.

Với chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Cục Hàng không Việt Nam làm việc với nhà chức trách hàng không của các nước. Việc mở lại các đường bay dựa trên cơ sở phòng chống dịch không phải riêng của Việt Nam mà còn của các nước mà hãng hàng không có thể đến, do đó cần có sự thống nhất chung giữa các quốc gia.

Đối với một số vướng mắc nhất định hiện nay, ông Đông cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cùng các bộ, ngành tiếp tục kiện toàn lại việc cách ly vì hiện nay tần suất 1-2 chuyến/tuần đang là tương đối lớn đối với khả năng cách ly của các địa phương, cũng như thống nhất về chi phí cách ly của các đơn vị lưu trú tại địa phương.

“Như vậy, có thể thấy việc mở thành công các chuyến bay quốc tế đầu tiên sẽ là tiền đề để mở các chuyến bay tiếp theo tới Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan cũng như thống nhất cách bay, công tác cách ly trong thời gian tới,” ông Đông khẳng định.