Khi nào Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất?
Tưởng chừng đã thành công trong kiềm chế được lạm phát, Fedlại bất ngờ thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao hơn dự báo, khiến triển vọng cắt giảm lãi suất trở nên khó đoán định.
Dữ liệu mới đây cho thấy việc kiềm chế lạm phát của Fed đang gặp khó khăn trở lại. CPI trong tháng 12/2023 đã chứng kiến đà tăng nhanh so với tháng 11, chỉ ra rằng còn quá sớm để Fed tuyên bố chiến thắng chống lạm phát và giảm bớt những kỳ vọng của nhà đầu tư toàn cầu về việc sớm cắt giảm lãi suất.
Theo dữ liệu công bố tuần trước của Cục Thống kê Lao động Mỹ, CPI tháng 12 đã tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, tăng tốc so với mức 3,1% được ghi nhận vào tháng 11. Mặc dù con số này giảm đáng kể so với mức 6,5% được ghi nhận vào tháng 12/2022, nhưng nó đã vượt dự báo của hầu hết các nhà kinh tế là 3,2%.
So với tháng 11, chỉ số CPI toàn phần tăng 0,3% chủ yếu do giá nhà đất tăng. Chỉ số nhà ở đã tăng 0,5% trong tháng 12, chiếm hơn một nửa mức tăng hàng tháng trong tỷ lệ lạm phát chung.
Theo Sam Millette, Giám đốc mảng tài sản cố định của Mạng lưới Tài chính Commonwealth, các nhà kinh tế phần lớn đang kỳ vọng lạm phát nhà ở sẽ ở mức vừa phải trong những tháng tới – yếu tố có thể giúp đưa mức tăng giá về gần hơn với mục tiêu 2% của Fed.
Trong khi tốc độ lạm phát toàn phần đang gia tăng trong tháng 12, thì CPI cơ bản vẫn tiếp tục giảm. Tăng trưởng CPI cơ bản đã chậm lại còn 3,9% so với cùng kỳ trong tháng 12 từ mức 4% trong tháng 11. Dù vậy, tín hiệu tích cực này vẫn không như mong đợi, khi các nhà kinh tế đã dự báo nó sẽ giảm xuống còn 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, Ngân hàng Comerica có trụ sở tại Dallas, cho biết chỉ số thước đo lạm phát “siêu cơ bản” – tương tự lạm phát cơ bản nhưng bỏ qua giá nhà ở - đã tăng 0,4% trong tháng 12 và ngang bằng với mức tăng của tháng 11.
Fed đã chỉ ra tầm quan trọng của số liệu này vì nó cắt giảm sự biến động gần đây về chi phí nhà ở và nhạy cảm hơn với những thay đổi trên thị trường lao động. Điều đó đặc biệt hữu ích vì tình trạng thiếu lao động kéo dài có thể tiếp tục thúc đẩy tiền lương, khiến lạm phát khó xử lý hơn.
Ngoài ra, nguy cơ giá cả leo thang đang quay trở lại ở các lĩnh vực khác, đe dọa tới triển vọng nới lỏng tiền tệ. Theo đó, lạm phát hàng hóa và dịch vụ ở Mỹ hiện đang có quỹ đạo khác nhau. Mức tăng giá hàng hóa đang trở lại mức bình thường, trong khi lạm phát dịch vụ vẫn dai dẳng hơn.
Chi phí bảo hiểm xe cơ giới tháng 12 ở Mỹ đã tăng trở lại, ở mức 1,5% so với tháng 11. Trước đó, nó đã tăng 1% trong tháng 11 so với tháng 10 và đã tăng nhanh trong hầu hết năm 2023.
Giá ô tô và xe tải đã qua sử dụng cũng tăng 0,5% trong tháng. Tốc độ lạm phát trong lĩnh vực chăm sóc y tế, giải trí, phương tiện mới, giáo dục và giá vé máy bay cũng cao hơn trong tháng 12.
Khi nói đến chi phí thực phẩm, người Mỹ đang thấy nhẹ nhõm hơn. Tỷ lệ lạm phát đối với hàng tạp hóa vẫn ổn định hàng tháng, với giá cả tăng 0,1% trong tháng 12. Trên cơ sở hàng năm, chỉ số chi phí thực phẩm tại nhà của Mỹ chỉ tăng 1,3% trong tháng 12. Tỷ lệ lạm phát đối với việc ăn uống tại nhà hàng và mang về thực sự đã chậm lại một chút, với mức tăng giá 0,3% trong tháng 12, giảm so với mức 0,4% trong tháng 11. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số thực phẩm tăng 5,2% trong năm qua.
Giá đồ nội thất gia đình đã giảm 0,4% trong tháng 12, cùng với một số loại hàng hóa lâu bền khác, bao gồm đồ nội thất và thiết bị.
Các nhà đầu tư từng kỳ vọng lần giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra trong cuộc họp tháng 3 của Fed. Triển vọng này dường như vẫn không giảm bớt bất chấp các con số lạm phát tiêu cực vừa qua. Dữ liệu sơ bộ vẫn mở cánh cửa để nền kinh tế Mỹ đạt được một cú hạ cánh mềm như Fed từng nói.
Jon Maier, Giám đốc đầu tư tại Global X, nhận định rằng “Sự gia tăng chung của chỉ số CPI tổng thể vào tuần trước là một lời nhắc nhở quan trọng về bản chất không thể đoán trước của sự phục hồi kinh tế và sự u ám của dữ liệu kinh tế vĩ mô”. Theo ông, không nên trông chờ vào việc cắt giảm lãi suất bởi việc Fed ra quyết định về việc này đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.