Khi nhà băng lo… nhiều tiền mặt
Không còn các cuộc đua tăng lãi suất để cạnh tranh huy động vốn, gần đây các nhà băng rất mạnh dạn giảm lãi suất đầu vào. Sở dĩ xuất hiện xu hướng này là do dịch bệnh đang khiến tâm lý tiền mặt lên ngôi.
Tiền dồn về ngân hàng
Vào đầu tháng 2, nhiều ngân hàng (NH) như SHB, Sacombank, Techcombank, MSB... đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn, mức giảm 0,1-0,4%/năm. Việc các nhà băng không tung ra chính sách ưu đãi hấp dẫn sau Tết Nguyên đán để hút tiền trở về NH bằng việc giảm lãi suất huy động, là động thái đi ngược xu hướng thường thấy các năm trước.
Một báo cáo của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tại thời điểm cuối tháng 2, cho biết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NH có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, lãi suất của nhóm 4 NHTM có vốn nhà nước giảm trung bình 0,1%, nhóm NHTMCP có vốn trên 5.000 tỷ đồng giảm 0,07%, nhóm NHTMCP có vốn dưới 5.000 tỷ đồng giảm 0,01%.
Khi tiền gửi là kênh được ưa chuộng đẩy nguồn vốn ồ ạt chạy vào NH, đã khiến các nhà băng đau đầu. Bởi NH không thể từ chối việc huy động vốn dù không cho vay ra được.
Theo BVSC, nguyên nhân lãi suất giảm do tác động tiêu cực của bệnh dịch khiến hơn 16.000 doanh nghiệp (DN) tạm dừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Do hoạt động kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng giảm kéo theo nhu cầu vay vốn, tín dụng giảm, khiến nhu cầu huy động của NH không còn lớn và lãi suất có xu hướng giảm trong tháng 2.
Đầu ra gặp khó khăn, trong khi dịch bệnh bùng phát đã khiến xu hướng gửi tiền vào NH của các tổ chức và cá nhân tăng mạnh, nguồn huy động của NH trở nên dồi dào. Số liệu được công bố trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 vào ngày 3/3 cũng cho thấy xu hướng này. Cụ thể tính đến ngày 20/2, huy động vốn tăng tăng 14,15% so với cùng kỳ 2019. Thanh khoản của các nhà băng dồi dào cũng thể hiện qua đà giảm khá nhanh của lãi suất liên NH.
Vào cuối tháng 2, lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần ở mức 2,02%/năm và 2,42%/ năm, trong khi vào cuối tháng 1, các mức lãi suất này lần lượt 3,2%/năm và 3,3%/năm. Từ đầu tháng 2 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút ròng tiền về qua thị trường mở. Đầu vào dồi dào, đầu ra khó khăn tiếp tục kéo lãi suất của NH đi xuống trong tháng 3. Cụ thể, sau khi NHNN điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, các NH cũng chủ động giảm một số kỳ hạn trên 6 tháng.
Ngân hàng lo…
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, dịch Covid-19 đang khiến hoạt động của DN gặp nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán (TTCK) chao đảo, kênh đầu tư bất động sản cũng không còn thuận lợi. Đồng USD tăng giá trên thị trường thế giới, nhưng đầu tư ngoại tệ cũng khó có lời vì NHNN vẫn kiên quyết giữ ổn định tỷ giá.
Còn vàng, thông thường khi kinh tế thế giới có biến động là kênh trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, hiện nay giá vàng thế giới đang đà rơi xuống. Nguyên nhân do TTCK giảm điểm mạnh, nhiều nhà đầu tư thua lỗ đã lấy vàng dự trữ bán ra để bù lỗ. Đồng thời, nhiều người bán vàng dự trữ để lấy tiền mặt, thậm chí còn rút tiền gửi NH.
Tại Việt Nam, chỉ số VN Index giảm sâu cho thấy nhà đầu tư rút vốn ra rất nhiều. Hiện tại các DN đang cố thủ và giữ thanh khoản để cầm cự. Tâm lý tiền mặt đang bao trùm tại Việt Nam, khiến việc huy động vốn của NH đã trở nên thuận lợi bất ngờ.
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu đây là động thái rất đáng quan tâm. NHNN tăng lãi suất dự trữ bắt buộc để các NH được hưởng lãi suất cao hơn, đồng nghĩa hiện tại hệ thống NH thanh khoản rất tốt. Nhưng điều này chỉ tốt lúc này, nếu kéo dài các nhà băng sẽ gặp bất lợi, do họ phải trả lãi suất huy động cao nhưng không cho vay ra được. Như vậy nếu dịch bệnh còn kéo dài, gánh nặng cho các nhà băng được dự báo không nhỏ. Thực tế, một số NH đã lường trước được những khó khăn, thể hiện qua việc dự kiến giảm mạnh chỉ tiêu lợi nhuận đạt được của năm nay so với năm trước
TS. Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, nhận định dù NHNN đã giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng và các NHTM cũng điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất kỳ hạn trên 6 tháng, nhưng đầu tư, gửi tiết kiệm vẫn sẽ là kênh hiệu quả nhất. Mặc dù nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi xu hướng sắp tới của TTCK, nhưng đổ tiền vào chứng khoán cho thấy rủi ro rất lớn. Đối với kênh đầu tư bất động sản, thanh khoản hiện nay rất kém, trong khi lãi suất vay vốn vẫn chưa hạ.
Với thị trường hàng hóa và đầu tư khác, trên 70% DN đang hoạt động với tính chất cầm cự để vượt qua đại dịch. Trong khi đó, kênh gửi tiết kiệm nếu lãi suất cao hơn mức lạm phát dự kiến 4%, vẫn đang tạo ra mức lợi nhất định cho người dân. Thí dụ với mức lãi suất trung bình kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng vào khoảng 7-8%/năm, trừ ra mức lạm phát 4%, người dân vẫn dư khoảng 3-4%. Còn với chính sách hạ lãi suất tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, nếu người dân gửi kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn có khoảng dư nhất định và giữ được thanh khoản để chờ các kênh đầu tư khác khởi sắc. Vì vậy, nhiều người vẫn đánh giá đây là kênh đầu tư hiệu quả nhất trong mùa dịch bệnh.
Ra sức cạnh tranh huy động vốn là việc thường thấy của các nhà băng trong những năm gần đây. Nhưng thời điểm này, khi tiền gửi là kênh được ưa chuộng đẩy nguồn vốn ồ ạt chạy vào NH, lại trở thành bài toán đau đầu cho các nhà băng. Bởi NH không thể từ chối việc huy động vốn dù không cho vay ra được. Trước hoàn cảnh NH quá dư thừa vốn, NHNN đã phải ra tay hỗ trợ. Cụ thể, khi quyết định giảm tất cả lãi suất điều hành, lãi suất trên thị trường 1, NHNN lại tăng lãi suất cho dự trữ bắt buộc từ 0,8%/năm lên 1%/năm.