Khi tín dụng tăng trưởng nhanh

Theo thoibaonganhang.vn

Trong sự cải thiện của tổng cầu, tiêu dùng và bất động sản đang là các lĩnh vực hút nguồn vốn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tính đến thời điểm 26/10, tín dụng đã tăng 12,51% so với đầu năm 2015 và tăng 19,09% so với cùng kỳ 2014. Với đà tăng này, cùng với diễn biến cải thiện của tổng cầu nền kinh tế, nhiều khả năng đến cuối năm nay tín dụng sẽ đạt mức tăng trưởng 17%. Trong sự cải thiện của tổng cầu, tiêu dùng và BĐS đang là các lĩnh vực hút nguồn vốn.

Dư nợ bất động sản cải thiện

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR - thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), tín dụng cho BĐS đang có xu hướng tăng cao. Thị trường khởi sắc với mặt bằng giá tăng nhẹ, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp…

Minh chứng cho luận điểm này, VEPR dẫn nguồn thống kê từ Savills và CBRE cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay đã có khoảng hơn 11.800 căn hộ được bán ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Hầu hết các phân khúc căn hộ đều có xu hướng tăng nhẹ về giá.

Diễn biến trên cho thấy, các giải pháp của NHNN, chẳng hạn như giảm hệ số rủi ro từ 250% xuống 150% đối với cho vay BĐS theo Thông tư 36… đã bắt đầu có hiệu ứng lan truyền trên thực tế, kích thích mạnh mẽ vào thị trường nhà đất. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, tín dụng từ đầu năm đến nay đổ nhiều nhất vào khu vực tiêu dùng và BĐS.

Theo một thống kê được ông Thành thực hiện thì đến hết tháng 8/2015, tín dụng vào BĐS, tiêu dùng, chứng khoán tăng trưởng ở mức 38,6% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực BĐS chính thức thu hút khoảng 1/3 trong tổng số dư nợ, ước đạt khoảng 450 ngàn tỷ đồng. So các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia… thì tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đang ở mức cao hơn.

Đáng chú ý là cùng với xu hướng vốn chảy vào BĐS nói trên, rủi ro xuất hiện “bong bóng tài sản” lại không đáng lo ngại. Bởi vì, từ đầu năm tới nay mặc dù dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS khá lớn (chiếm khoảng 8% tổng dư nợ) nhưng giá nhà đất không bị thổi phồng. Những thống kê của Savills và CBRE đều cho thấy trong suốt quý III/2015, dù sức hấp thụ của thị trường căn hộ tăng mạnh ở mức 50-59% so với cùng kỳ năm 2014, nhưng giá BĐS diễn biến khá ổn định, chỉ tăng nhẹ chứ chưa có dấu hiệu “sốt nóng”.

Trong suốt quý II/2015 chỉ số giá BĐS tại Hà Nội chỉ tăng 1 điểm phần trăm, trong khi TP. Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,3 điểm phần trăm. Bước sang quý III, một số phân khúc như căn hộ trung và cao cấp thậm chí còn đối mặt chiều hướng giảm giá vì nguồn cung từ các dự án tăng mạnh mẽ. Quan sát thực tế cho thấy, 9 tháng qua đã có khoảng 26 dự án căn hộ trung, cao cấp (tương đương hơn 10.000 căn hộ) được các chủ đầu tư mở bán. Trong khi đó, lượng hấp thụ các sản phẩm này dừng lại ở con số khiêm tốn hơn, khoảng trên 3.500 căn.

Điều này cho thấy, khả năng tăng giá đột biến ở khu vực này từ nay đến cuối năm là không cao. Vì thế, việc BĐS hút mạnh vốn từ đầu năm đến nay không tạo ra nguy cơ “bong bóng tài sản”. Chưa kể rằng, sau cú sốc mạnh mẽ trên thị trường BĐS vào các năm 2008-2010, hiện nay hầu hết các NHTM đều “chọn mặt gửi vàng”.

Đa phần các dự án tiếp cận được nguồn vốn đều là những dự án thuộc về các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh. Hơn nữa, các NHTM dù cam kết tài trợ vốn nhưng việc giải ngân cơ bản được kiểm soát chặt theo mô hình cuốn chiếu có bảo lãnh nghĩa vụ tài chính, chứ không còn mạnh tay vung tiền vào các dự án “nhà trên giấy” như thời gian trước đây.

Vốn huy động bớt vào trái phiếu

Ngoài BĐS, lĩnh vực cho vay tiêu dùng từ đầu năm tới nay cũng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Thống kê của NHNN vào cuối tháng 9 cho thấy, tỷ trọng cho vay tiêu dùng chiếm khoảng 8,2% tổng dư nợ toàn hệ thống. Như vậy, nếu tính toán đầy đủ thì khoản vốn mà các NHTM đổ vào cho vay tiêu dùng cũng đạt gần nửa triệu tỷ đồng, tương đương với lĩnh vực BĐS.

Việc các TCTD đẩy mạnh cho vay tiêu dùng chứng tỏ sức mua trên thị trường đang tiếp tục hồi phục mạnh. Nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên đồng nghĩa rằng nhiều gia đình đang có trạng thái tài chính tốt và đủ sức trả nợ cho các khoản vay mua sắm nhà cửa, xe cộ… Tuy nhiên, ở góc độ kinh doanh phải nhìn nhận rằng các NHTM đang phải cạnh tranh khốc liệt ở thị phần bán lẻ.

Thực tế từ đầu tháng 2/2015 tới nay, khi Thông tư 36/2014/NH của NHNN chính thức có hiệu lực thì sức mua trái phiếu Chính phủ của các NHTM cũng có chiều hướng suy giảm.

Theo đó, một NHTM tỷ lệ đầu tư trái phiếu Chính phủ không được quá 10% vốn điều lệ. Điều này buộc các NH phải nỗ lực tìm kiếm thị trường để tiêu thụ nguồn vốn huy động tăng trưởng khá tốt từ đầu năm đến nay. Thế nhưng, tăng trưởng tín dụng còn phụ thuộc hoạt động sản xuất trong nền kinh tế, vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, nên dòng vốn tìm vào các thị trường ngách, như DNNVV, tiêu dùng…

Trên tổng thể tín dụng BĐS có mức tăng nhanh, nhưng đến nay mới chiếm chưa đến 10% tổng dư nợ, thống kê của NHNN; nhất là trong bối cảnh thị trường tiêu thụ căn hộ hiện nay đi vào nhu cầu đời sống, chứ không phải sức hút kinh doanh như những năm trước đây nên có thể tín dụng BĐS đang chia sẻ lợi ích với người mua nhà để ở.