Agribank Chi nhánh Điện Biên:

Tích cực triển khai chính sách tín dụng nông nghiệp

PV.

Để phát huy cao nhất hiệu quả đồng vốn tín dụng, góp phần giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu, trong những năm qua, Agribank Chi nhánh Điện Biên đã tích cực triển khai chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Điện Biên là một trong những tỉnh vùng cao biên giới, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp và không đồng đều, tỷ lệ hộ đói, nghèo còn cao. Vì vậy, tín dụng ngân hàng có vai trò rất quan trọng trong việc cung ứng nguồn vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ sản xuất. Là một trong ba NHTM Nhà nước bám trụ trên địa bàn, Agribank Chi nhánh Điện Biên đã có những đóng góp không nhỏ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Trong những năm qua, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hoạt động của Agribank Chi nhánh Điện Biên đã góp phần đáng kể trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của tỉnh, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Dư nợ cho vay của Chi nhánh đã tăng từ 2.500 tỷ đồng năm 2010 lên 4.700 tỷ đồng như hiện nay.

Trong đó, tỷ lệ dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn của Agribank Chi nhánh Điện Biên luôn chiếm trên 75% tổng dư nợ. Cùng với đó là mức cho vay đối với một hộ gia đình cũng tăng, từ mức vài chục triệu đồng trước đây hiện đã lên hàng tỷ đồng.

Ngân hàng đã chủ động kết hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng được tiếp cận, vay vốn. Dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá những thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương, chúng tôi cũng đã có những giải pháp nhằm mở rộng cho vay đến các thành phần kinh tế.

Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng của Agribank Chi nhánh Điện Biên đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiều dự án, công trình trọng điểm của tỉnh; cơ sở hạ tầng đô thị, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã từng bước được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; đời sống nhân dân ngày một nâng lên...

Bên cạnh đó, Agribank Chi nhánh Điện Biên đã không ngừng tuyên truyền, vận dụng chính sách tín dụng đến với người dân nơi đây. Cụ thể là, Qua 5 năm thực hiện Nghị định 41, Agribank Chi nhánh Điện Biên đã giải ngân cho 16.617 lượt khách hàng vay với doanh số đạt 2.548 tỷ đồng; hiện 6.123 khách hàng còn dư nợ với số tiền 527 tỷ đồng. Trong đó, vốn của ngân hàng tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực như cho vay chi phí sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nghề và hạ tầng nông thôn; chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Khi nói đến vai trò của cơ chế chính sách tín dụng khơi thông dòng vốn nông nghiệp, Giám đốc Agribank Chi nhánh Điện Biên chia sẻ: Có thể nói, một trong những kết quả nổi bật nhất của Nghị định 41 là đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chính sách của Nhà nước đối với tín dụng nông nghiệp, nông thôn, phù hợp với tình hình mới, về cơ bản khắc phục được những bất cập của Quyết định 67 sau hơn 10 năm thực hiện. Nghị định này giúp chương trình cho vay lan tỏa và tạo ra sức sống mới cho tỉnh. Tín dụng nông nghiệp, nông thôn đã từng bước góp phần tăng trưởng, ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh.

Sau khi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp - nông thôn được ban hành; Agribank Việt Nam đã có Quyết định số 515/QĐ/HĐTV-HSX hướng dẫn thực hiện Nghị định 55. Agribank Chi nhánh Điện Biên cũng đã tổ chức triển khai tới toàn thể cán bộ nhân viên trong đơn vị để nắm bắt nội dung nghị định và các chính sách liên quan. Agribank Chi nhánh Điện Biên cũng đã tổ chức tuyên truyền đến khách hàng, đặc biệt là khu vực nông thôn về chính sách tín dụng của Chính phủ.

Nhìn chung, chính sách được người dân đồng tình, ủng hộ. Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, các sở, ban ngành, NHNN tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đặc biệt quan tâm trong phối hợp triển khai thực hiện. Đến nay, sau hơn 2 tháng triển khai Nghị định 55, Agribank Chi nhánh Điện Biên đã giải ngân cho 849 khách hàng vay vốn với tổng số tiền trên 83 tỷ đồng. Nghị định 55 được xem là bước đột phá trong chính sách tín dụng đối với cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân, với nhiều sửa đổi, bổ sung mang tính tích cực; giải quyết những vướng mắc trong quy định tại Nghị định 41.

Những quy định của Nghị định 55 về mở rộng đối tượng cho vay; nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm... sẽ khuyến khích người dân đầu tư nhiều hơn cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt với những mô hình sản xuất liên kết, ứng dụng công nghệ cao có thể được vay đến 70-80% giá trị dự án sản xuất mà không cần tài sản đảm bảo... sẽ khuyến khích Điện Biên phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản.

Ngoài ra, Nghị định 55 cũng quy định cụ thể về cơ chế cơ cấu lại nợ, xử lý rủi ro, miễn giảm lãi, xóa nợ trong những trường hợp khách hàng gặp rủi ro vì nguyên nhân khách quan, bất khả kháng... Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho các NHTM nói chung và Agribank nói riêng khi đầu tư cho tam nông. Đây là những điểm nổi bật, có ý nghĩa quan trọng để chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, để chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả cao hơn nữa, Agribank Chi nhánh Điện Biên đề nghị Tỉnh ủy, UBND giúp đỡ chỉ đạo tập trung, thống nhất, phối hợp tuyên truyền, tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị định 55 của Chính phủ, tạo sự đồng thuận về chính sách tín dụng từ tỉnh tới các huyện, xã, các ban ngành, đoàn thể và tổ chức kinh tế, các hộ gia đình có nhu cầu vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.