Khi Trung Quốc không muốn làm công xưởng
Không bằng lòng với vai trò là công xưởng thế giới, Trung Quốc tung ra số dự trữ ngoại hối khổng lồ để mua lại các công ty lớn của phương Tây cùng với công nghệ của họ. Bắc Kinh đã cắm lá cờ của mình tại khắp nơi trên bản đồ kinh tế thế giới, và không còn tự giới hạn ở việc tham gia góp vốn vào các công ty ngoại quốc, nhằm thương lượng chuyển giao công nghệ để đổi lấy thị phần nội địa.
Xu hướng thâu tóm
Theo quỹ ACapital có trụ sở tại Bắc Kinh và Hong Kong, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư 118 tỷ USD ra nước ngoài trong năm 2015, tăng 15% so với năm trước, với các mục tiêu đa dạng: sở hữu được các nhãn hiệu nổi tiếng, công nghệ và chuỗi phân phối để tăng thêm giá trị, chiếm được thị phần tại các vùng đất chưa khai thác, đồng thời chia nhỏ rủi ro tài chính. Lần đầu tiên trong lịch sử, đường cong biểu thị đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã tiệm cận, và trong năm 2016 có thể vượt qua số vốn được các tập đoàn đa quốc gia trên khắp thế giới đầu tư vào nước này. Khoảng cách giữa hai con số nay chỉ là 8 tỷ USD, ít hơn nhiều so với 48 tỷ USD của 10 năm trước.
Từ lâu, đất nước có dự trữ ngoại hối khổng lồ đã thành công trong việc lăng-xê các tập đoàn đa quốc gia của mình như Huawei trong ngành viễn thông, Haier về thiết bị điện tử gia đình. Nhưng việc ChemChina tung đến 43 tỷ USD để mua tập đoàn Syngenta của Thụy Sĩ vào đầu tháng 2 vừa qua đã đánh dấu một bước ngoặt mới, là biểu tượng cho tham vọng quốc tế hóa của Bắc Kinh. Đây là vụ thâu tóm quan trọng nhất từ trước tới nay, so với vụ tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC mua công ty năng lượng Nexen của Canada với giá 15,2 tỷ USD hồi năm 2013. Và đây không phải là phi vụ cuối cùng vì kinh tế Trung Quốc cần tìm những lối thoát bằng cách vươn ra ngoài biên giới.
Một nguồn tin phương Tây ở Bắc Kinh cho biết lợi dụng châu Âu bị khủng hoảng, Bắc Kinh đã thâu tóm được nhiều doanh nghiệp với giá rẻ; đồng thời đặt chân được vào thị trường châu lục này. Sau Anh và Đức, Pháp là nước thứ ba bị Trung Quốc dòm ngó. Chẳng hạn, Fosun mua lại công ty du lịch Club Med, Jinjiang kiểm soát Louvres Hotel Group, một tập đoàn khác chiếm được 49,9% vốn của sân bay Toulouse-Blagnac. Đang cần tiền, Chính phủ Pháp không còn phản đối việc Trung Quốc mua lại các công ty được coi là chiến lược, với điều kiện phần góp vốn phải dưới 50%. Có thể kể đến tập đoàn xe hơi PSA, tập đoàn nguyên tử Areva, tập đoàn điện lực Pháp EDF…
Tuy nhiên tại Mỹ thì khó khăn hơn. Chủ trương bảo hộ của Mỹ đã phần nào ngăn lại tham vọng của Trung Quốc. Năm 2005, CNOOC đành phải rút lui, không mua được công ty dầu lửa Unocal; năm 2008, Chính quyền liên bang Mỹ không cho Hoa Vi mua lại 3Com, và mới đây, chuỗi khách sạn Starwood đã chọn lựa đồng hương Marriott thay vì bán lại cho nhóm Angbang của Trung Quốc. Tuy vậy, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ cũng đã tăng 30% so với năm 2014, và sẽ còn tiếp tục tăng.
Nhu cầu nội tại
Các nhà phân tích đã chỉ ra bối cảnh u ám hiện nay của nền kinh tế Trung Quốc để giải thích xu hướng này. Trong tháng 2.1016, xuất khẩu sụt giảm đến 25% (mức cao nhất kể từ tháng 5.2009), tăng trưởng chỉ còn 6,9% trong năm 2015 (mức thấp nhất trong một phần tư thế kỷ), hoạt động sản xuất công nghiệp xuống thấp nhất từ 4 năm qua… Những đám mây xám xịt vần vũ trên bầu trời Trung Quốc vào đầu năm 2016, làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thế giới.
Các tập đoàn quốc doanh muốn đáp ứng những nhu cầu chiến lược của Trung Quốc: tự cung ứng được thực phẩm, bảo đảm nguồn cung năng lượng, nâng cấp kỹ nghệ và công nghệ mới… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân thì tìm cách bảo vệ nguồn vốn của mình, mang đi xa khỏi thị trường tài chính Trung Quốc đang chao đảo.
Về phía các quỹ đầu tư Trung Quốc cũng không chịu bó tay khi thị trường nội địa quá nhiều cạnh tranh, tỉ lệ lãi ít, lĩnh vực đầu tư hạn chế. Theo nhà phân tích Christine Lambert-Goué của ngân hàng Invest Securities, nếu cách đây bốn, năm năm, người Trung Quốc chủ yếu mua các công ty trong lĩnh vực nguyên vật liệu, thì nay họ đã đa dạng hóa, từ nông sản thực phẩm, địa ốc cho đến công nghệ.