Kho bạc Nhà nước: Cụ thể hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2030

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 4/2022

Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 455/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030. Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 là một bộ phận của Chiến lược tài chính đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 18/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và đồng bộ với chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực liên quan.

Đến năm 2025, Kho bạc Nhà nước vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng Kho bạc số.
Đến năm 2025, Kho bạc Nhà nước vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng Kho bạc số.

Chiến lược hướng đến phát triển hệ thống Kho bạc Nhà nước hiện đại, đóng vai trò là một bộ phận quan trọng trong hệ thống quản lý tài chính công, góp phần khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước.

Mục tiêu cơ bản mà Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 đặt ra là, xây dựng Kho bạc Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước, ngân quỹ nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn cho ngân sách nhà nước; thực hiện tốt chức năng tổng kế toán nhà nước; kiện toàn bộ máy tổ chức gắn với tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, có sự kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu khác của ngành tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Theo đó, các mục tiêu phát triển KBNN đến năm 2030 cũng đã được cụ thể hóa gồm:

Một là, đến năm 2025, Kho bạc Nhà nước vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng Kho bạc số; cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo phương thức điện tử (trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật nhà nước); liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách nhà nước; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi ngân sách nhà nước theo thời gian thực; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo hướng kiểm soát theo rủi ro. Sau năm 2025, tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Kho bạc số.

Hai là, phấn đấu kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ đạt từ 9 - 11 năm, lãi suất và chi phí phát hành hợp lý, góp phần cơ cấu lại, tăng tính an toàn, bền vững nợ công.

Ba là, đến năm 2025, kết quả dự báo luồng tiền của ngân quỹ nhà nước chênh lệch không quá 10% so với thực tế; đến năm 2030, kết quả dự báo chênh lệch không quá 5% so với thực tế và số dư ngân quỹ nhà nước nhàn rỗi cuối ngày bình quân không vượt quá số chi ngân quỹ nhà nước bình quân 01-02 ngày.

Bốn là, cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin về tài chính - ngân sách nhà nước phù hợp với chuẩn mực kế toán công để phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan có thẩm quyền và hoạt động kiểm tra, giám sát, nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước. Phấn đấu đến năm 2030, thời gian lập và trình báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo tài chính nhà nước hàng năm giảm từ 6 - 12 tháng so với năm 2020.

Năm là, trước năm 2025, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các điều kiện về cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để đến năm 2030, cơ bản hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình kho bạc 2 cấp và giảm được ít nhất 15% biên chế so với năm 2020.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà hệ thống Kho bạc Nhà nước cần thực hiện gồm: Cải cách, hiện đại hóa các chức năng quản lý quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước của Kho bạc Nhà nước; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước hình thành Kho bạc số; Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực; Chuyển đổi phương thức quản lý và cung cấp dịch vụ kho bạc; Hiện đại hóa công tác thanh tra - kiểm tra và triển khai kiểm toán nội bộ và các nhiệm vụ, giải pháp khác.

Tại Quyết định số 455/QĐ-TTg, Bộ Tài chính được giao xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện và chỉ đạo, giám sát tình hình triển khai Chiến lược; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung Chiến lược để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp theo quy định của pháp luật để thực hiện cải cách, hiện đại hóa Kho bạc Nhà nước theo Chiến lược.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức chỉ đạo và thực hiện Chiến lược; tập trung vào việc triển khai hoàn thiện các quy chế, quy định; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng, hệ thống, dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 thể hiện quan điểm kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới và tiếp thu, tiếp cận trình độ phát triển tiên tiến của khu vực và thế giới, dựa trên phương thức quản trị hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính quốc gia, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; lấy hiện đại hóa công nghệ thông tin là khâu đột phá; cải cách cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ là nền tảng; gắn hiện đại hóa các chức năng với đổi mới mô hình tổ chức để tạo động lực phát triển Kho bạc Nhà nước đồng bộ, toàn diện.