Kho bạc Nhà nước: Đóng góp tích cực cho nền Tài chính Quốc gia

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Cách đây 24 năm (1/4/1990), toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) chính thức đi vào hoạt động. 24 năm - một quãng thời gian ghi nhận những nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức trong việc tạo dựng, hoàn thiện, phát triển chức năng, nhiệm vụ để có một hệ thống KBNN như ngày hôm nay...

 Kho bạc Nhà nước: Đóng góp tích cực cho nền Tài chính Quốc gia
Cách đây đúng 24 năm (1/4/1990), toàn hệ thống KBNN chính thức đi vào hoạt động. Nguồn: internet

Không còn chỉ là người thủ quỹ đơn thuần

Trong 24 năm qua, KBNN đã có những bước hoàn chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ được giao. Với 3 lần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện, đến nay KBNN có chức năng quản lý nhà nước về quỹ ngân sách nhà nước (NSNN), các quỹ tài chính nhà nước và các quỹ khác của Nhà nước được giao quản lý; quản lý ngân quỹ nhà nước; tổng kế toán nhà nước; thực hiện huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) theo quy định của pháp luật.

Ngay từ ngày đầu thành lập, hệ thống KBNN đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu và chính quyền các cấp trong việc tổ chức tập trung nguồn thu của NSNN. KBNN đã đặc biệt chú trọng đến việc hoàn thiện cơ chế tập trung các khoản thu, chủ động tham mưu cho Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn tổ chức công tác thu thuế trực tiếp qua hệ thống KBNN. Đây là văn bản khởi đầu cho cơ chế tập trung, quản lý các khoản thu trực tiếp qua KBNN, nhằm thay thế dần phương thức thu thụ động chỉ đơn thuần là nhập quỹ.

Năm 2004, Quốc hội sửa đổi Luật NSNN, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, KBNN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu để đưa ứng dụng công nghệ vào công tác thu nộp ngân sách thông qua việc triển khai Dự án Hiện đại hóa quy trình quản lý thu, nộp thuế giữa cơ quan thuế - KBNN- hải quan - tài chính.

Đến nay, dự án đã hoàn thành triển khai tại tất cả các địa phương trên cả nước và công tác phối hợp thu với các ngân hàng thương mại cũng đã được triển khai tại 62 tỉnh, thành phố với khoảng trên 650 đơn vị KBNN quận, huyện. Vì vậy, mặc dù quy mô thu NSNN qua KBNN tăng rất nhanh qua các giai đoạn và đến nay đã lên đến trên 800.000 tỷ đồng/năm, nhưng hệ thống KBNN đã phối hợp tích cực với các cơ quan thu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Luật NSNN ra đời cùng với các văn bản hướng dẫn đã tạo tiền đề, cơ sở pháp lý cho công tác tổ chức chi và kiểm soát chi. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý chi NSNN được quy định rõ ràng. KBNN từ chỗ chỉ đơn thuần xuất, nhập quỹ NSNN theo lệnh chuẩn chi của cơ quan tài chính hoặc đơn vị dự toán đã chuyển sang thực hiện kiểm tra, kiểm soát theo thực chi, đảm bảo đúng định mức, tiêu chuẩn và dự toán được duyệt.

Bắt đầu từ ngày 1/6/2013, hệ thống KBNN đã triển khai việc quản lý kiểm soát cam kết chi qua KBNN. Đây là một bước tiến mới trong quản lý ngân sách, việc thực hiện kiểm soát cam kết chi đã hỗ trợ cho việc thực hiện kế toàn dồn tích và lập ngân sách trung hạn của cơ quan tài chính các cấp và các bộ, ngành, địa phương thông qua việc quản lý các hợp đồng nhiều năm.

Kỳ tích về huy động vốn

Ngay từ khi ra đời, hệ thống KBNN đã tích cực tham gia vào việc thực thi chính sách tài chính tiền tệ, huy động các nguồn lực nhàn rỗi cho NSNN, góp phần kiểm soát lạm phát thông qua việc phát hành tín phiếu KBNN. Kể từ đó, huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển trở thành một trong những chức năng, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống.

Để tạo hành lang pháp lý cho công tác huy động vốn, ngày 26/7/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/CP về quy chế phát hành TPCP. Theo đó, cơ chế phát hành đã được cải tiến. Từ năm 2000 đến nay, công tác phát hành trái phiếu được từng bước hoàn thiện; tăng cường khả năng huy động vốn trong nước đồng thời, đảm bảo phù hợp với sự phát triển của thị trường tài chính- tiền tệ.

Những cố gắng của KBNN đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường TPCP trong những năm gần đây. Quy mô phát hành năm 2013 so với năm 2010 gấp 2,5 lần; so với năm 2000 gấp 17 lần; và so với năm 1991 gấp 830 lần. Đặc biệt, trong năm 2013, dưới sự tác động xấu của nền kinh tế nhưng KBNN đã huy động đạt và vượt mức kế hoạch đề ra, đây được coi là “kỳ tích” của KBNN  giúp cho khối lượng phát hành TPCP trong 24 năm qua đạt trên 800.000 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào việc cân đối ngân sách.

Và tiếng lòng tri ân cùng xã hội

Ngoài làm tốt các nhiệm vụ chuyên môn, toàn hệ thống KBNN còn tích cực tham gia công tác xã hội, các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa. Cán bộ, công chức hệ thống KBNN đã tham gia các hoạt động ủng hộ người nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam và Quỹ mái ấm tình thương do Trung ương Mặt trận Tổ quốc và Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động....

Năm 2012, toàn thể cán bộ, công chức hệ thống KBNN đã ủng hộ “Quỹ vì Trường sa thân yêu” trên 1,7 tỷ đồng; năm 2013, ủng hộ Quỹ Khuyến học của UBND xã tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang 3 tỷ đồng. Đến nay toàn hệ thống KBNN đã xây dựng hàng chục căn nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng hơn 100 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ cán bộ, con em trong ngành gặp nhiều khó khăn...

Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, cán bộ công chức toàn hệ thống KBNN đã quyên góp 1 ngày lương vào Quỹ Xây dựng công trình kỷ niệm ATK Tuyên Quang của Bộ Tài chính... Đặc biệt, từ năm 2011- 2013 các cán bộ, công chức đã chung tay góp sức cùng ngành Tài chính xây dựng nâng cấp Khu hành lễ Nghĩa trang quốc gia đường 9 với tổng số tiền trên 8,3 tỷ đồng; trích từ quỹ phúc lợi tập trung xây dựng tặng nhân dân tỉnh Quảng Trị Trường mầm non Họa Mi với tổng mức đầu tư trên 5,6 tỷ đồng...

Với tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hệ thống KBNN đã từng bước ổn định, phát triển gắn với hiện đại hóa cả về chức năng, nhiệm vụ; đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới và lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia. 

Bảng vàng thành tích của hệ thống Kho bạc nhà nước

Năm 1994: Huân chương Lao động hạng Nhì cho toàn thể cán bộ, công chức hệ thống KBNN.

Năm 1998: Cờ thi đua của Chính phủ

Năm 1999: Huân chương Độc lập hạng Ba

Năm 2004: Huân chương Độc lập hạng Nhất và Cơ thi đua của Chính phủ

Năm 2010: Huân chương Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống cũng đạt được các thành tích suất sắc và nhận được Huân chương Lao động hạng nhất

Năm 2004: Tập thể cán bộ, công chức KBNN Thành phố Hồ Chí Minh

Năm 2005: Tập thể cán bộ, công chức KBNN Krong Anna thuộc KBNN Đắk Lắk; Tập thể cán bộ, công chức KBNN Hương Thủy thuộc KBNN Thừa Thiên Huế; Tập thể cán bộ, công chức KBNN Cai Lậy thuộc KBNN Tiền Giang.

Năm 2008: KBNN Hải Dương, KBNN Thanh Hóa, KBNN An Giang, KBNN Đắk Lắk.