Khó cũ chưa qua, khó mới đang chờ

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình có lẽ cần cả 10 chữ được tặng để tiếp tục giữ vững ghế nóng trong năm tới: Thông tuệ – bản lĩnh – đột phá – hiệu quả và niềm tin

Khó cũ chưa qua, khó mới đang chờ
Tăng trưởng tín dụng dự kiến được đẩy lên 12-14% trong năm 2014. Nguồn: internet
2013 không phải năm “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” của ngành ngân hàng. Nhưng công bằng mà nói, bức tranh tiền tệ đã có nhiều điểm sáng đáng nói.

Kiểm soát lạm phát: điểm sáng dễ thấy

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm trong kiểm soát lạm phát, nhưng thực tế NHNN vẫn là cơ quan chính gánh trọng trách này. Vì vậy, việc lạm phát được kiểm soát ở mức 6% trong năm 2013 là một thành công đáng ghi nhận của cơ quan này.

Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp, lạm phát được kiểm soát đúng mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, điểm dễ nhận thấy là do tín dụng tăng trưởng thấp, liên tục không đạt kế hoạch đề ra trong 3 năm gần đây (năm 2013 tăng khoảng 9%; năm 2012 là 8,91%; 2011 là 11%) trở thành lực cản “kiềm chế” tốc độ tăng của lạm phát.

Và cũng chính vì lạm phát thấp, tín dụng tắc đầu ra nên lãi suất có cơ hội giảm mạnh trong năm nay. Ngay từ báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm, đến tổng kết cả năm 2013, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, NHNN đều nhấn mạnh: mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh. Sau nhiều lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất đã giảm 2 – 5 điểm phần trăm so với năm 2012.

Tuy nhiên, năm 2014, NHNN đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12-14%. Cơ sở nào để cơ quan này đưa ra con số ấy? Trước hết, vì Quốc hội đặt ra mức tăng trưởng kinh tế năm 2014 là 5,8%, cao hơn 2013. Mà lâu nay tín dụng vẫn là kênh chính hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, sau một thời gian dài “đói” vì lợi nhuận sụt giảm, nếu tín dụng không tăng trở lại trong năm 2014, nguồn thu không được cải thiện… sẽ có thêm nhiều ngân hàng thương mại nữa phải sáp nhập, hợp nhất, thậm chí phá sản.

Nhưng mục tiêu hàng đầu của Chính phủ là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, dù có muốn cứu các ngân hàng, NHNN vẫn phải lấy kiểm soát lạm phát làm trọng. Trong khi đó, dự báo, 2014 sẽ là năm khó giữ cương lạm phát ở khoảng 7% theo mục tiêu đề ra của Quốc hội. Bởi việc điều chỉnh giá các mặt hàng trong lĩnh vực thiết yếu như điện, xăng dầu, viện phí… tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đến diễn biến lạm phát trong năm 2014. Bên cạnh đó, bội chi ngân sách được nới lỏng lên 5,3% GDP; cùng việc phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ thì giá cả năm 2014 sẽ chịu áp lực không nhỏ từ việc mở rộng tài khóa.

Vàng, đô: Giữa hai miền sáng – tối

Ngay từ đầu năm, NHNN đã cam kết ổn định tỷ giá với biên độ tăng không quá 2-3% trong năm 2013. Dù sự dư thừa tiền đồng khiến các tổ chức tín dụng đẩy sang đôla Mỹ, gây áp lực lên tỷ giá, NHNN đã rất kiên định khi chỉ điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên mức 21.036 VND/USD từ ngày 28/6/2013 sau hơn 1 năm duy trì ổn định.

Song hành với tỷ giá là vàng. Đấu thầu bán vàng là một hoạt động ngoại lệ, chỉ có ở Ngân hàng Trung ương Việt Nam. Nhưng công bằng mà nói, việc NHNN liên tục bán vàng ra đã giúp cân bằng cung – cầu của thị trường khi các tổ chức tín dụng cần vàng để tất toán tài khoản huy động vàng (tính từ ngày 28/3/2013 đến 13/12/2013 NHNN đã tổ chức 74 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.785.200 lượng/1.897.000 lượng chào thầu). NHNN đã dần thiết lập được trât tự, kỷ cương trên thị trường vàng.

Tất nhiên, sự thành công này phần nhiều được hỗ trợ bởi sự sụt giảm mạnh của giá vàng thế giới, khiến vàng không còn hấp dẫn. Việc kinh doanh vàng của NHNN cũng đã mang lại nguồn lợi không nhỏ hỗ trợ cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh thiếu hụt nguồn thu. Tại Hội nghị triển khai ngành Ngân hàng 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành nhiều lời khen ngợi chính sách điều hành, quản lý ngoại hối của NHNN và khẳng định: NHNN phải độc quyền xuất nhập khẩu vàng. Vì vậy, cho dù vấn đề chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới chưa được giải quyết trong năm 2013 thì sẽ không phải là chuyện lớn của 2014.

Và góc khuất

Dù đã dồn nhiều tâm huyết, quyết tâm, nhưng vấn đề lớn nhất trong quá trình thực hiện tái cơ cấu của ngành ngân hàng là xử lý nợ xấu đã không được như mong đợi. VAMC – công ty mua bán nợ xấu mới chỉ thực hiện được một nhiệm vụ là mua nợ xấu, nhưng cũng không đạt mức như kỳ vọng là 30-40 ngàn tỷ đồng nợ xấu. Có quá nhiều vấn đề đằng sau những món nợ xấu đã “lộ danh“. Chưa kể tới đây, khi nhiều góc khuất của các món cho vay được đưa ra ánh sáng, thì nợ xấu sẽ còn nhiều nữa.

Thứ hai, với lý do vì sức cầu vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế yếu, nên NHNN đã cho phép các ngân hàng sử dụng nhiều biện pháp hỗ trợ: cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay và đặc biệt cho phép khách hàng có nợ xấu tiếp tục được vay vốn… tất cả những biện pháp này thực chất là hạ chuẩn tín dụng. Đó là nguy cơ lớn cho nợ xấu bùng lên vào năm 2014.

Đặc biệt, Thông tư số 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài… đã được NHNN lùi thời gian áp dụng đến 1/6/2014. Vậy mà, tại Hội nghị toàn ngành vừa qua, 4/5 ý kiến phát biểu của đại diện các ngân hàng thương mại đều đề nghị NHNN lùi tiếp một năm nữa.

Điều này chứng tỏ các ngân hàng đều nhìn thấy nguy cơ chuyển nhóm nợ của nhiều món cho vay. Nếu tỷ lệ nợ xấu thuộc các nhóm 4 và 5 tăng lên, hoạt động tín dụng của họ sẽ tê liệt. Song có lẽ, NHNN sẽ không thể mạo hiểm lùi tiếp thời điểm áp dụng quy định này. Vì nếu lùi tiếp, thị trường sẽ nhìn nhận NHNN chùn tay trước thách thức của quá trình tái cơ cấu.

Năm 2014, NHNN tiếp tục điều hành theo phương thức cũ: chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt. Các mức lãi suất được NHNN kiểm soát và điều tiết phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là lạm phát. Chính sách điều hành tỷ giá cũng vẫn là: ổn định, nhưng không cố định. Dự trữ ngoại hối được cho là đã tăng nhiều, nhưng hiện vẫn chỉ đạt 12 tuần nhập khẩu (theo lời Thủ tướng nói hôm 18/12 tại Hội nghị ngành ngân hàng). Vì vậy, NHNN phải tiếp tục hướng đến mục tiêu tăng dự trữ ngoại hối, giảm tình trạng đôla hóa nền kinh tế…

Và một vấn đề tưởng như không mới nhưng chưa bao giờ cũ, đó là phối hợp chính sách, không chỉ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, với hai nhân vật chính là Bộ Tài chính và NHNN mà sẽ cần cả Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương… Đơn cử, gói tín dụng 30 ngàn tỷ đang dậm chân tại chỗ vì các bộ, ngành này thay vì hợp sức giải quyết các vướng mắc thì cứ liên tục “chuyền bóng” cho nhau. Vì vậy, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến đã phải thốt lên: “Rất mong muốn phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ với các bộ, ngành trong hành động, chứ không chỉ ở lời nói”.