Khoa học, công nghệ mới - nhân tố đột phá trong công tác bảo vệ môi trường

Minh Anh

Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng các công nghệ mới như: công nghệ ít chất thải; công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường; công nghệ tái chế và tái sử dụng chất thải; công nghệ carbon thấp, công nghệ thông tin, internet kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo… đang được đặc biệt quan tâm, đầu tư nhằm phát triển cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia, nâng cao năng lực quản lý môi trường, dự báo sớm ô nhiễm môi trường.

Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về môi trường
Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về môi trường

Là cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện hiệu quả các đề tài khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong quản lý và bảo vệ môi trường (BVMT) giai đoạn 2016 - 2020” và phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ BVMT và phòng tránh thiên tai”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia khác; Đồng thời, tập trung vào nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, các mô hình phát triển kinh tế xanh; phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, dự án chuyển giao công nghệ.

Ngành Tài nguyên và Môi trường có nhiều nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm góp phần giải quyết những vấn đề môi trường như: đánh giá và lựa chọn công nghệ thân thiện môi trường để xử lý chất thải nguy hại, ô nhiễm chất hữu cơ; cải tạo và phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; bồi thường thiệt hại về môi trường; đánh giá tác động môi trường đối với dự án nhà máy điện hạt nhân; tính tải lượng ô nhiễm nguồn nước sông...

Theo đó, các doanh nghiệp trong nước đã bước đầu có khả năng tự thiết kế và chế tạo tương đối đủ các loại hình công nghệ xử lý chất thải phổ biến, đã xuất hiện những mô hình công nghệ xử lý chất thải của Việt Nam phù hợp với yêu cầu quốc tế.

Tại địa phương, nhiều chương trình, dự án nghiên cứu khoa học về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học đã được tích cực triển khai như: dự án nghiên cứu giải pháp xử lý nước thải chăn nuôi sau biogas bằng phương pháp Wetland (tỉnh Bình Định); đề tài “Đánh giá hiện trạng, dự báo diễn biến đa dạng sinh học; chất lượng các thành phần môi trường tại Ninh Thuận phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trọng điểm phía Nam của tỉnh” (tỉnh Ninh Thuận), đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh thái học, hiện trạng phân bố và nuôi bán tự nhiên loài ếch hương, đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững” (tỉnh Lạng Sơn)…

Kết quả của các chương trình, dự án, đề tài khoa học và công nghệ đã đóng góp không nhỏ vào việc ứng dụng, triển khai các kết quả, tiến bộ khoa học công nghệ trong giám sát, phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường. Nhiều quy trình công nghệ thân thiện với môi trường, nhiều công nghệ mới trong xử lý ô nhiễm đất, nước và không khí đã được đưa vào nghiên cứu xây dựng và góp phần kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường.

Về ứng dụng công nghệ mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam theo hướng giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp, tăng tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng, trong đó có một số địa phương đã đầu tư, đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác; xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch phân loại rác tại nguồn.

Điển hình là TP. Cần Thơ đã đưa Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ vào hoạt động với công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 400 tấn/ngày và phát điện khoảng 60 triệu KWh/năm; TP. Hải Phòng đã vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn Tràng Cát với công nghệ sản xuất các thải thành phân bón hữu cơ với công…

Với việc xác định khoa học, công nghệ mới là nhân tố đột phá, nguồn lực bảo vệ môi trường đã được tăng cường; hệ thống quan trắc môi trường tự động được hoàn thiện để cảnh báo sớm sự cố môi trường; năng lực quản lý môi trường công tác dự báo sớm ô nhiễm môi trường được nâng cao để kịp thời có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.